.

Giảm nhẹ nỗi đau

.

Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, người lính thời nay còn thực hiện nhiệm vụ phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Và họ đã để lại một hình ảnh đẹp trong lòng người dân.

Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng gặp gỡ thuyền viên tàu ĐNa 90303 TS sau khi tàu này được cứu hộ thành công. (Ảnh do BĐBP thành phố cung cấp)
Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng gặp gỡ thuyền viên tàu ĐNa 90303 TS sau khi tàu này được cứu hộ thành công. (Ảnh do BĐBP thành phố cung cấp)

Ở “họng bão” Thọ Quang

Cơn bão được cho là mạnh hơn bão số 6 (tên quốc tế là Xangsane) năm 2006 sắp sửa đổ bộ vào miền Trung. Nơi eo biển đầu đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, sóng lớn ập vào trắng xóa cả một vùng, gió bắt đầu mạnh dần lên. Trước đó, theo thông báo từ loa phóng thanh, các tàu đánh cá chạy vào bờ, được Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) phường bố trí một chiếc máy tời để nhanh chóng kéo tàu vào nơi an toàn.

Trong màn sương mờ nhạt của gió và nước bỗng hiện ra một chiếc tàu bị đánh giạt vào, mong manh như một chiếc lá giữa cơn sóng dữ. Trên tàu phát tín hiệu kêu cứu. Anh Lê Tấn Thanh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) phường, nhận định đây là chiếc tàu đã không chịu vào bờ theo thông báo trên loa phóng thanh. Để cứu hộ chiếc tàu có nguy cơ bị bão đánh đắm, Tiểu đoàn 680 (Vùng 3 Hải quân) dùng xe cẩu nâng tàu lên, lực lượng dân quân tự vệ phường đưa giàn nề có bánh xe ra để kéo tàu vào.

Chuyện xảy ra trong cơn bão số 9 ngày 26-9-2009. Trước đó, cơn bão có tên quốc tế là Ketsana này đã gây lụt lớn tại thủ đô Manila, Philippines, làm ít nhất 86 người chết, 23 người mất tích và hàng ngàn người khác phải di tản. Chính vì mức độ nguy hiểm của cơn bão mà Ban Chỉ huy PCLB các cấp đã quyết liệt triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người và của. Chủ tàu cá “lỳ lợm” nói trên ở tổ 6E Thành Vinh, phường Thọ Quang. Người này chủ quan, cho là bão nhẹ thôi, chờ nó tan sẽ chạy liền ra khơi cho trúng mối cá chứ lên bờ là phải làm nhiều thủ tục mất thời gian.

Thọ Quang nằm ngay “họng bão” nên mỗi lần có bão là bị ảnh hưởng nặng. Bão số 9, nhờ sự hiệp đồng chặt chẽ giữa Ban CHQS phường với các đơn vị như Đoàn 680, E83, Lữ 161, Nhà máy X50... nên đã giảm nhẹ thiệt hại rất nhiều. Ông Lê Văn Soạn, Bí thư – Chủ tịch UBND phường Thọ Quang nhớ lại: “Các đơn vị đã đưa 26 tàu lên bờ, sơ tán 300 hộ dân với 950 nhân khẩu đến nơi an toàn. Sau bão đã nhanh chóng giúp dân sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ để đưa vào hoạt động, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, còn hỗ trợ phương tiện thông tin liên lạc, thông báo tình hình an ninh trật tự trên biển, trang bị kiến thức cho chủ tàu để bà con không vi phạm các quy định của Nhà nước và quốc tế khi tham gia đánh bắt trên biển”.

Rèn luyện qua công tác… chữa cháy rừng

Một buổi chiều đầu tháng 5 vừa qua, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 971 đang chơi bóng chuyền thì nhận lệnh của Bộ CHQS thành phố. 100 cán bộ, chiến sĩ vừa kịp thay trang phục thì xe đến, đưa thẳng lên khu vực đồi 300 rừng đặc dụng Nam Hải Vân, nơi ngọn lửa đang bốc cháy dữ dội. Thời tiết hanh khô ngày hè như đổ thêm dầu vào lửa. Thấy thế, Bộ CHQS thành phố quyết định điều thêm 70 cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn.

Thượng tá Phạm Minh Hiền, Chính ủy Trung đoàn 971, một trong những người trực tiếp chữa cháy rừng hôm đó kể lại: Rừng Hải Vân cao, đá tảng lớn, xe cứu hỏa không lên được, công tác chữa cháy rất khó. Tất cả các lực lượng lên đến gần một nghìn người, trước hết cắt tuyến thành từng khu không cho lửa lây lan, sau đó dập lửa. Đến 3 giờ sáng hôm sau ngọn lửa mới cơ bản được dập tắt. Đơn vị 971 được giao nhiệm vụ cử người ở lại trực cho đến sáng.

Có thể nói, trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thì Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng là đơn vị chủ lực. Mỗi khi có bão lụt, cháy rừng, tàu thuyền bị nạn trên biển... người dân lại thấy anh bộ đội Cụ Hồ có mặt kịp thời để cứu hộ, giúp đỡ. Hôm đó, anh em xuống đến chân núi thì đã 4giờ sáng, lúc đó mới cảm thấy mệt nhoài. 70 người lên sau còn có thời gian ăn được bữa tối chứ 100 người đi trước chỉ được tiếp nước ở hiện trường. Thượng sĩ Hiền chia sẻ: “Tuy có trầy trụa, mệt mỏi nhưng anh em rất vui vì đã thực hiện tốt một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị và xem đó cũng là một phương thức rèn luyện chiến sĩ. Đến chiều, anh em lại ra sân đánh bóng như mọi ngày”.

Giảm nhẹ nỗi đau

Trong 2 năm qua, mặc dù những cơn bão lớn không đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng, nhưng chúng vẫn gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất và đời sống của người dân thành phố. Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố đã gắn việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới với nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

Ra khơi gặp bão, ngư dân ai cũng lo. Việc đưa vào sử dụng trạm bờ kết nối thông tin với tàu cá qua mạng GPS đã giúp đơn vị kịp thời nắm chính xác vị trí các phương tiện đang hoạt động trên biển. Nếu dự kiến có bão đến, đơn vị nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền ngoài biển về nơi tránh trú an toàn. Đơn vị một mặt liên lạc với các chủ tàu qua mạng thông tin biển, một mặt cử người đến gặp trực tiếp gia đình họ để động viên, tạo sự tin yêu, gắn bó giữa dân với lính.

Một trong những vụ cứu nạn gần đây, theo Thiếu tá Đinh Tiến Dũng, Trưởng phòng Tác chiến - Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố, là vụ cứu tàu ĐNa 90303 TS bị hỏng máy ngoài khơi Đà Nẵng ngày 14-10 vừa qua; cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 đã lai dắt tàu về đến đơn vị an toàn sau hơn một ngày lênh đênh trên biển. Đặc biệt, đơn vị đã tiếp nhận một công dân Philippines bị nạn được ngư dân Đà Nẵng cứu vớt, phối hợp với Sở Ngoại vụ bàn giao người này cho Đại sứ quán nước bạn đúng trình tự, thủ tục.

Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, người lính thời nay còn thực hiện nhiệm vụ phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Và họ đã để lại một hình ảnh đẹp trong lòng người dân.

Trong 2 năm 2011 và 2012, trên các vùng biển và địa bàn Biên phòng thành phố đã xảy ra 87 vụ với 219 người và 55 phương tiện gặp tai nạn, sự cố. BĐBP thành phố đã trực tiếp điều động phương tiện, nhân lực của đơn vị, huy động gần 100 lượt tàu cá để cứu nạn an toàn 14 tàu cá với 122 lượt ngư dân bị nạn trên biển.

Nguồn: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.