.
Phương hay Thuốc quý

Lương y Lê Hữu Mạch và đôi điều tâm đắc thuốc Nam

.

Một buổi trưa đầu hạ, trong dịp lễ Quốc tế Lao động 2012, ngồi trong quán cơm chay bên bờ  “con sông dùng dằng, con sông không chảy…”,  có dịp giao lưu với một vài đồng nghiệp tại Huế, không hẹn mà gặp, câu chuyện thuốc Nam luôn là chủ đề cuốn hút cả chủ lẫn khách. Xin lược ghi vài tâm đắc và kinh nghiệm của Lương y Lê Hữu Mạch, Chủ tịch Hội Đông y TP. Huế mà tôi đã thu hoạch được trong cuộc trò chuyện này.

Lương y Lê Hữu Mạch (bìa phải) cùng tác giả trong một lần gặp ở Huế.
Lương y Lê Hữu Mạch (bìa phải) cùng tác giả trong một lần gặp ở Huế.

Nhị bách cao

Nói đến thuốc Nam, ai cũng nghĩ đến đủ loại dược liệu cỏ cây hoa lá. Một bài thuốc là tổ hợp ít ra là vài ba vị, hoặc nhiều hơn chừng vài chục vị. Thế nhưng lương y Mạch lại chia sẻ với tôi rằng ông thường dùng bài thuốc bổ gồm hai trăm vị, gọi là Nhị bách cao. Thấy tôi tròn mắt nhìn, ông cười hóm hỉnh giải thích: “Con dê ăn hàng trăm thứ cỏ lá để sinh trưởng, con ong hút nhụy hàng trăm loại hoa để gây mật, bài thuốc của tôi dùng gồm 2 vị: cao dê toàn tínhmật ong, thế chẳng phải tương đương với hai trăm loại cỏ cây hoa lá hay sao?”. Quả thật, không đến nỗi lười đọc sách, nhưng lần đầu tôi nghe một lối lý luận khúc chiết mà chí lý của vị lão y 77 tuổi đời và hơn 50 tuổi nghề này.

Ai cũng biết cao dê và mật ong là những loại thuốc bổ nguồn gốc động vật có tác dụng tăng cường thể lực cho người suy nhược cơ thể, thiếu máu, mệt mỏi, gầy còm, kém ăn, mất ngủ, rất tốt cho phụ nữ sau sinh, nam giới suy giảm chức năng sinh lý, người già hay đau nhức xương khớp… Nhưng có lẽ thâm ý của lương y Mạch, theo tôi ngầm hiểu, thầy thuốc nên dùng những loại thuốc bổ chất lượng hiệu quả mà lại dễ kiếm tại địa phương, giá thành hạ, ít khi bị làm giả để thay thế cho các vị thuốc bắc đắt tiền mà lắm khi phải mua phải hàng “dỏm”, kém chất lượng.  

Bài thuốc nam thay Lý trung thang

Lý trung thang là bài thuốc đầu bảng trong nhóm thuốc khu hàn, ôn bổ tỳ vị, dùng chữa các chứng tỳ vị hư hàn, hay nôn, đau bụng ỉa chảy mà không khát nước. Bài thuốc có xuất xứ từ sách Thương hàn luận, thành phần gồm Nhân sâm, Bạch truật, Càn cương, Cam thảo. Lương y Mạch cho biết khi mới học thuốc bắc, để chữa các bệnh đau bụng, ỉa chảy kéo dài, viêm đại tràng mạn tính, ông thường theo kinh điển dùng Lý trung thang kết hợp với Tứ thần hoàn (Phá cố, Nhục khấu, Ngô thù, Ngũ vị), nhưng về sau ông nghiên cứu sử dụng bài thuốc Nam thay thế có hiệu quả tác dụng tương đương. Bài thuốc gồm: Hoắc hương, Tiêu cương (gừng khô sao cháy tồn tính), Vỏ măng cụt, Dây mơ lông (sao vàng). Có thể sắc thuốc thang hoặc tán bột uống.

 “Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ trong mơ…”  

Mượn lời “tạm biệt” của Thu Bồn, một nhà thơ xứ Quảng trong bài thơ rất hay về Huế để nói thay tâm trạng người viết bài này. Với tôi, cố đô Huế còn nhiều trầm tích văn hóa y dược cổ truyền cần khám phá và khai thác. Xim tạm biệt và hẹn gặp lại!

PHAN LANG

;
.
.
.
.
.