.

Tiềm năng và triển vọng

.

Nằm cách trung tâm thành phố gần 10km về hướng Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà là nét vẽ hoang sơ được thiên nhiên ưu ái chấm phá trong lòng thành phố trẻ Đà Nẵng, là sự hội tụ của tinh hoa kết giao “rừng vàng - biển bạc” tạo nên một không gian xanh trải dài chứa đựng những tiềm năng phát triển du lịch to lớn.

Bãi Mũi Súng, một trong những điểm đến hấp dẫn của bán đảo Sơn Trà. (Ảnh do BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cung cấp)
Bãi Mũi Súng, một trong những điểm đến hấp dẫn của bán đảo Sơn Trà. (Ảnh do BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cung cấp)

Là Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia được công nhận từ năm 1997, vùng sinh thái tự nhiên Sơn Trà rộng hơn 4.439ha, là nơi sinh sống, cư trú của 985 loài thực vật và 287 loài động vật, đặc biệt là sự có mặt của quần thể Voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là Nữ hoàng loài linh trưởng, là loài đặc hữu Đông Dương với bộ lông ngũ sắc tuyệt đẹp, quyến rũ bất cứ du khách nào may mắn quan sát được. Chưa hết, uốn lượn ven theo chân núi Sơn Trà là những bãi biển hoang sơ với cát trắng mịn xen lẫn ghềnh đá, hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển Sơn Trà với hơn 191 giống san hô mềm, 3 giống san hô cứng tạo rạn.

Có thể nói, sự phong phú, đa dạng, sự độc đáo, đặc thù của hệ sinh thái núi - biển tại bán đảo Sơn Trà đã chan hòa trong cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, ngoạn mục, vừa mang dấu ấn hùng vĩ của vùng núi rừng bạt ngàn, vừa mang vẻ đẹp khoáng đãng của vùng biển khơi mênh mông. Tất cả tạo nên một không gian xanh mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho thành phố Đà Nẵng.

Hệ sinh thái đặc thù cùng hệ thống các điểm dừng chân gắn liền với những truyền thuyết in đậm dấu ấn văn hóa tâm linh địa phương hòa hợp trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, ngoạn mục là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà với các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp giữa núi - biển, văn hóa tâm linh, thể thao, giải trí mạo hiểm.

Tiềm năng du lịch tại bán đảo Sơn Trà là điều mà bất cứ nhà đầu tư nào vào Đà Nẵng cũng thừa nhận, tuy nhiên quy hoạch bán đảo như thế nào, định hướng phát triển du lịch ra sao? Đó là điều mà lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm.

UBND thành phố đã mời nhà tư vấn Skidmore, Owings and Merrill (SOM) với ý tưởng quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành một Sơn Đảo. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên tại bán đảo, các hoạt động du lịch tại đây phải bảo đảm hài hòa giữa du lịch và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên chung của bán đảo.

Tiếp đến, Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng đã cùng Ban quản lý tiến hành khảo sát, quy hoạch và trình UBND thành phố ban hành Quyết định số 6648/QĐ-UBND ngày 27-9-2013 về phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 tuyến - điểm du lịch trên bán đảo Sơn Trà theo hướng chú trọng phát triển loại hình du lịch sinh thái núi - biển, du lịch văn hóa - tâm linh trên cơ sở bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên kết hợp phát triển các loại hình du lịch thể thao giải trí.

Trên cơ sở quy hoạch đã được duyệt, trong thời gian đến, Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng sẽ ưu tiên lựa chọn những hạng mục, sản phẩm cấp thiết nhất để tham mưu Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch trình UBND thành phố cho phép tiến hành quy hoạch chi tiết để từng bước đầu tư nâng cấp, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch tại đây.

Công tác tuyên truyền quảng bá cũng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian đến. Bên cạnh những hình thức tuyên truyền đã thực hiện như: phối hợp Đài DRT sản xuất chương trình truyền hình “Biển Xanh”, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh ven biển, thành lập website, tuyên truyền cổ động trực quan... Ban quản lý sẽ xây dựng một chương trình truyền thông, tập trung quảng bá hình ảnh bán đảo Sơn Trà gắn với những tài nguyên du lịch đặc trưng như công tác bảo tồn loài Linh trưởng quý hiếm Voọc chà vá chân nâu, thảm động thực vật rừng, biển tại khu bảo tồn…

Các hoạt động quản lý du lịch tại bán đảo Sơn Trà được xây dựng nhằm bảo đảm mục tiêu bảo tồn “Sơn Đảo” của Đà Nẵng theo ý tưởng quy hoạch chủ đạo của UBND thành phố. Việc triển khai thực hiện các hoạt động này phải đảm bảo hài hòa giữa du lịch và bảo tồn trong cảnh quan thiên nhiên chung của bán đảo Sơn Trà. Ban quản lý sẽ chú trọng đến việc phát triển tour tuyến, sản phẩm du lịch; tập trung tôn tạo, nâng cấp những điểm dừng chân tham quan đã đưa vào khai thác, như Đỉnh Bàn Cờ, Nhà Vọng Cảnh... đề xuất triển khai những ý tưởng đã đưa vào quy hoạch như các điểm Look out (điểm vọng cảnh), nhà trưng bày, vườn thú bán hoang dã. Bên cạnh những tuyến tham quan đã có chủ trương, hình thành thêm những tuyến mới trên biển, trekking xuyên rừng già...

Ban quản lý cũng sẽ tăng cường liên kết với các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ để khai thác mạnh các dịch vụ Lặn ngắm san hô, Câu cá cùng ngư dân, đa dạng các loại hình dịch vụ thể thao giải trí biển để tạo sản phẩm du lịch biển chất lượng cao. Chùa Linh Ứng, các đền miếu theo tín ngưỡng thần núi - thần biển của cư dân địa phương sẽ là các địa chỉ giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Các Tour trekking khám phá, Ngắm động vật hoang dã sẽ góp phần mang lại sức hút đối với sản phẩm du lịch sinh thái tại bán đảo Sơn Trà.

Năm nay, “Mùa du lịch biển 2014” sẽ diễn ra từ ngày 30-4 đến ngày 5-5 với hơn 20 hoạt động được tổ chức dọc tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. Ngoài các hoạt động vui chơi, giải trí cho người dân và du khách tham gia, chương trình năm nay còn hướng đến các hoạt động văn hóa biển và bảo vệ môi trường biển. Một chuỗi các sự kiện sôi nổi cả trên bãi biển lẫn dưới nước, “Mùa du lịch biển 2014” sẽ góp phần quảng bá tiềm năng du lịch biển Đà Nẵng đến với du khách trong nước và nước ngoài, qua đó sẽ khẳng định một điều rằng, việc tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và bền vững sẽ góp phần xây dựng ngày càng vững chắc một thương hiệu du lịch biển cho Đà Nẵng trong tương lai.

NGUYỄN ĐỨC VŨ

;
.
.
.
.
.