.

Mỉm cười như Malala

.

Sau khi bức tranh “Ba người đàn bà bên chiếc bàn đỏ” của họa sĩ lừng danh người Pháp Fernand Léger do Madonna sưu tập vào năm 1990 được bán đi trong cuộc bán đấu giá cách đây một tuần tại Công ty Kinh doanh tác phẩm nghệ thuật Sotheby ở New York với giá 7,2 triệu USD (4,7 triệu bảng), nữ hoàng nhạc rock Madonna tuyên bố sẽ trao tặng tất cả số tiền đó cho Quỹ hỗ trợ giáo dục để giúp đỡ những cô gái đang tranh đấu đòi quyền “được đến trường” tại Nam Á.

Madonna và tranh “Ba người đàn bà bên chiếc bàn đỏ”  của Fernand Léger.
Madonna và tranh “Ba người đàn bà bên chiếc bàn đỏ” của Fernand Léger.

“Tôi cố gắng tìm thêm những cô gái có nụ cười mỉm nhẹ nhàng như Malala trên khắp thế giới”, lời tâm sự của Madonna khi mang theo bên mình tấm ảnh với nụ cười mỉm tự tin của Malala Yousafzai, 14 tuổi,  nữ học sinh và là nhà hoạt động xã hội Pakistan, tranh đấu đòi quyền đến trường cho giới nữ trẻ tuổi, người đã bị tay súng Taliban bắn vào năm ngoái.

Malala Yousafzai sinh ngày 12-7-1997, là ứng cử viên trẻ nhất trong lịch sử giải Nobel Hòa bình. Cô được biết đến với các bài viết của mình về quyền lợi  hoạt động của phụ nữ trong thung lũng Swat, nơi quân Taliban cấm các cô gái đi học... Đầu năm 2009, ở tuổi 11-12, Yousafzai viết một blog cho BBC nói chi tiết cuộc sống của mình dưới sự cai trị khắc nghiệt của Taliban, và yêu cầu  thúc đẩy, mở cửa giáo dục cho trẻ em gái. Rồi các bài viết, phỏng vấn và hình ảnh của Yousafzai bắt đầu xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Kể từ đó cô được đề cử cho giải Nobel Hòa bình quốc tế thiếu nhi bởi Desmond Tutu và giải Nobel Hòa bình. Cô là người chiến thắng đầu tiên của giải thưởng Hòa bình quốc gia thanh niên Pakistan.

Vào ngày 9-10-2012, Yousafzai bị bắn vào đầu và cổ trong một vụ ám sát bởi các tay súng Taliban trong khi trở về nhà trên một chiếc xe buýt trường học. Trong những ngày ngay sau cuộc tấn công, cô vẫn bất tỉnh và trong tình trạng nguy kịch,  nhưng sau đó tình trạng của cô được cải thiện đủ để chuyển cô đến một bệnh viện ở Vương quốc Anh chữa trị.

Phản ứng trước hành động hèn nhát của Taliban, cựu Thủ tướng Anh và hiện nay là Đặc phái viên giáo dục toàn cầu Liên Hiệp Quốc Gordon Brown đưa ra một bản kiến ​​nghị của Liên Hiệp Quốc hết lời ủng hộ đòi hỏi của Yousafzai, sử dụng khẩu hiệu “Tôi Malala” và yêu cầu tất cả trẻ em trên toàn thế giới phải được đến trường vào cuối năm 2015. Malala được chọn là một trong “100 người ảnh hưởng nhất thế giới”. Hình ảnh của cô đã được lên trang bìa của các Tạp chí Time.

Malala Yousafzai trên bìa Tạp chí Time.
Malala Yousafzai trên bìa Tạp chí Time.

Ca sĩ Madonna dành riêng ca khúc “Human Nature” (tạm dịch: Nhân tính con người) của mình để dành riêng cho Yousafzai tại một buổi hòa nhạc ở Los Angeles vào ngày cô gái ấy bị tấn công. “Điều này làm tôi khóc”, Madonna nói. Nữ diễn viên điện ảnh Angelina Jolie đã viết một bài về sự kiện này và cũng để kể lại thảm kịch đó cho con cái mình biết. Cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Laura Bush đã viết trên tờ Washington Post về Yousafzai, so sánh cô với Anne Frank.

Các nhà lãnh đạo thế giới đồng lòng lên án vụ tấn công. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhận tin tức về vụ nổ súng, ông cho rằng đó là hành động “Đáng trừng phạt, kinh tởm và bi kịch”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại một cuộc họp Nữ hướng đạo của Hoa Kỳ, cho biết Yousafzai đã “rất dũng cảm khi đứng lên giành quyền lợi cho phái nữ”.

Đạo diễn Ấn Độ Amjad Khan tuyên bố ông sẽ  thực hiện một bộ phim tiểu sử dựa và cuộc đời Malala Yousufzai và đang trong quá trình tìm kiếm và chọn lựa một nữ diễn viên trẻ, người sẽ đóng vai Malala Yousufzai . “Tôi chắc chắn đây là một nỗ lực can đảm sẽ  làm sáng tỏ về các vấn đề lâu đời ở Nam Á. Tính đến hôm nay, Malala là tên của một cuộc cách mạng không riêng chi ở đất của cô ấy mà cả toàn thế giới. Tôi đang viết bộ phim này như một tưởng nhớ và kính trọng đến cô gái trẻ và không chỉ riêng một mình cô Malala Yousufzai mà còn cho hàng triệu người khác đang xúc động và lấy cảm hứng từ lòng dũng cảm của cô ấy “, ông nói.

Tất cả tiền thu được từ bán tranh, nữ hoàng nhạc rock Madonna quyết định trao cho Quỹ hỗ trợ Ray of Light dành cho các dự án giáo dục trẻ em gái ở Trung Đông và Nam Á. Madonna ủng hộ nguyện vọng của Malala, cô mong các cô gái được quyền đến trường, can đảm, tự tin, luôn luôn có một nụ cười mỉm đằm thắm, nhẹ nhàng nhưng đầy quả cảm như Malala. Và qua việc bán tác phẩm nghệ thật từ bộ sưu tập yêu quý của mình, Madonna cho biết cô muốn “trao đổi một cái gì đó có giá trị cho một cái gì đó vô giá”.

HOÀNG ĐẶNG
 

;
.
.
.
.
.