.

25 tuổi, hai lần làm giám đốc

.

Ấn tượng ban đầu của chúng tôi khi tiếp xúc với Nguyễn Tuấn Anh là giọng nói hào sảng, dễ gần. Năm nay 25 tuổi, nhưng chàng trai quê Điện Bàn, Quảng Nam này đã từng làm giám đốc một trung tâm công nghệ khi mới bước vào năm thứ 2 Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

Sau khi ra trường anh tiếp tục làm giám đốc một Trung tâm chuyên về Công nghệ thông tin, với mạng lưới phủ rộng toàn quốc, sở hữu một đội ngũ nhân viên trẻ, năng động và thu nhập một mức lương khủng hằng tháng. Thành công của giám đốc trẻ này bắt nguồn từ niềm đam mê Công nghệ thông tin.

Một buổi dạy về Marketing Online của Tuấn Anh. Ảnh: T.H
Một buổi dạy về Marketing Online của Tuấn Anh. Ảnh: T.H

 “Giám đốc” sinh viên

Tuấn Anh kể mình đam mê Công nghệ thông tin (CNTT) từ nhỏ, học xong phổ thông là đăng ký thi vào ngành CNTT của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Vào trường, Tuấn Anh “trổ tài” bằng việc sáng lập ra diễn đàn Sinh viên Sư phạm svsupham.com, Nhóm bút… để cập nhật thông tin về hoạt động của trường, sinh viên. Đó cũng là nơi để Tuấn Anh tập dượt vai trò làm người quản trị. Chưa hết đam mê, năm thứ 3 đại học, cậu lại nảy ra ý tưởng mở một Trung tâm chuyên về thiết kế website rồi rủ hai bạn trong lớp cùng làm.

Tuấn Anh chuyên về mảng tìm kiếm khách hàng, hai bạn còn lại chuyên về kỹ thuật. Cả ba chung sức “cày” vào những thời gian rảnh rỗi sau buổi học. Kiếm được tiền, có thêm kinh nghiệm, ba “giám đốc” trẻ càng thêm khí thế để làm việc. Công việc của Trung tâm diễn ra thuận lợi cho đến năm 4 đại học, hai bạn kia xin nghỉ để tập trung vào thi cử, đồ án, chỉ còn lại một mình Tuấn Anh.

Không nỡ để Trung tâm tan rã, một mình cậu vừa học, vừa cật lực làm việc cho Trung tâm “một thành viên” của mình. “Thời gian đó, mình vừa chạy khách hàng, vừa lo khâu kỹ thuật, hình như chẳng có thời gian nghỉ. May mà kết quả kỳ thi vẫn tốt, chứ không thì hối hận cả đời. Giờ nghĩ lại, thấy mình cũng liều, nhưng nhờ liều mới có được ngày hôm nay”, Tuấn Anh chia sẻ.

Lại mở công ty, kiếm lương khủng

Duy trì Trung tâm được một thời gian, Tuấn Anh nghĩ mình phải đổi mới, muốn làm giàu bằng CNTT thì phải có kiến thức rộng, am hiểu thật nhiều mới thành công được. Vào tháng 4-2012, lúc chỉ còn vài tháng nữa tốt nghiệp đại học, anh giám đốc trẻ liều lần nữa, bỏ Trung tâm, xin đi dạy thêm ở Inet-Học viện đào tạo chuyên sâu về CNTT & Internet.

Tuấn Anh nói: “Đi dạy ở Inet mình học được cách thâu tóm khách hàng (học viên), phương pháp dạy, cách quản lý nhân viên, điều hành công. Đó là những bài học vô cùng quý giá”. Sau khi đứng bục giảng thành thục, cảm thấy mình đủ tự tin, vào tháng 11 năm đó Tuấn Anh xin nghỉ dạy, về huy động vốn để mở một công ty riêng. Vốn con nhà nông, ba mẹ Tuấn Anh chẳng biết CNTT là gì, cũng chẳng có đủ tiền để cho con làm vốn, song lại ủng hộ con trai hết mình.

Mượn ngược mượn xuôi được hơn trăm triệu, Tuấn Anh thuê văn phòng, tuyển nhân sự, thiết lập các mối quan hệ để lôi kéo khách hàng. Vài tuần sau, Trung tâm đào tạo H.O.C (Học) ra đời, đóng tại địa chỉ 123 đường Thanh Thủy, quận Hải Châu, chuyên đào tạo về Marketing Online, Seo Project, Đồ họa ứng dụng, Đào tạo lập trình Website, Lập trình di động. Giám đốc Tuấn Anh chuyên dạy về Marketing Online, lập trình Web, còn các mảng khác thì thuê giáo viên - là các bạn trẻ đã đi làm, năng đông, nhiệt tình về dạy.

Tuấn Anh tâm sự: “Các trung tâm khác thường dạy thiên về lý thuyết, ít cho học viên thực hành, nhiều bạn học xong cả khóa học vẫn không sao thao tác trên máy tính được. Vì vậy, để có nhiều khách hàng hơn và chất lượng đào tạo tốt hơn, mình và các giáo viên trong trung tâm ưu tiên ¾ khóa học để thực hành, không cứng nhắc lý thuyết như trong giáo trình”.

Ở Đà Nẵng, dù ra đời mới 2 năm, sau các trung tâm khác nhưng H.O.C vẫn chiếm lĩnh một thị trường khách hàng rất đông, đa số là nhân viên các công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn… muốn học các ngành “hot” như Marketing Online, Seo Project. Điều bất ngờ nhất mà đến tận bây giờ, Tuấn Anh vẫn không thể tin được là nhiều người ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác như Huế, Quảng Nam, Phan Thiết… lại biết đến chương trình đào tạo này, và số người đăng ký học rất đông. Mỗi tháng Tuấn Anh lại có thêm 3, 4 chuyến “lưu dạy” ở các tỉnh, thành, mỗi khóa học kéo dài 2 ngày với 15-20 học viên, học phí 2,5 triệu đồng/người. Cũng từ đó, Trung tâm H.O.C Đà Nẵng chuyển tên thành H.O.C Việt Nam, bởi phân khúc thị trường đã mở rộng trên toàn quốc.

Trừ tất cả chi phí thuê văn phòng ở các điểm dạy, lương nhân viên, thu nhập mỗi tháng của anh giám đốc trẻ trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, với Tuấn Anh, trong kinh doanh thì đó không phải là con số để mình có thể hài lòng, điều quan trọng là làm cho Trung tâm của mình ngày một quy mô, chất lượng và có thể đứng vững về lâu dài. Anh cho biết thêm sau này sẽ cố gắng để hướng Trung tâm của mình ra khu vực Đông Nam Á và xây dựng một thương hiệu riêng cho chính mình.

Trần Hiền
 

;
.
.
.
.
.