.

Còn một chút gì để nhớ...

.

Thân hữu, gia đình và bạn bè văn nghệ sĩ Đà Nẵng vừa tổ chức buổi tưởng niệm giỗ 33 năm ngày mất nhà thơ Vũ Hữu Định (1942-1981).

Ông là tác giả bài thơ “Còn một chút gì để nhớ”, nhạc sĩ Phạm Duy  phổ thành ca khúc được nhiều thế hệ yêu thích. Năm nay, gia đình của cố thi sĩ Vũ Hữu Định rời hẳn quê hương để vào sống tại TP. Hồ Chí Minh. Theo gợi ý của nhà thơ Trần Từ Duy, gia đình đã tổ chức ngày giỗ cuối cùng của thi sĩ tại Đà Nẵng để bạn bè văn nghệ sĩ có điều kiện đến dự.

 Pa-nô chương trình tưởng niệm thi sĩ Vũ Hữu Định. (Nguồn: Internet)
Pa-nô chương trình tưởng niệm thi sĩ Vũ Hữu Định. (Nguồn: Internet)

1. Chỉ còn một chút gì để nhớ…

Thứ bảy, tôi đã dậy sớm bởi cú điện thoại giục giã lúc rạng sáng. Thì ra nhà thơ Trần Từ Duy đang gọi từ Đà Nẵng.

Từ Duy tếu táo, hay cà rỡn bông đùa dễ làm nhiều người hiểu lầm nhưng thực ra tâm của anh rất tốt và rất chu đáo với bạn bè. Tôi thấy anh có mặt ở hầu hết các chương trình văn nghệ làm cho các danh nhân Quảng Nam hay bạn bè văn nghệ thân vừa nằm xuống như thi sĩ Bùi Giáng, nhà thơ nhà báo Đặng Ngọc Khoa... Với trường hợp của Vũ Hữu Định, được nhắc nhớ đến qua bạn bè không phải bây giờ; mà cách đây gần 10 năm (1996) nhóm bạn hữu Trần Từ Duy, Nguyễn Lương Vỵ, Phạm Văn Hạng, Đông Trình… đã tổ chức một chương trình tưởng niệm nhà thơ rất hoành tráng ở Sài Gòn bấy giờ tại Nhà văn hóa Phú Nhuận lúc thi sĩ “âm vang sắc màu” Nguyễn Lương Vỵ còn làm giám đốc.

Đó cũng là lần đầu tiên, thơ Vũ Hữu Định được in lại một cách sang trọng và đầy đủ dưới thi phẩm Còn một chút gì để nhớ của NXB Trẻ. Anh Phạm Sĩ Sáu cũng có lần nói với tôi rằng thời điểm ấy mà làm tuyển thơ Vũ Hữu Định cũng là một đắn đo và dũng cảm của người làm công tác xuất bản. Vài chút để nhớ như vậy để cùng hình dung thơ và những lứa bên trời thơ lao đao lận đận... Cũng trong đêm giới thiệu thơ Vũ Hữu Định ở Sài Gòn, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cảm khái nhớ bạn, đọc luôn bài thơ dài “Hồ trường, hồ trường biết chảy về đâu” (bản dịch của thi sĩ Quảng Nam Nguyễn Bá Trác). Nghe đâu sau đó ông thổ huyết và đau suốt một tuần. Còn nhà thơ Nguyễn Trung Bình bấy giờ theo phim “Xích lô” vào Sài Gòn chạy hớn hở xăng xái. Khi tôi viết mấy dòng này thì anh cũng đã mồ xanh cỏ lạnh!

Có mấy “chút” nữa tưởng cần ghi lại để cùng ngậm ngùi như sau. Bìa thi phẩm Còn một chút gì để nhớ rất đẹp và ấn tượng do họa sĩ Nguyễn Việt Hải trình bày. Gia đình Vũ Hữu Định đã sử dụng lại mẫu bìa sách này để dựng tấm bia thơ trên mộ chí của thi sĩ. Còn Nguyễn Việt Hải số phận cũng kỳ lạ không kém! Anh còn rất trẻ, rất phong độ bỗng nhiên mất đột ngột vì đụng xe trong đám tang của thi sĩ Thu Bồn khi anh đi viếng nhà thơ tại suối Lồ Ồ - Bình Dương. Chúng ta không ai có thể biết trước được việc của chính mình trong hành trình phía trước. Bởi thế, mãi mãi cuộc đời “may còn có em đời còn dễ thương” và mãi mãi thi vị vì cơn cớ “Còn một chút gì để nhớ để quên”...

2. Tôi đã nhớ và quên gì về thi sĩ Vũ Hữu Định?

Đúng là vẫn còn một chút gì để nhớ. Dù chỉ qua tâm trí một đứa trẻ. Gã thi sĩ mảnh khảnh, bạc phếch phong trần và nhếch nhác. Hoàn toàn tôi không có ý bôi xấu hình ảnh ông. Nhưng ký ức đứa bé đã hằn dấu như vậy. Ông và cha tôi có chia sẻ được gì với nhau tình thơ và tình thân, tôi không rõ nhưng ông thường đến khi đã uống say. Trong những thi sĩ hay qua lại nhà tôi lúc ấy tôi nhớ nhất ông là thi sĩ gánh nước tưới sông Phạm Phú Hải. Một ông thường say và một ông thường điên. Vũ Hữu Định không hào hoa như những bài thơ của mình. Ông là một cái vỏ xù xì, một thái cực buồn chán. Còn Phạm Phú Hải tay thường bắt chuồn chuồn tưởng tượng, miệng trún nước bọt, mắt hơi trợn ngược khi ghé qua nhà tôi. Nhìn chung, các thi sĩ tài hoa lại chẳng khác gì ông Ba Bị trong thế giới trẻ thơ.

Và bấy giờ tôi chẳng có khái niệm gì về sự nổi tiếng của ca khúc “Còn một chút gì để nhớ”. Mặc dù thấy mẹ tôi thi thoảng hay hát. Chẳng là mẹ tôi nhớ ông ngoại và hai ông cậu đang ở Pleiku phố núi. Hình như thuở nữ sinh Đồng Khánh những mùa hè mẹ vẫn hay lên đó chơi với ông ngoại. Vì thế mẹ thích ca khúc này một cách đặc biệt. Cho đến một lần ba tôi chỉ ông say rượu nói đại khái là tác giả của bài thơ mà nhạc sĩ đã phổ nhạc, tôi còn ớ ra: - “Bác nớ à?”. Tôi không thể tin và không chịu tin một ông say rượu nhếch nhác lại có thể sáng tác được bài thơ đẹp cỡ nhường ấy!

Ký ức đến giờ viết những dòng này vẫn chạy như một cuốn phim đen trắng quay chậm. Mà rõ ràng một thời đất nước gian lao, cuộc sống khó khăn làm gì có màu sắc gì để quay phim màu? Vũ Hữu Định vẫn đạp cái xe cà tàng, cũ nát. Thi thoảng ông còn như sợ mất, kễnh chân chống, hỏi với vào: “Ba con có ở nhà không?”. Hồi ấy cha tôi đi làm buổi tối ở một trường bổ túc văn hóa. Thi sĩ đến ít khi gặp. Rồi ông đạp thốc xe đi lang thang lên nhà họa sĩ Hoàng Ân. Bọn tôi gọi họa sĩ Hoàng Ân là phù thủy bởi ông hay mang chiếc áo bành tô màu nâu to xù, cũ kỹ. Vũ Hữu Định chơi rất thân với họa sĩ.

Hai gã Huế mệ có vẻ hợp nhau hơn cả. Hoàng Ân thuê một ki-ốt bán sách trên đường Hùng Vương và chơi đàn guitare classic. Tôi ngày ấy mê đọc sách và vẫn thường hay rình cơ hội để ăn trộm sách ông đem về đọc. Muốn đến nhà Hoàng Ân, Vũ Hữu Định phải băng qua một khu xóm đạo bên đường ray xe lửa. Và cái nhà ga xe lửa trên phố Nguyễn Hoàng cũ ấy đã thoáng bóng vào thơ Vũ Hữu Định tự lúc nào không biết. Ông trải thân phận mình như một tiếng thở dài, một sự tiếc nuối trong tiếng còi rúc não nề của nó: “Mấy năm không đi trời đất nhỏ dần”. Tôi không còn nhớ bài thơ. Chỉ nhớ câu thơ. Thời gạo châu củi quế, đói khát thì lấy đâu ra tiền để kẻ giang hồ ngang dọc? Đất trời cũng thu hẹp và mốc meo lên vậy!... Nhưng đó cũng là cảm nhận tinh tế để vụt thành câu thơ tài hoa của ông...

3. Những bài thơ như chút gì nhớ, để...

Vũ Hữu Định chết trong một cơn say. Theo bạn bè kể lại, sau một cuộc rượu cùng bè bạn, ông lẫm dẫm bước đi và rơi vào khoảng trống! Nhiều bài thơ của ông hôm nay ám ảnh người đọc vì những khoảng trống không thể lấp đầy chứ không phải chỉ có “Em Pleiku má đỏ môi hồng” hay “Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”. Mà người đời vốn nhẫn tâm như thế! Người ta cố tình quên hay không muốn nhắc đến những mùa đông của cuộc đời ông! Tôi đã đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy ngày ông về Sài Gòn và có hỏi chuyện về bài thơ Còn một chút gì để nhớ của Vũ Hữu Định. Phạm Duy nói “Tôi phổ ca khúc này khi chưa biết Định là ai? Đó là bài thơ hay! Sau này tôi cũng có tìm đọc một số bài thơ khác của Định nhưng không phổ!...”. Rồi Phạm Duy như nói vào khoảng trống: “Cuộc sống mơ mộng chút mới đẹp!”...

Sau này khi Vũ Hữu Định mất, họa sĩ Hoàng Ân và một số bạn bè còn giữ được những bài thơ chép tay của ông. Thực sự đó là những bài thơ “thuốc nổ”. Những ngao ngán thế sự, những trằn trọc “ngờm” đời. Có bài ông viết cho bạn bè hóa ra giãi bày cho cuộc loay hoay chính mình.

Ngày Huế giải phóng
mày lang thang trong Nam

xa nhau càng nghĩ càng thương
thằng bạn thơ cuộc đời bầm dập
trốn lính, đi lính, rồi thì học tập
thương ơi câu nói, ở răng cho vừa đời

Hay một bài khác, khi vợ đẻ. Đời trai khốc liệt và méo mặt. Vợ đẻ, nụ cười thơ dại. Còn lăn lóc đâu đó trên những trạm hải hành. Túi không tiền. Chỉ có thơ!

Lần nào em sinh nở
ta cũng phải vắng nhà
tháng này em sinh nở
ta lại trên đường xa
… cám ơn người vợ khổ
chiều nay ta khóc thầm
uống những giọt rượu đắng
ngày xa quê long đong

Những bài thơ bung lung ba la như thế này tưởng ai cũng có thể viết được! Nhưng không! Vũ Hữu Định viết bằng máu nên thơ sống lâu hơn! Có những bài thơ nghe bằng tai. Có bài thơ đọc bằng mắt. Có những bài thơ để yêu. Có bài thơ để đau! Để thổ huyết mà yêu cuộc sống! Vũ Hữu Định có những bài thơ nằm im lìm hay chết lặng sau giá nhạc mà âm thanh không đụng tới hay không dám đụng tới! Để mãi mãi trong tim chúng ta vẫn còn một chút gì để nhớ khi gọi tên Thi sĩ!

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

;
.
.
.
.
.