.

Về bài thuốc Bảo sản vô ưu

Hỏi: Tôi đọc trên mạng, thấy có người giới thiệu về bài thuốc Bảo sản vô ưu thang (thang thuốc dưỡng thai cho sản phụ khỏi lo lắng) nguyên văn như sau:

“Đây là thang thuốc gia truyền nổi tiếng từ Tổ phụ tôi là cụ Cử nhân Hán học X.X.X truyền lại cho thân phụ tôi là ông Y.Y.Y lưu giữ. Thang thuốc này được dùng cho nhiều con cháu trong họ và nhiều người đến xin, hiệu nghiệm như thần, thai phụ dùng thang này đều mẹ tròn con vuông. Nay đến đời con cháu, xét thấy không ai đi theo nghiệp Đông y một cách bài bản, nên thân phụ tôi cho phép phổ biến bài thuốc này của cụ Hà Trì như một cách tạo phúc cho con cháu dòng họ Z.Z.Z (…, Bình Định). Những ai sử dụng bài thuốc này, chỉ xin ghi nhớ là nguồn gốc từ gia đình cụ X.X.X.”…

Thang thuốc Bảo sản vô ưu gồm: 1. Tử hậu phác (sao gừng)  7 phân; 2. Kỳ ngải (sao giấm) 7 phân; 3. Bắc đương quy (sao rượu)  1,5 chỉ; 4. Bắc xuyên khung (rửa rượu) 1,5 chỉ; 5. Sanh hoàng kỳ 8 phân; 6. Bắc kinh giới tuệ  8 phân; 7. Thố ty tử (ngâm rượu sao) 1 chỉ; 8. Xuyên khương hoạt  5 phân; 9. Sanh cam thảo 5 phân; 10. Chỉ xác (sao bột gạo)  6 phân; 11. Bạch thược (sao rượu) 1,5 chỉ; 12. Lão sinh khương (gừng già) 3 lát; 13. Xuyên bối mẫu (bỏ tim, tán bột, gói riêng, khi uống thuốc hòa vào uống chứ không bỏ vào sắc với thuốc) 1 chỉ.

Lời dặn: Cần lựa thuốc tốt, cân cho đúng, không được gia giảm phân lượng nào. Nước: 2 chén lớn, sắc còn 8 phân, uống (nhớ hòa xuyên bối mẫu vào). Uống dự phòng thì uống khi bụng đói. Nếu chuyển bụng đẻ hay thai động không an, muốn tiểu sản thì sắc ra uống liền khi còn nóng. Nếu sản phụ hư yếu quá thì gia Nhân sâm 3 – 5 chỉ hoặc Bắc đảng sâm 3 chỉ. Nếu đã đẻ rồi thì thuốc này 1 giọt cũng không uống. Uống thang này, có thai thì an thai, lâm sản thì thôi sinh. Bất kỳ có thai mấy tháng, hễ thai động không an, đau lưng, đau bụng uống 1 thang thì an liền, 2 thang thì lành hẳn”.

Xin hỏi chuyên mục Phương hay Thuốc quý, nguồn gốc, công thức, tác dụng tính năng bài thuốc này có đúng như vậy không?

Đáp: Về cơ bản tên gọi, ý nghĩa, công thức, tác dụng, cách dùng bài thuốc nêu trên là tương đối chính xác. Tuy nhiên về nguồn gốc, đã có một sự ngộ nhận, điều này ta có thể thông cảm, như người thuật đã vô tình chỉ ra, đó là do con cháu “không ai đi theo nghiệp Đông y một cách bài bản”. Bài thuốc Bảo sản vô ưu, do có 13 vị thuốc như trên, nên còn có tên “Thập tam thái bảo”. Đây là bài thuốc khá phổ biến trong y giới. Nhiều sách thuốc, kể cả tập Tọa thảo lương mô của Hải Thượng Lãn Ông có đề cập.

Tuy nhiên, theo tra cứu của chúng tôi, xuất xứ bài này là phương đầu tiên trong mục các phương thuốc bảo sản trong sách Nghiệm phương Tân biên, một cuốn sách khá phổ biến do Bào Tương Ngao đời nhà Thanh biên soạn (có thể tra mục từ viết về tên phương và tên tác phẩm này trong Trung Quốc y học đại từ điển). Về phân lượng, theo kinh nghiệm của chúng tôi không nhất nhất rập toa đã nêu (lưu ý quy đổi đơn vị 1 chỉ = 10 phân = 4g). Tuy nhiên về thành phần, cần gồm đủ 13 vị thuốc.

Sau đây là bài vè giúp nhớ bài thuốc chúng tôi đã soạn khi mới vào nghề, xin chia sẻ cùng bạn đọc:

Thập tam thái bảo Đương quy -
Kinh giới - Ngải diệp - Thảo - Kỳ - Thược - Khung
Chỉ xác - Hậu phát sao dùng
Khương hoạt - Xuyên bối thêm Gừng - Thố ty.

PHAN LANG
 

;
.
.
.
.
.