.

Nhờ tài làm thơ, Bác Hồ được trả tự do

.

Sự thành bại của mỗi con người ngoài đức độ, ý chí, tài năng vẫn có yếu tố may rủi. Đôi khi trong cái rủi tiềm tàng cái may và trong cái may lại tiềm ẩn cái rủi. Việc Bác Hồ bị bắt trong chuyến đi công tác Trung Quốc ngày 29-8-1942 là điều rủi ro cho Cách mạng Việt Nam bởi vì lúc bấy giờ Cách mạng đang rất cần sự có mặt của Bác. Việc Bác bị giải đi loanh quanh suốt cả một năm trời, qua khoảng 30 nhà tù lớn nhỏ cũng là một điều rủi ro cho Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết (1967). (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết (1967). (Ảnh tư liệu)

Nhưng đúng là “trong rủi có may”, cái may lớn nhất chính là nhờ một năm trời bị đày ải ấy mà Bác viết được tập Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) để mọi người biết đầy đủ hơn tâm hồn, tình cảm, cốt cách và đặc biệt là tài làm thơ của Bác.

Trước khi bị bắt ở Túc Vinh, huyện Thiên Bảo, tỉnh Quảng Tây, Bác có sáng tác vài ba bài thơ chủ yếu là để tuyên truyền, cổ động được đăng tải rải rác trên báo Việt Nam độc lập. Nếu không lâm vào tình cảnh tù tội chưa chắc cái tài làm thơ của Bác được thăng hoa. Đối với những người tù chính trị như Bác thì thông thường sẽ bị quản ngục kiểm soát hết sức chặt chẽ. Cũng có một số trường hợp (rất hiếm hoi) người tù vẫn viết một cách bí mật và qua mặt những viên quản ngục khá tài tình. Riêng trường hợp của Bác thì khác, Bác có hẳn cả một cuốn sổ bìa xanh, có bút, có mực để viết hẳn hoi.

Bác chọn viết bằng chữ Hán là một sự tính toán hết sức sáng suốt. Nếu viết bằng chữ Việt hay chữ Pháp, thế nào Bác cũng gặp vô vàn rắc rối. Những viên quản ngục người Trung Quốc thời bấy giờ mấy ai đọc được chữ Pháp, chữ Việt; mối nghi ngờ của họ sẽ tăng lên mặc dù Bác chỉ viết những điều vô hại đi nữa. Viết bằng chữ Hán là Bác muốn công khai, minh bạch những điều mình cảm, mình nghĩ.

Bác vẫn thẳng thắn lên án cái chế độ nhà tù vô nhân đạo không một chút run sợ. Bác chọn thể thơ Đường luật và phần lớn là tứ tuyệt và thất ngôn bát cú để viết nhật ký cũng là một sự lựa chọn sáng suốt. Đây là thể thơ khá quen thuộc ở Trung Quốc, lại rất phù hợp với hoàn cảnh viết lách ở trong tù. Thơ tứ tuyệt và thất ngôn bát cú ngắn gọn, súc tích đòi hỏi người sáng tác phải thực sự có tài mới viết được những bài thơ hay. Đó là một thử thách không nhỏ đối với Bác. Và bằng tài năng thi ca của mình Bác đã vượt qua thử thách đó để cho ra đời những vần thơ làm lay động trái tim hàng triệu người trên thế giới.

Phải nói bước ngoặt trong chặng đường bị giải đi loanh quanh hàng chục nhà tù lớn nhỏ là chuyến Bác bị đưa đến Cục Chính trị chiến khu IV (một trong những trung tâm quân sự của Tưởng Giới Thạch), đóng ở Liễu Châu, Quảng Tây. Chỉ có những tù chính trị “nguy hiểm” mới bị đưa đến đây để các viên sĩ quan cao cấp trực tiếp điều tra, xét hỏi. Chế độ nhà tù ở đây hết sức khắc nghiệt và nghiêm ngặt.

Cái may mắn của Bác là ngay ở cái trung tâm quân sự của Tưởng Giới Thạch này Bác được gặp gỡ, tiếp xúc với những người có học thức trong đó phải kể đến Khoa viên họ Trần: Nhất niên chỉ kiến binh hòa cảnh/ Kim nhật khan kiến nho nhã nhân/ Nhã nhân sử ngã tâm hưng phấn/ Ngã phát hắc phản lưỡng tam phân (Trần Khoa viên lai thám). Nguyễn Huệ Chi dịch: Lính tráng tuần canh nhìn nhẵn mặt/ Hôm nay mới được gặp văn nhân/ Người trông nho nhã ai không thích/ Mái tóc ta xanh lại mấy phần (Khoa viên họ Trần tới thăm).

Chỉ mới sơ kiến, chỉ mới nhìn dáng dấp bên ngoài của Khoa viên họ Trần mà Bác cảm thấy mình như đang trẻ lại với niềm hy vọng tràn đầy. Có cảm tưởng như Bác vừa gặp một người tri âm tri kỷ. Tại sao Khoa viên họ Trần lại đích thân đến tận nhà tù để thăm Bác? Phải chăng Khoa viên họ Trần đã hiểu được phần nào con người của Bác thông qua Ngục trung nhật ký? Điều này rất có thể, vì các vị “tai to mặt lớn” ở Cục Chính trị chiến khu IV không thể bỏ qua cái cuốn sổ bìa màu xanh của Bác. Thế nào họ cũng chuyền tay nhau đọc để phục vụ cho công tác điều tra, xét hỏi. Và họ hết sức ngạc nhiên trước cái biệt tài làm thơ của Bác.

Không chỉ Khoa viên họ Trần ghé tới thăm mà ngay cả Chủ nhiệm họ Hầu cũng gửi tặng Bác một bộ sách: Khoảng thừa chủ nhiệm tống thư lai/ Độc bãi tinh thần giác đốn khai/ Lãnh tụ vĩ ngôn như tại nhĩ/ Thiên biên oanh động nhất thanh lôi (Hầu Chủ nhiệm ân tặng nhất bộ thư). Đỗ Văn Hỷ dịch: Sách ngài Chủ nhiệm mới đưa sang/ Đọc đoạn, tinh thần chợt mở mang/ Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ/ Chân trời một tiếng sấm rền vang. (Hầu Chủ nhiệm tặng một bộ sách). Chính những viên sĩ quan trí thức ấy chứ không ai khác là  những “độc giả” đầu tiên “tiếp nhận” Ngục trung nhật ký. Họ cũng là những người đầu tiên phát hiện chân giá trị của tập thơ. Nếu không, sao họ lại có cảm tình đặc biệt với Bác đến như vậy.

Những bậc trí thức này vốn rất am hiểu thơ Đường nên không thể không kính nể khi đọc những bài kiểu như Chiết tự của Bác. Lợi dụng chữ Hán là chữ tượng hình, Bác đã dùng chữ tù, bỏ chữ nhân, cho chữ hoặc vào thành chữ quốc; dùng chữ hoạn bớt phần trên đi thành chữ trung; thêm nhân đứng vào chữ ưu trong “ưu sầu” thành ưu trong “ưu điểm”; dùng chữ lung bỏ trúc đầu biến thành chữ long. Đó là một lối chiết tự vô cùng thông minh. Sau đây là toàn bộ bài thơ: Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc/ Hoạn quá đầu thì thủy kiến trung/ Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại/ Lung khai trúc sản xuất chân long. Nam Trân dịch: Người thoát khỏi tù ra dựng nước/ Qua cơn hoạn nạn rõ lòng ngay/ Người biết lo âu, ưu điểm lớn/ Nhà lao mở cửa ắt rồng bay!  

Câu đầu và câu cuối bài thơ chứng tỏ tầm nhìn xa rộng của Bác. Và điều tiên đoán ấy đã trở thành sự thật. Thoát khỏi cảnh lao tù vừa đúng hai năm, Bác đã lãnh đạo Cách mạng Việt Nam thành công. Theo một số tài liệu đáng tin cậy thì chính Chủ nhiệm họ Hầu (tên đầy đủ là Hầu Chí Minh) đã trực tiếp thuyết phục Tưởng Giới Thạch trả tự do cho Bác. Đó là “ân tái tạo” mà Bác không bao giờ quên: Hạnh ngộ anh minh Hầu Chủ nhiệm/ Nhi kim hựu thị tự do nhân/ Ngục trung nhật ký tòng kim chỉ/ Thâm tạ Hầu công tái tạo ân (Kết luận). Khương Hữu Dụng dịch: Sáng suốt nhờ ơn Hầu Chủ nhiệm/ Tự do trở lại với mình rồi/ Ngục trung nhật ký từ đây dứt/ Tái tạo ơn sâu, cảm tạ Người!  

Tất nhiên, việc Bác được trả tự do còn do một số nguyên nhân khác nhưng chuyện “biệt nhỡn liên tài” đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nhà văn Nguyễn Tuân đã viết một truyện ngắn cực hay về chuyện này. Tào Thực nhờ tài làm thơ mà thoát chết, Lý Bạch cũng nhờ tài làm thơ mà tránh được án tử hình… Việc Bác được trả tự do một phần nhờ tài làm thơ là điều rất có thể xảy ra. Bởi vì qua Ngục trung nhật ký những người có trình độ thưởng thức thi ca như Khoa viên họ Trần, Chủ nhiệm họ Hầu… không chỉ kính nể cốt cách mà còn hết sức khâm phục cái biệt tài làm thơ của Bác.

MAI VĂN HOAN

;
.
.
.
.
.