.

Lối dành cho người đi bộ: Mạnh ai nấy chiếm

.

Bất chấp những quy định, mức xử phạt được cơ quan chức năng đưa ra, vỉa hè Đà Nẵng vẫn bị người dân chiếm dụng làm nơi buôn bán. Vô số chuyện bất cập, vi phạm được nhìn thấy nhưng không dễ xử lý…

Rất nhiều vỉa hè trong thành phố đã bị lấp kín bởi xe máy và đội ngũ bán hàng rong. (Ảnh chụp trên đường Ông Ích Khiêm).
Rất nhiều vỉa hè trong thành phố đã bị lấp kín bởi xe máy và đội ngũ bán hàng rong. (Ảnh chụp trên đường Ông Ích Khiêm).

Bất chấp quy định

Trong quy hoạch đô thị, vỉa hè là phần đường thiết yếu dành cho người đi bộ. Tuy nhiên nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng, vỉa hè xây dựng đến đâu đã bị chiếm dụng đến đó, trở thành bãi giữ xe, chợ cóc, nơi bày bán những món ăn đường phố.

Dọc theo tuyến đường Trần Cao Vân, dễ dàng nhìn thấy hình ảnh biển quảng cáo, quán cóc, hàng rong bày bán đủ loại, từ hoa quả, đồ ăn thức uống đến các mặt hàng gia dụng, máy móc tràn ra tận mép đường, không còn chỗ cho người đi bộ. Trong khi đó, theo Quy định số 13/2011/UĐ-UBND ban hành tháng 5-2011 về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông, những con đường có bề rộng vỉa hè từ 3 đến 4 mét như Trần Cao Vân thì lối cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m. Chiếu theo quy định này, dễ nhận thấy phần đường dành cho người đi bộ trên vỉa hè Trần Cao Vân không bảo đảm.  

Tương tự, nhiều tuyến đường khác như Phan Thanh, Thái Thị Bôi, Ông Ích Khiêm, Trưng Nữ Vương, Quang Trung… cũng bị người dân chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán, bất chấp những quy định trên. Ngay cả các tuyến cấm hoạt động kinh doanh, buôn bán như Trần Phú, Bạch Đằng, Hoàng Sa, Trường Sa, Thái Phiên, Lê Hồng Phong, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng…, các hàng nước giải khát, quán nhậu vẫn bày bán công khai. Một người bán hàng giải khát vỉa hè tại ngã tư Trần Phú-Thái Phiên cho biết chị đã bán ở đây nhiều năm. Bàn ghế, thùng đá, ly tách của chị bày biện choán hết cả lối đi trên vỉa hè. Hỏi có khi nào bị nhắc nhở không, chị nói: “Có, nhưng không thường xuyên nên mình cứ bày ra bán, chỉ khi nào người ta làm căng quá thì mình mới sắp xếp lại gọn gọn chút”.

Tại khu vực chợ Cồn, tình trạng chiếm dụng vỉa hè để trông giữ xe máy vẫn diễn ra khá phức tạp. Dù trong bản hợp đồng lao động giữ xe giữa Ban Quản lý chợ Cồn và đại diện chủ bãi xe nêu rõ: “Chỉ được phép sắp xếp xe trong chỉ giới mặt bằng bãi giữ xe quy định” và dành từ 1,5m đến 2m để lối cho người đi bộ. Tuy nhiên, tại các bãi giữ xe này, hầu hết xe máy được đặt ra tận mép đường. Để xử lý, Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị (KTQTĐT) quận Hải Châu đã buộc các chủ bãi xe viết cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy cam kết đã viết, nhưng xe vẫn cứ tràn ra, chiếm hết phần đường dành cho người đi bộ. Về mặt quản lý, ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng phòng Quản lý chợ thuộc Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng khẳng định, từ quý 4 trở đi, hợp đồng với bãi xe sẽ được hiệp thương theo từng tháng, nếu bãi nào xảy ra nhiều vi phạm, sẽ tiến hành thu hồi.

Bên việc đó, theo Điều 15, khoản 5, điểm A của Nghị định 34/NĐ/CP quy định mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi chiếm dụng đường phố để kinh doanh, buôn bán gây cản trở giao thông. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó đội trưởng Đội KTQTĐT quận Thanh Khê cho rằng, mức xử phạt này hầu như chưa được áp dụng bởi vượt quá khả năng đóng tiền phạt đối với những người bán hàng rong, quán cóc.

Trước tình hình lấn chiếm tràn lan, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều quy định về quản lý, sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông, cũng như danh sách các tuyến đường cấm sử dụng vỉa hè để cá nhân hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán. Quy định nói khá rõ về phạm vi sử dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân sống trên tuyến đường đó, nhưng trên thực tế, quy định này không được nhiều người quan tâm.

Xử lý: Vẫn còn nương tay

Thỉnh thoảng trên đường phố, không hiếm thấy cảnh khi một chiếc xe KTQTĐT chạy qua, các quán nước, gánh hàng rong, xe đẩy… nhanh chóng thu dọn “hiện trường”. Khi xe vừa khuất bóng, cảnh tượng lấn chiếm lại tái diễn. Hoặc, trên nhiều tuyến đường thuộc phạm vi quản lý của hai quận, khi quận này ra quân lập trật tự vỉa hè thì cánh hàng rong nhanh chóng chạy sang phần đất quận kia để tránh né. Điển hình cho tình huống này là đường Ông Ích Khiêm, phân chia ranh giới giữa hai quận Hải Châu và Thanh Khê.

Ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng Đội KTQTĐT quận Hải Châu nói: “Khi xe chúng tôi vừa đến, người bán hàng rong lập tức chuyển sang phía vỉa hè quận Thanh Khê quản lý. Thấy vi phạm nhưng không xử lý được. Để chấm dứt tình trạng này, hai quận Thanh Khê và Hải Châu cần thống nhất thời gian ra quân, tránh để người dân ỷ lại”.

Cũng theo ông Rân, từ trước đến nay, với trường hợp vi phạm, Đội KTQTĐT chủ yếu nhắc nhở, ít phạt tiền, thu giữ phương tiện nên người dân không sợ. Vì thế, bắt đầu từ 14-8, Đội KTQTĐT quận Hải Châu sẽ tiến hành tịch thu không hoàn lại mọi phương tiện liên quan đến việc buôn bán, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường. Đối với trường hợp vi phạm 2 lần trở lên, sẽ đề nghị quận rút giấy phép kinh doanh. Hỏi về vấn đề dân sinh, ông Rân cho biết, thời gian tới, sẽ sàng lọc những trường hợp thuộc diện hỗ trợ sinh kế thoát nghèo, đề nghị địa phương bố trí địa điểm buôn bán. Trường hợp vi phạm không thuộc diện này sẽ bị xử phạt không nương tay. Tính riêng tháng 7, Đội đã nhắc nhở 379 trường hợp và cho viết cam kết 159 trường hợp vi phạm, lập biên bản trình UBND quận ban hành 62 quyết định xử phạt hành chính, nộp ngân sách 22,5 triệu đồng.

Vì sao cơ quan chức năng liên tục ra quân lập lại trật tự nhưng vỉa hè vẫn bị chiếm dụng? Theo ông Trần Ngọc Huân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng, do lực lượng quản lý còn mỏng, không thể túc trực 24/24 giờ tại các điểm lấn chiếm. Hơn nữa, khi có lực lượng KTQTĐT xử lý ở điểm này, thì các điểm khác đã được truyền thông tin và tìm cách “rút lui” nhanh chóng, khiến việc xử lý gặp không ít khó khăn. Cách xử lý của ta còn nương tay nên vi phạm vẫn tiếp diễn.

Nhiều người trực tiếp tham gia lập lại trật tự vỉa hè chia sẻ, ở đó, họ tiếp xúc với phần lớn lao động nghèo, tỉnh lẻ mưu sinh, nên khi xử lý đã không nỡ cướp đi miếng cơm manh áo của họ. Việc nên làm lúc này là các quận, huyện cần tăng cường giáo dục ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Xây dựng một cơ chế xử phạt đủ sức răn đe các hành vi cố tình vi phạm. Muốn thông thoáng vỉa hè thì trước hết phải tạo điều kiện cho người đang sống nhờ vào nó có nơi buôn bán khác, ổn định cuộc sống.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.