.

Tay nghề giỏi thôi chưa đủ!

.

Khi mắc những căn bệnh thông thường như ho, cảm cúm, đỏ mắt… nhiều người chọn giải pháp đi khám bệnh ở phòng mạch tư, vừa tiện, vừa nhanh chóng, không phải chờ đợi lâu như vào bệnh viện. Nhưng không phải bác sĩ nào mở phòng mạch tư cũng tuân thủ hết các nguyên tắc khám chữa bệnh.

Khám bệnh cho bệnh nhân nhi tại BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ảnh: THU HOA
Khám bệnh cho bệnh nhân nhi tại BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ảnh: THU HOA

Hầu như những bác sĩ có tay nghề giỏi, làm việc lâu năm trong nghề, khi mở phòng mạch tư, đều đón một lượng bệnh nhân không nhỏ trong các buổi khám ở phòng mạch ngoài giờ hành chính, giúp các bệnh viện giảm tải một lượng bệnh nhân khá lớn hằng ngày.

Chúng tôi ghi nhận ý kiến của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sau khi đến khám ở các phòng mạch tư, về thái độ, cung cách phục vụ của bác sĩ và nhân viên, với mong muốn những ý kiến này được các y, bác sĩ ghi nhận, để hoạt động chuyên môn của bác sĩ ngày càng tốt hơn, người bệnh cũng tin tưởng hơn vào tay nghề và y đức của bác sĩ.

Trong pháp lệnh 07/2003/PL-UBTVQH11 về hành nghề y, dược tư nhân ban hành ngày 25-2-2003 quy định tại Điều 18 và 19 (trích): Treo bảng hiệu, niêm yết phạm vi hành nghề và thực hiện đúng quy định được ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân; niêm yết thời gian hoạt động, giá khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tư nhân và thực hiện các quy định của pháp luật về giá; người hành nghề y tư nhân được kê đơn nhưng không được bán thuốc… Về giá khám bệnh, có phòng khám niêm yết giá hẳn hoi, nhưng cũng có phòng khám không hề ghi mức giá khám bệnh. Và trên thực tế, đa số các phòng khám tư nhân đều có bán thuốc cho người bệnh. Giá khám bệnh không có, giá thuốc bác sĩ đưa cho người bệnh/người nhà bệnh nhân cũng không biết bao nhiêu. Và hầu như bệnh nhân nào cũng có cùng một hành động: bác sĩ (hoặc nhân viên của phòng khám) nói giá bao nhiêu thì bệnh nhân trả chừng ấy, không thắc mắc!

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, cho biết khi dịch đau mắt đỏ bùng phát ở Đà Nẵng tháng 9 vừa qua, con trai chị và cả mẹ ruột của chị đều cùng đau mắt đỏ. Nhưng khi cháu khỏi bệnh thì bà mới bị mắc. Chị Hiền đưa con và mẹ đến khám ở phòng mạch một bác sĩ chuyên khoa mắt có tiếng ở quận Hải Châu hai lần, thì trong cả hai lần đó chị đều phải trả cho cô nhân viên của bác sĩ một số tiền là 160 nghìn đồng. Và chị để ý thấy nhiều bệnh nhân khác cũng trả chừng đó tiền cho bác sĩ sau khi khám để nhận một chai thuốc nhỏ mắt và 1-2 loại thuốc viên bổ mắt khác.

Trong nhiều lần khám bệnh ở phòng khám tư, tôi đã gặp một bác sĩ chuyên khoa da liễu chỉ khám và không bán thuốc, bác sĩ cũng kê đơn hẳn hoi, nhưng lại tư vấn thêm một câu là đến mua thuốc tại quầy X trên đường Trưng Nữ Vương. Thuốc da liễu thuộc loại biệt dược, không phải quầy thuốc nào cũng có, nên câu tư vấn này dù sao cũng được người bệnh chấp nhận.

Nhưng có những bác sĩ sau khi khám xong không hề ghi đơn thuốc cho bệnh nhân, mà đưa luôn các loại thuốc để điều trị căn bệnh đó, và ghi cách uống bao nhiêu viên, ngày mấy lần vào tờ giấy đính kèm mỗi loại thuốc. Gặp trường hợp đó nếu sau 3 hoặc 5 ngày điều trị (theo liệu trình) không khỏi, bắt buộc người bệnh phải tái khám để bác sĩ kê cho loại thuốc khác.

Tính đến tháng 11-2013, Thanh tra sở Y tế đã tiến hành thanh tra 115 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh. Trong đó có 51 cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về hành nghề, 16 cơ sở đã bị phạt số tiền hơn 201 triệu đồng theo Nghị định 96/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh.

Nguồn: Thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng

Những bà mẹ có con nhỏ, khi con mắc bệnh nhẹ thì giải pháp đầu tiên là đưa con đến phòng khám tư. Nhưng những “thắc mắc” từ các bác sĩ chuyên khoa nhi cũng không phải là nhỏ, nên nếu có dịp gặp nhau, thế nào các bà mẹ cũng tâm sự về chuyện con bệnh gì, đi khám bác sĩ nói gì, bác sĩ nào giỏi, bác sĩ nào làm các mẹ yên tâm về bệnh tình của con… Chị Lê Thị Thùy Dương, ở tổ 47 phường Thọ Quang, quận Sơn Trà kể, có lần con gái chị bị đau bụng kèm theo nôn ói nhiều lần. Chị đưa con đi khám ở phòng mạch một bác sĩ có tiếng trên đường Ngô Quyền. Chị trình bày cặn kẽ với bác sĩ con bị bệnh sao như nhiều bà mẹ khác.

Nhưng thay vì được nghe kết luận về căn bệnh của con,  cùng lời dặn cho con uống thuốc thế nào, giữ gìn vệ sinh làm sao, thì vị bác sĩ bảo chị xòe hai bàn tay ra cho ông xem, rồi nạt: mẹ để móng tay thế kia mà đòi chăm sóc con à, về cắt móng tay đi! Kể cho tôi nghe chuyện này sau khi đưa con đi khám về, chị Thùy Dương vẫn không biết con bị bệnh gì. Đến khi có một em bé khác ở cùng khu nhà mắc bệnh với các triệu chứng giống con gái, chị Thùy Dương mới biết con mình mắc bệnh viêm dạ dày ruột cấp, nguyên nhân do Rotavirus, có các dấu hiệu đặc trưng là sốt và nôn kèm theo tiêu chảy. Biện pháp phòng ngừa là ăn chín, uống nước đun sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Chị Huỳnh Thị Thanh, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cũng có lần “giật mình” khi đưa con đi khám ở một bác sĩ khoa nhi ở đường Nguyễn Chí Thanh. Không hiểu hôm chị đến, bác sĩ không có người phụ giúp hay phòng khám chỉ có mình bác sĩ vừa khám vừa làm những công việc khác, mà sau khi khám cho con trai chị và kê đơn, cũng bàn tay không đeo găng tay y tế, ông kiêm luôn việc chuẩn bị các loại thuốc, ghi cách uống và thu tiền - thối tiền cho khách. Trong khi tờ giấy tiền ẩn chứa rất nhiều rất nhiều vi khuẩn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bác sĩ cũng như người bệnh…

Có thể những chuyện kể của người nhà bệnh nhân trên không điển hình ở nhiều phòng khám tư nhân, nhưng chính là các quy định về vấn đề vệ sinh bệnh viện (phòng khám tư cũng là một khía cạnh của bệnh viện thu nhỏ). Bác sĩ Hồ Lai Dũng, Chánh thanh tra sở Y tế Đà Nẵng, cho rằng nhiệm vụ của bác sĩ là phải tư vấn cho bệnh nhân khi khám bệnh và người bệnh/người nhà bệnh nhân cũng phải hỏi bác sĩ về nguyên nhân gây bệnh, cách phòng bệnh cùng các hướng dẫn về ăn uống, vệ sinh như thế nào…

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.