.

Bí danh gắn bó cả đời

.

Đầu năm 1955, trước khi bàn giao đất cho đối phương theo tinh thần Hiệp định Genève ký ngày 20-7-1954, Liên Khu ủy V họp mở rộng, ông Mười Khôi đại diện Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng vào dự. Cuộc họp được tổ chức tại xóm Gò Dưa, thôn Tài Lương, tỉnh Bình Định -  nơi đóng cơ quan Ban Tổ chức Khu ủy V.  

Ông Phan Đấu và ông Trần Thận (hàng trước thứ 4, 5 từ phải sang) thăm bà con nuôi giấu cán bộ Tỉnh ủy sau năm 1954. Tiền quà do Thành ủy Đà Nẵng cấp.
Ông Phan Đấu và ông Trần Thận (hàng trước thứ 4, 5 từ phải sang) thăm bà con nuôi giấu cán bộ Tỉnh ủy sau năm 1954. Tiền quà do Thành ủy Đà Nẵng cấp.

Sau khi gặp đoàn của Quảng Nam không thuộc diện cho đi tập kết chạy vào, Mười Khôi quyết định để cho một số cán bộ không trụ lại thì đi ra miền Bắc… Mười Khôi gặp Phan Nghị. Phan Nghị là con trai đầu của ông Phan Thảng, còn gọi Xã Thảng, người đã từng coi mạch cắt mười thang thuốc Bắc cho Mười Khôi uống lành bịnh, hỏi rất chân tình: Mình đã bàn với các anh Tổ chức Khu ủy, nhất trí để Nghị về Quảng Nam - Đà Nẵng công tác. Vậy, em đi ra Bắc hay ở lại về Quảng Nam? Về, thì đi với mình, đi ngay ngày mai, sau khi Hội nghị kết thúc.

Phan Nghị bấy giờ là cán bộ trẻ của Khu ủy V, công tác trong đoàn ‘‘Xây dựng chi bộ tự động’’ do Lê Nhạc làm Trưởng đoàn, đang đứng công tác ở Gò Nổi, Điện Bàn. Nghe tin đình chiến thì Phan Nghị rời Gò Nổi về lại Khu ủy. Trên đường chuẩn bị rời Quảng Nam thì gặp Tư Thuận, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Tư Thuận bảo Phan Nghị ở lại Quảng Nam chứ về Khu lúc này còn ai đâu mà về, tất cả đang chuẩn bị đi tập kết, có chi Tư Thuận sẽ báo cáo lại. Nhưng Phan Nghị muốn về lại cơ quan Khu ủy để gặp và chia tay thủ trưởng Giao, Toàn và anh em Văn phòng. Thế là Phan Nghị xuống thuyền vào An Tân, từ An Tân lên “tàu lửa”, bấy giờ gọi là “công nhông rây” chạy từ An Tân vào Quảng Ngãi. Từ Quảng Ngãi đi bộ vào Bình Định.

 Phan Nghị nói với Mười Khôi: Cho em ở lại. Nhưng sao về gấp thế anh? Mười Khôi rất vui, nói với Phan Nghị: Ở lại thì ngay ngày mai lên đường, vì phải theo chuyến thuyền mình từ Quảng Nam vào, nay quay ra, nếu chậm sẽ bị gió chướng. Mười Khôi nói với Phan Nghị: Mình đã xin được ít súng, cả hàng mì chính, chè, thuốc lá… của miền Bắc gửi cho Khu ủy V bên anh Huy (cán bộ hành chánh quản trị cơ quan Khu V) cậu sang nhận.

Hôm ấy, trời đang chuyển gió mùa Đông Bắc. Dự trù, không gặp gió mùa thì thuyền thả buồm chạy một đêm một ngày thì đến nơi. Cơm nước xong thì chiều xuống nhanh, như sắp tối, Phan Nghị theo Mười Khôi ra phía biển, đi dưới rừng dừa bạt ngàn của Tam Quan, đến cửa biển Cửu Lợi thì thấy một chiếc thuyền đánh cá đang đợi bên mép nước, sóng đánh nhấp nhô. Đây là chiếc thuyền vừa đưa Mười Khôi từ Thuận Tình, Cẩm Thanh, Hội An vào mấy hôm rồi. Thuyền đóng vai một thuyền đánh cá, dưới thuyền có ba ngư dân, là dân sông nước Hội An.

 Vừa bước xuống thuyền thì trời tối mịt, gió thổi mạnh dần và lạnh. Thuyền bắt đầu giăng buồm rẽ sóng ra khơi thì anh em lấy kẹo dừa và bánh tráng dừa ra ăn, nghe Mười Khôi nói chuyện. Thuyền chạy chưa đến nửa tiếng đồng hồ thì Phan Nghị say sóng, chỉ còn biết ngậm cây kẹo dừa nằm thiếp dưới sàn ghe, không dám cụ cựa. Thuyền về đến hải phận Quảng Nam thì Mười Khôi dặn lái thuyền đề phòng hải thuyền. Anh em liền tấp thuyền vào mé núi đá Cù Lao Chàm, rúc vào hóc núi đá ngồi nghỉ và nắm tình hình. Tối thì lọt qua Cửa Đại vào vùng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh, gặp Năm Ừ phụ trách trạm giao liên, đưa về cơ quan của Tỉnh ủy cánh Nam.

 Mười Khôi nói với Phan Nghị: Cậu ở lại đây cùng Trần Bắc, phân công nhau phụ trách văn phòng phân ban Tỉnh ủy. Bây giờ cậu tự đặt cho mình một cái “bí danh”. Phan Nghị suy nghĩ một lúc nói: Em chưa biết lấy cái tên gì đây. Mười Khôi nói: Anh là Quyết - Mười Quyết, vậy cậu là Đấu. Từ hôm nay, anh em mình Quyết - Đấu đến cùng!

Chia tay Mười Khôi trong đêm bên bờ rừng dừa Bảy mẫu, Phan Nghị giới thiệu tên mình là Đấu, theo Năm Ừ đến chỗ ở của Trần Bắc. Hai anh em cùng sống trong một căn nhà tranh nhỏ, có một cái hầm bí mật được xây dưới một đống gạch vụn của nhà bác Chánh Quy ở Thanh Tam. Sau hai tháng cùng làm việc bên nhau thì Trần Bắc chia tay Phan Đấu để về văn phòng Thường vụ Tỉnh ủy.

Phan Đấu chuyển sang một căn nhà khác ở cuối xóm Thanh Tam, nay là xã Cẩm Thanh. Lúc bấy giờ Ngô Xuân Hạ phụ trách đường dây ở phía Nam của tỉnh. Ngô Xuân Hạ thường ở trong nhà bà Bốn ở Thuận Tình, ở đây có cái cồn gọi là cồn bà Bốn. Bấy giờ, Đặng Việt (sau này là thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy Mười Khôi) được đưa về giúp một tay với Phan Nghị lo công việc Văn phòng. Đặng Việt phụ trách giao liên nội bộ cơ quan Phân ban Tỉnh ủy nối về Thường vụ Tỉnh ủy trú ở xóm Lương Bằng, gần đầu cầu Phước Trạch.

Giữa năm 1955, chuẩn bị đòi Hiệp thương tổng tuyển cử, Văn phòng Tỉnh ủy thống nhất về một mối tại Châu Bí, xã Điện Tiến huyện Điện Bàn. Đỗ Duy Tư (Đỗ Quang Thắng) là một Tỉnh ủy viên làm Chánh Văn phòng. Khi Tỉnh ủy phân công Đỗ Duy Tư làm Bí thư Ban cán sự miền Tây thì Phan Đấu phụ trách công tác văn phòng. Cùng tham gia công tác Văn phòng Tỉnh ủy lúc bấy giờ còn có những cán bộ, nhân viên vô cùng năng nổ và tốt bụng được Mười Khôi rất quý, rất thương như Nguyễn Trung, Nguyễn Kỳ. Nguyễn Trung là một học sinh từ Đà Nẵng lên làm văn thư, là người đầu tiên lo công việc “bếp núc” để khai sinh ra tờ Báo Quyết Tiến. Nguyễn Kỳ ở nhà có tên là Cầm, dân Hòa Tiến, kháng chiến chống Pháp là Trung đội trưởng du kích Hòa Tiến, từng nổi tiếng là chuyên gia đào hầm bí mật. Vào năm 1950, tại Bà Bầu, Tam Kỳ, khi Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức Đại hội, thì Nguyễn Kỳ cùng một du kích trong đêm bất ngờ đột nhập vào Hội trường diễn ra Đại hội làm một cái hầm bí mật. Sáng ra, Ban Tổ chức Đại hội tuyên bố: Khi hôm, có một du kích vào nơi chúng ta đang diễn ra Đại hội, đào một cái hầm bí mật. Đề nghị các đoàn đại biểu các huyện cử người đến tìm và qua đó nghiên cứu học cách làm hầm bí mật. Sau một giờ đồng hồ, không ai tìm ra căn hầm bí mật do Nguyễn Kỳ đào. Năm 1955, trên cho Nguyễn Kỳ tập kết ra Bắc, nhưng Nguyễn Kỳ tình nguyện trụ lại. Thời gian sống với đồng bào dân tộc Nguyễn Kỳ nói thạo tiếng Cơtu.

 Từ ngày gặp Mười Khôi ấy, Phan Nghị có cái tên mới là Phan Đấu. Một cái tên gắn bó theo ông suốt những năm dài ác liệt, gian nan. Nhiều năm Phan Đấu làm thư ký cho Bí thư Khu ủy V, Võ Chí Công. Năm 2014, Phan Đấu không còn khỏe song vẫn còn đủ tỉnh táo để kể lại chuyến rời đất Tam Quan, xuống thuyền, vượt sóng gió về lại Quảng Nam - Đà Nẵng, đương đầu với một cuộc chiến khủng khiếp mà khi nhớ lại, nghĩ lại ông vô cùng tự hào về một thời tuổi trẻ xông pha.

HỒ DUY LỆ

;
.
.
.
.
.