.

Cầu thủ nghiện trang mạng xã hội

.

8 năm trước, Zinedine Zidane không hề xin lỗi trên trang MySpace của mình cú “thiết đầu công” vào hậu vệ Ý Materazzi ở trận chung kết World Cup 2006. 20 năm trước đó, Diego Maradona cũng không muốn nhắc nhiều tới “Bàn tay của Chúa” ở trận đấu với Anh.

Các cầu thủ Brazil rất nghiện Instagram. (Theo NYT)
Các cầu thủ Brazil rất nghiện Instagram. (Theo NYT)

Cầu thủ than thở sau trận đấu là… thói quen có từ xa xưa nhưng World Cup 2014 đánh dấu một sự thay đổi lớn khi các cầu thủ sẵn sàng lên tài khoản trang mạng xã hội của mình để chia sẻ đủ thứ, từ chuyện cắn người cho tới pha lên gối vào lưng đối phương. Hàng trăm cầu thủ ở World Cup đã sử dụng các dịch vụ Facebook, Twitter, Youtube và Instagram để bình luận, đăng tải hình ảnh của các trận đấu.

Ngôi sao Brazil, Neymar vừa gục xuống mặt sân và lên máy bay tới bệnh viện vì pha lên gối của Zuniga (Colombia) lập tức có trên Twitter. Mọi người cầu nguyện cho Neymar kịp bình phục đã khiến Neymar nói trong đoạn video clip trên Youtube rằng “Giấc mơ của tôi vẫn chưa hết. Tôi hy vọng có thể chơi trận chung kết” càng làm cho cư dân mạng “nhảy” vào động viên tiền đạo Barcelona nhiều hơn. Ngược lại, một số khác đưa lời đe dọa đoạt mạng sống của Zuniga và gọi anh là “kẻ thù quốc gia” của Brazil.

Đội chủ nhà Brazil rất biết khai thác các dịch vụ trên mạng. Các học trò Scolari nắm rõ tình yêu bóng đá của người dân nên sẵn sàng tung lên mạng bất cứ hình ảnh nào được xem là đáng yêu, là mạnh mẽ để câu sự chú ý của mọi người. Trên trang chia sẻ hình ảnh Instagram, hậu vệ Dani Alves đăng ảnh đang uống sữa, David Luiz đưa tấm hình tắm dưới hồ. Hay như Luis Suarez từng chối bay chối biến tội cắn Chiellini trong thư gửi FIFA, nhưng trên Facebook của mình, tiền đạo Uruguay gởi lời xin lỗi hậu vệ Ý. Chiellini lập tức đáp lại bằng lời lẽ lịch sự “Hãy quên nó đi!”.

Dù rất nghiện các trang mạng xã hội song các cầu thủ tỏ ra rất kiềm chế, tránh những lời lẽ thiếu văn hóa. Kể từ đầu World Cup tới nay, chưa có “sự cố văn hóa” nào như ở Thế vận hội Luân Đôn 2012. Khi đó, một VĐV Thụy Sĩ đã bị đuổi về nước vì lên Twitter có những lời sỉ nhục đối thủ người Hàn Quốc. Tờ New York Times bình luận: Có vẻ như Facebook, Twitter, Youtube và Instagram đang làm cho World Cup 2014 trở nên đẹp hơn, sôi động hơn ngay cả những ngày không thi đấu.

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.