.

Năm 2013, du ký và tạp văn lên ngôi

.

Với đời sống văn học, năm 2013 có thể coi là khá trầm lắng. Không chỉ vì những ảnh hưởng tất yếu của suy thoái kinh tế, theo nhà văn Lê Thiếu Nhơn, sự trầm lắng này rõ ràng là thực tiễn cần phải được nhìn nhận lại.

Nhà văn Lê Thiếu Nhơn
Nhà văn Lê Thiếu Nhơn

Nhà văn Lê Thiếu Nhơn cho biết:

Sự trầm lắng thể hiện ở hai yếu tố: Thứ nhất, không có sự xuất hiện của bất cứ cây bút mới nào. Thứ hai, có sự chậm lại hoặc biến mất của một số ấn phẩm chuyên biệt cho văn học - nghệ thuật.

* Theo anh, hiện tượng trầm lắng của đời sống văn học năm qua do ảnh hưởng của nền kinh tế suy thoái hay còn nguyên nhân nào khác?

- Đúng là mọi hoạt động xã hội đều bị chi phối bởi vấn đề tài chính. Nhưng trong văn học - nghệ thuật, theo tôi, tài chính chỉ tác động khoảng 50%. 50% còn lại có lẽ vì hình như trong quá trình hội nhập, chúng ta vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp để phát triển văn học nghệ thuật trong nước.

Nói cách khác, chúng ta bị choáng váng trước những trào lưu, khuynh hướng, chuẩn mực thẩm mỹ mới xâm nhập từ bên ngoài trong quá trình hội nhập. Chúng ta không có cách nào để biết hiện tại mình đang làm gì. Ở đây ý tôi muốn nói, chúng ta đang rất cần đội ngũ các nhà phê bình chuyên nghiệp bắt đầu lên tiếng.

* Vậy đâu là những mảng đề tài đang được giới cầm bút quan tâm nhiều hơn cả?

- Như tôi đã nói, Việt Nam đang bắt đầu tiến trình hội nhập sâu và rộng với thế giới. Văn học - nghệ thuật cũng thế. Hiện tại, đề tài nhiều người muốn viết nhất, bạn đọc cũng muốn đọc nhiều nhất là những trải nghiệm và hội nhập của người Việt như thế nào.

Chúng ta thấy trào lưu sách viết về du ký đang trở lại với những tác phẩm của Phan Việt, Di Li, Dương Thụy, Phương Mai. Thực ra, thể loại du ký không phải mới xuất hiện. Từ những thập niên 40 của thế kỷ trước, học giả Phạm Quỳnh đã viết du ký. Tuy nhiên hiện nay, người Việt đang muốn một cái nhìn mới mẻ để bước ra thế giới nên rất cần thông tin và sự trải nghiệm.

Cũng vì nhận thấy bạn đọc đang có nhu cầu này, rất nhiều tác giả tỏ ra hơi nôn nóng nên xảy ra sai lầm, cụ thể nhất cuốn Xách ba lô lên và đi của Huyền Chíp. Tác giả đã nhầm lẫn giữa việc ghi chép những trải nghiệm và sáng tác theo trí tưởng tượng.

* Vậy từ trào lưu của dòng sách du ký, anh nghĩ cái được lớn nhất của nó là gì?

- Rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới đã dự đoán thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của văn học tự sự không dùng trí tưởng tượng, không hư cấu. Du ký là một trong những thể loại đó. Du ký là thể loại được viết từ trải nghiệm, suy ngẫm của người viết về cảnh vật, sự việc, thế thái nhân tình.

* Bên cạnh du ký, tôi cũng nhận thấy, thời gian qua, thể loại tạp văn (tản văn, tùy bút) khá phổ biến. Anh nhận xét như thế nào về thể loại tạp văn trong bối cảnh xã hội hiện nay?

- Tạp văn (tản văn) là thể loại văn học rất lâu đời. Thực ra thể loại này không mới, nhưng gần đây lại xuất hiện nhiều. Thể loại tản văn cho phép người viết bộc lộ tất cả suy tư của mình trước cuộc đời. Và trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi nhịp sống công nghiệp chi phối mạnh mẽ lên đời sống, con người cảm thấy ngột ngạt và muốn được chia sẻ.

Ở phương diện đó, tạp văn phát huy được thế mạnh. Nó kết nối một người với những người khác bằng cách gợi ý chúng ta cùng suy nghĩ về vấn đề này, chúng ta cùng rung cảm về vấn đề nọ.

Thêm nữa, hiện nay tạp văn còn được trợ lực thêm bởi công cụ Internet. Những blog hay Facebook giúp thể loại này phát triển hơn. Năm vừa rồi tôi thấy cuốn sách của anh Đinh Vũ Hoàng Nguyên có tên Có một phố vừa đi qua phố. Đây là cuốn sách tập hợp những bài viết trên blog của anh Nguyên. Khi anh qua đời ở tuổi 38, nhà xuất bản đã tập hợp lại và in thành sách.

Có thể thấy, khi phải đối diện với sự bức bách của đời sống, người ta nói thật được rất nhiều điều. Người ta đào sâu vào chính tâm hồn mình để bật lên được những ý nghĩ rất hay.

* Có người nói tạp văn sẽ là thể loại văn học của thời hiện đại. Anh nghĩ như thế nào về nhận định đó?

- Tôi cho rằng khi xã hội chấp nhận thế giới của một kết nối, tức là một cái nhấp chuột thay thế cho người đưa thư thì tản văn sẽ còn nhiều cơ hội hơn để phát triển.

Theo tôi, không phải chỉ là vài ba năm tới đâu, mà có thể là 20 năm tới, chúng ta sẽ có những nhà văn chỉ chuyên viết tản văn. Thậm chí sẽ có những người rất nổi tiếng chỉ về viết tản văn thôi.

Cũng giống như trước đây, khi nền kinh tế mới mở cửa, chúng ta đã có một lớp các nhà văn nổi tiếng với thể loại ghi chép, phóng sự như Minh Chuyên, Trần Huy Quang, Xuân Ba, Huỳnh Dũng Nhân, v.v... Họ là những người mà khi xã hội chuyển động, thay đổi nhanh chóng, họ đã trở thành các nhà văn qua các phóng sự, ghi chép của mình.

* Còn với thơ thì sao? Anh suy nghĩ thế nào về hiện tượng Nguyễn Phong Việt với số bản thơ kỷ lục bán được qua 2 tập Đi qua thương nhớ và Từ yêu đến thương?

- Thơ ca năm qua chứng kiến sự lùi lại của các tác giả đã định hình. Nhưng theo tôi, về thơ, tuy không có nhiều tập nổi bật hẳn lên nhưng vẫn có những tập đáng đọc.

Còn về hiện tượng Nguyễn Phong Việt, tôi là người theo dõi và đọc thơ Phong Việt viết từ hồi còn học phổ thông. Từ khi Phong Việt biết tận dụng sức mạnh của Internet, đặc biệt là Facebook, anh đã đưa thơ lên đó thử nghiệm và tìm ra cho mình con đường riêng. Thơ Nguyễn Phong Việt đi theo hướng diễn tả hết mọi ý nghĩ, đó là kiểu thơ văn xuôi. Nghĩ sao nói vậy và nói một cách mềm mỏng, dịu dàng, trọn ý. Đọc thơ Việt, người đọc không phải nhọc nhằn giải mã ngôn ngữ, đó là một tiện ích.

Do đó, tôi không thấy anh Việt có những câu thơ thật hay, nhưng những ý thơ của anh rất gần với cuộc sống. Và đấy là một thế mạnh, một con đường tiếp cận thơ riêng của anh trong bối cảnh thơ hiện nay.

* Về các giải thưởng văn học trong năm qua, anh có nhận xét gì?

- Nhìn vào giải thưởng văn học năm nay, tôi cảm thấy rất thất vọng. Toàn là những gương mặt rất cũ được trao giải. Hà Nội trao giải cho nhà văn Nguyên Ngọc, thành phố Hồ Chí Minh trao giải cho nhà thơ Từ Quốc Hoài, Huế trao giải cho nhà văn Tô Nhuận Vỹ.

Đó đều là những tác giả đã định hình và sẽ rất khó để những tác phẩm mới của họ vượt lên những gì đã viết. Có thể thấy, cách trao giải thưởng năm nay chọn cách an toàn, khỏi gây ra những xáo trộn về thẩm mỹ của người đọc.

* Vậy anh có thể chia sẻ về một vài tác phẩm văn học trong nước gây ấn tượng với anh trong năm qua?

- Năm qua, về văn xuôi chúng ta không có tác phẩm nổi trội, nếu có gây xôn xao thì chỉ là một vài scandal nào đó. Tôi thấy văn xuôi chúng ta đang bị áp đảo bởi văn học dịch. Ngoài một số tác giả viết du ký, hầu như không có tác phẩm nào nổi trội.

Do đó, để giới thiệu một cuốn cho bạn đọc mà bản thân tôi cũng bất ngờ thì tôi cho rằng đó là tập thơ Chấm của Nguyễn Ngọc Tư. Đây là tập thơ được bán với giá 70.000 đồng và in 2.000 bản mà vẫn bán hết. Đó lại là tác phẩm của một người mà lâu nay vẫn quen thuộc với bạn đọc ở văn xuôi với những tác phẩm như Ngọn đèn không tắt, Khói trời lộng lẫy, Cánh đồng bất tận, v.v...

* Xin cảm ơn anh!

DƯƠNG QUANG thực hiện

;
.
.
.
.
.