.

Bộ sưu tập chờ... lý lịch

.

Đó là bộ sưu tập các loại đèn cổ đang được trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013.

Bộ sưu tập đèn dùng dầu thực vật/ mỡ động vật gợi nhớ một thời khó khăn của người dân nông thôn xứ Quảng.
Bộ sưu tập đèn dùng dầu thực vật/ mỡ động vật gợi nhớ một thời khó khăn của người dân nông thôn xứ Quảng.

Cô gái Bích Thủy, nhân viên của Bảo tàng Điện Bàn, một thời từng ngồi học bài bên ngọn đèn dầu bằng thủy tinh. Giờ đây, cô không khỏi choáng ngợp khi tiếp cận với bộ sưu tập có đến 500 chiếc đèn cổ được cho là nhiều nhất Việt Nam hiện nay. Cũng là những vật dụng thắp sáng như ngày xưa nhà mình dùng nhưng cô cảm nhận được cuộc sống của tầng lớp quý tộc qua nhiều chiếc đèn, chúng không chỉ đơn thuần để thắp sáng mà còn là vật trang trí, làm tăng vẻ đẹp, thể hiện đẳng cấp về mỹ thuật của chủ nhân.

Thủy thích nhất chiếc đèn có mã số BTĐB 211 có hình tượng một người lính phương Tây, tay phải cầm chiếc phao, tay trái nâng bầu đèn. Ngoại trừ thân đèn bằng thủy tinh, còn tất cả đều bằng đồng đã ngã màu xanh lục nhiều chỗ. Người lính có gương mặt quả cảm, cầm chiếc đèn trên tay như muốn rọi sáng một niềm tin gì đó ở phía trước.

Chiếc đèn mã số BTĐB 203, căn cứ vào ba chữ Hán Phước Lộc Thọ khắc trên bầu đèn, có lẽ xuất xứ từ Trung Quốc. Đèn cao khoảng 50cm, có tượng người phụ nữ bằng đồng đi chân trần, tóc búi theo kiểu Á đông, cổ đeo một dây chuyền ngắn có hình ngôi sao, một dây chuyền dài có hình trái tim. Chóa đèn chạm nổi hình những cánh hoa có gắn ba hạt màu xanh lục, tím và vàng.

Được nhiều người chú ý nhất là 2 cây đèn cổ bằng thủy tinh màu do một phụ nữ và một trẻ con bằng đồng cầm bằng tay trái, được đặt trang trọng trên hai đế gỗ khá cao. Có lẽ đây là hai vị thần vì họ đều có cánh. Dưới chân đế tượng nữ thần có khắc con số “(1840)”, chưa xác định có phải năm sản xuất hay không, chân đế bằng đồng, đèn dầu.

Chị Đinh Thị Hiệp, cán bộ phụ trách Bảo tàng Điện Bàn, cho biết tác giả của bộ sưu tập này là anh Lê Công Đức, người xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn. Từ khi đi nhà trẻ anh đã say mê sưu tập tem, 10 tuổi đã là hội viên Hội Tem Hà Nội. Sau đó, anh “mê” thêm tiền cổ, đồ cổ rồi đèn cổ. Là chuyên viên Cục Quản lý tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Bưu chính viễn thông, anh nhiều lần ra công tác ở nước ngoài. Theo lời kể của gia đình thì tới đâu, xong công tác là anh rảo qua cửa hàng đồ cổ mua đèn. Nhiều lúc anh bỏ lại hết hành lý, chỉ mang đèn về thôi. Thích chiếc nào, anh say sưa nhìn ngắm, ăn với đèn, ngủ với đèn. Có chiếc anh còn vẽ thêm hoa văn vào cho đẹp.

Chị Hiệp rất thích bộ sưu tập các loại đèn cổ thắp bằng dầu lạc hoặc mỡ động vật. Cả làng quê của chị cũng từng dùng dầu lạc thắp đèn một thời gian rồi mới chuyển qua dùng dầu hỏa. Gọi là đèn dầu lạc, nhưng quê chị ngày đó chỉ là những chiếc đĩa, chiếc chén chứa dầu có tim bằng bông gòn xe lại. Khi nhìn những chiếc đèn dầu lạc có dáng rất đẹp trong bộ sưu tập, chị mới thấy công sức và tầm nhìn của anh Đức.

Chưa kịp thực hiện ước mơ thành lập một bảo tàng đèn cổ thì anh qua đời vào năm 2002 ở tuổi 32 sau một tai nạn giao thông. Ông Lê Công Chiêm, cha anh, muốn phát huy giá trị của những di vật anh để lại, đã hiến tặng toàn bộ 500 hiện vật về đèn cổ, trong đó có 270 đèn còn nguyên, cho Bảo tàng Điện Bàn.

Chủ nhân của bộ sưu tập vội vã ra đi, chưa kịp hoàn thiện lý lịch của từng hiện vật. Bảo tàng Điện Bàn hiện chỉ trưng bày, phân loại theo chất liệu đèn, nguyên liệu đốt đèn, chứ chưa thể phân loại theo xuất xứ và niên đại. Gia đình mong muốn sẽ được giới thưởng ngoạn gần xa, nhất là các nhà nghiên cứu, khi xem qua các loại đèn cổ có thể hé lộ những thông tin cần thiết để góp phần tăng thêm giá trị tinh thần của hiện vật. Và điều quan trọng là làm yên lòng người đã nằm xuống khi nguyện ước đời mình vẫn chưa được tròn vẹn…

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.