.

Một tình bạn nên thơ giữa mèo và chuột

.

Gấu và Tí Hon thân nhau đến mức có thể chia sẻ từng chuyện vui buồn trong những phút giây mềm yếu, lo lắng, chăm sóc nhau, giúp nhau từ miếng ăn đến “chiến lược” để tồn tại lâu dài. Qua một tình bạn tưởng như phi lý giữa mèo và chuột, cho ta hiểu thế nào là tình bạn, tình yêu. Các chú mèo - chuột kể với chúng ta nhiều câu chuyện nhỏ, gửi thông điệp rằng: Tình yêu có sức mạnh tuyệt diệu, có thể làm nên mọi điều phi thường trong cuộc sống muôn loài.

“Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ/ Một con ngồi im, một con đổi chỗ”. Đọc hai câu thơ đề từ của cuốn sách Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, thấy có hai con mèo, nhưng đọc sách thì chỉ có một con thường ngồi cạnh cửa sổ. Nhưng đúng là có hai con mèo, vì đó chính là hình ảnh đọng lại trong tâm trí của mèo Gấu khi phải xa nàng Áo Hoa sau một vụ bắt cóc. Đó cũng là nỗi nhớ, là tình yêu của con mèo này dành cho con mèo kia. Và chính tình cảm nhớ nhung xa cách đó đã khiến mèo Gấu không muốn thực thi cái bản năng, bổn phận loài mèo là bắt chuột, ăn chuột, mà ngược lại đem lòng yêu mến, xót thương cho cái loài và cái kẻ là đối tượng săn bắt, tiêu diệt của mình. Không thích bắt chuột, mèo Gấu chỉ thích nằm dài ra... làm thơ để tặng cho người yêu trong mộng của nó là Áo Hoa. Những bài thơ mèo Gấu làm, chuột Tí Hon học thuộc, rồi về đọc lại để tặng cô bạn gái chuột lang Út Hoa.

Cuộc đời của mèo Gấu và chuột Tí Hon cũng trải qua bao thăng trầm, từ chuyện mèo Gấu bị bắt cóc, Tí Hon bị lão chuột Cống hành hạ tưởng mất mạng đến nơi. Vì thế hai con vật coi tình bạn như một điều thiêng liêng, chúng giúp nhau tồn tại trong điều kiện hết sức có thể như mỗi đêm mèo Gấu tha hai bịch cơm đến cho bọn chuột nhắt, rồi Tí Hon bằng tài năng vẽ của mình đã vẽ Áo Hoa theo trí nhớ của mèo Gấu, đưa đi dán khắp nơi với hy họng Áo Hoa tìm đến với mèo Gấu. Và để được tồn tại, để mèo Gấu không bị chuyển đi, bọn chuột đã học tiếng hát họa mi qua “đào tạo” của chim bách thanh để mỗi đêm thay vì kêu “chít chít”, chúng sẽ hót, làm yên lòng nhà vua Sang Năm…

Với 67 hình vẽ minh họa đầy sống động của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã sử dụng thể loại đồng thoại để viết Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Những câu chuyện của mèo và chuột khiến ta nghĩ rằng vẫn có thể xoay chuyển những điều tưởng chừng không thể xảy ra trong cuộc sống và mơ ước về một thế giới hòa bình hơn, tất cả mọi hiềm khích đều có thể xóa bỏ bằng tình yêu, có thể làm cho mọi người nhìn cuộc sống dưới ánh nhìn trong trẻo hơn. Người lớn khi đọc câu chuyện này như được trở về tuổi thơ với câu chuyện mèo chuột, và bạn sẽ khám phá ra những ý nghĩa ẩn sâu trong những chuyện tưởng chừng ngây ngô đó, như lời kết chấm hết câu chuyện, tác giả đã viết: “Một tình yêu như vậy từ một con mèo (hay một con người) luôn tỏa ra thứ ánh sáng lóng lánh mà với nó bất cứ ai cũng có thể tạo nên phép màu cho thế giới này. Bạn có nghĩ vậy không?”.

Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ lóng lánh một tình bạn trong sáng, tình yêu thủy chung như vậy, nhưng có một kết cục khiến người đọc bất ngờ: mèo Áo Hoa đã xuất hiện, không phải là tìm được mèo Gấu, mà báo cho mèo Gấu biết nó đã “có nơi có chốn” bên cạnh một con mèo lông xám cao lớn. Chứng kiến sự thật đó, mèo Gấu đã ốm cả tháng trời. Tình yêu tưởng rất đẹp là thế nhưng không phải bao giờ cũng là màu hồng mà còn có những sắc màu tối tăm khác. Cái quan trọng của tình yêu vẫn là xúc cảm trái tim và tình bạn, tình yêu ấy đã biến đổi những con chuột, con mèo (và con người) trở thành người tốt hơn. Gấp cuốn sách lại, ta vẫn như nghe thì thầm trong gió tiếng những câu thơ mèo Gấu làm tặng Áo Hoa: “Bàn tay em vẫy ngoài xa vắng/ Có phải lòng anh đang có mưa”.

HOÀNG NHUNG

(*) Đọc Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, tháng 6-2012.

;
.
.
.
.
.