.

Đi săn mật ong - Kỳ 1: Tinh hoa của rừng

.

Mùa săn mật ong bắt đầu từ tháng giêng đến tháng năm, tháng sáu âm lịch. Đó là lúc các loại hoa nở rộ, ong từ rừng già kéo xuống làm tổ, luyện mật.

       Lên đường đi săn ong.
Lên đường đi săn ong.

Phi kiên nhẫn bất thành... thợ săn ong

Đúng hẹn, tôi chạy xe lên Hòa Ninh tìm nhà Lực. Theo “mách miệng” của anh em Đài Truyền thanh Hòa Vang thì Hòa Ninh hiện là vùng đất có nhiều ong mật nhất Đà Nẵng, bởi cách các thảm rừng nguyên sinh Bà Nà không xa, cứ lên hỏi Nguyễn Lực là ra chuyện. Lực không như tôi nghĩ, chỉ mới ngoài ba mươi nhưng trông rắn rỏi, phong sương hơn so với tuổi, có lẽ vì 14 tuổi đã biết rúc rừng, 17 tuổi đã thành thạo việc coi ong. Lực giới thiệu Huỳnh Chiến, hơn Lực một giáp, là thầy mình trong nghề săn mật ong. Chiến ba đời làm nghề, ông nội là một trong những tay “sát” ong nổi tiếng đất Hòa Vang ngày trước.

Kết thúc vội ly cà-phê, chúng tôi lên đường. Đồ nghề gọn nhẹ, một xô nhựa, 2 cái liềm, vài chiếc bao tải loại 50kg. Gửi xe máy ở một nhà ngoài bìa rừng, chúng tôi bắt đầu lội bộ đi săn mật ong.

Mới sáng mà nắng hè đã chói chang khắp ngọn đồi. Đi một hồi lâu qua mấy vạt hoa mắc cỡ vẫn chưa thấy tăm hơi ong đi lấy mật. Lực bảo, làm nghề này phải kiên nhẫn, anh mô nóng tính chút là không theo được. Nghề này, mỗi người có riêng một “bí quyết”, Lực chú tâm học hết. Thầy Chiến giỏi đạp cội, nghĩa là tìm ra chỗ có tổ ong đóng. Mấy thầy khác thì giỏi giọi, nghĩa là chỉ cần để ý xem ong ăn thôi là đoán biết được ong bay hướng nào, từ đó xác định nơi có tổ ong. Học mỗi thầy một ít, Lực tìm ra cách của riêng mình và sớm trở thành tay “sát” ong có tiếng ở Hòa Ninh.

Qua đến xóm Khuê Trung, nơi bà con phường Khuê Trung đi kinh tế mới lên đây đầu những năm 80 thế kỷ trước, thoáng có mấy chú ong bay xẹt qua như mấy chiếc máy bay cực nhỏ. Lực định thần nhìn kỹ rồi nói chắc bắp: một chú ong bọng và ba chú ong diều. Ong bọng làm tổ trong bọng cây, tổ có nhiều tầng nên còn gọi là ong tầng. Ong diều có tổ rất bự, hình dáng như cái diều của con gà, con vịt.

Hoa mắc cỡ (trinh nữ) là món “khoái khẩu” của ong mật.
Hoa mắc cỡ (trinh nữ) là món “khoái khẩu” của ong mật.

Tổ ong diều có hai tầng riêng rẽ, Lực vừa nói vừa lấy tay minh họa, một tầng chứa ong con, một tầng gồm nhiều ô chứa phấn hoa để ong thợ tinh luyện thành mật, gọi là trúc mứt. Khi đầy mật, ong thợ khèn ô lại bằng sáp. Khi cần, chúng cắn sáp lấy mật ra chuyền cho ong con. Tuy ong diều mình không nuôi được như ong ruồi, vì đụng tới tổ là chúng đổ ra cắn, nhưng lại cho mật nhiều hơn. Vì thế, dân đi săn ong bao giờ cũng nhắm tới ong diều.

Hai “thợ săn” chưa kịp ngắm nghía kỹ thì mấy chú bọng, chú diều đã vụt biến đi đường nào! Lực nói, ong hắn cũng ghê lắm, biết cách đánh lừa “thợ săn”. Có con ăn phấn hoa xong, quày đầu chui vô bụi, chờ im re một lát sau mới chui ra bay về tổ, ong này được các tay “sát” ong đặt tên là ong cổ cựu. Ngược lại, ong mới ra ràng, gọi là ong tơ, thường bay chậm, nhưng lại la cà đâu đó một lát rồi mới chịu về “nhà”. Có con “ma lanh” lắm, tổ cách chỗ ăn hoa chỉ khoảng 300 mét nhưng ăn xong quần mấy vòng là xẹt mất, té ra hắn “ngao du sơn thủy” thiệt xa để đánh lừa thiên hạ rồi mới quay về!

Rời xóm Khuê Trung, chúng tôi tiếp tục cuộc “truy tìm” ong mật. Với nghề này, tôi là dân “ngoại đạo”, chưa thấy tổ ong, chỉ nghe chuyện ong mà đã thấy nhiều điều lý thú. Nhớ hôm về Hòa Nhơn, nghe Mười Nhựt – một trong những tay “sát” ong có tiếng làng Phước Hậu, kể chuyện coi ong. Anh bảo, phải biết bắt mà – nhìn ánh nắng chiếu vào cánh ong để xác định hướng bay của ong; muốn thế, mình phải quay lưng về phía mặt trời, nói theo kiểu nhiếp ảnh là tránh “công xô-lây”. Nếu thấy ong đi lấy nước, thường vào lúc 6 giờ sáng, thì thế nào tổ nó cũng gần đó. Hên nhất là thấy ong đi xổ nục – tức là đi toa-lét, rất dễ tìm ra tổ của nó, vì cả đám thay phiên nhau đi, quây trên trời như một đám mây đen xì.

Nắng đã bắt đầu oi bức, cái oi bức đến khô khốc của miền sơn cước. Rừng tịnh không chút gió. Chúng tôi nghỉ tạm dưới tán cây keo lá tràm. Chiến vê vê cánh hoa mắc cỡ trước mặt, nói xem ong là coi cái “nước ăn”, cái cách xỉa chân, xếp phấn hoa của hắn. Ong có tổ xa, ăn no còn thong thả vê tròn phấn hoa, gọn gàng đâu vào đó cho khỏi rơi rồi mới bay về “nhà”. Bởi ong cũng như người, về mà hắn không có sản phẩm thì làm chi cũng bị sếp “giũa” te tua.

Ong chỉ ăn phấn hoa vào buổi sáng, quá ngọ thì về “nhà” nghỉ trưa. Gần hết buổi sáng băng rừng lội suối mà ong vẫn bặt vô âm tín. Đứng giữa bao la đồi núi trong cái hơi nóng hầm hập ngày hè, bỗng dưng thấy nản ít nhiều dù vẫn dặn bụng là hãy giữ kiên nhẫn. Theo lời Mười Nhựt thì dân “săn” ong làng Phước Hậu cuối những năm 70 thế kỷ trước mỗi năm lấy cả trăm lít mật. Chừ, cả một vùng mênh mông núi đồi cánh bắc Hòa Ninh, đã gần hết buổi sáng rồi mà vô lẽ hai tay “sát” ong khét tiếng cùng với một kẻ “tân tòng” là tôi đành trắng tay quay về?

Tìm thấy rồi!

Gần trưa, nắng loang loáng đổ sau tán cây rừng. Thấy tôi có vẻ “chùn chân mỏi gối”, Lực bảo tôi lội qua khe thôn Một, ghé quán Mười Nhum ngồi chờ, có gì sẽ “hú”.

Quán bán giải khát kiêm nhậu lai rai. Biết tôi lần đầu đi theo săn ong, chủ quán cười: Thiên hạ nói “nhất đốn tre, nhì ve gái”, tui thì phải thêm cái thứ ba nữa là tìm tổ ong. Lội hai, ba ngày trời, thậm chí cả tuần mà vẫn trắng tay là chuyện thường tình.

Ngả lưng trên chiếc võng đung đưa nắng trưa. Nghe tiếng chim bắt cô trói cột chốc chốc lại vẳng lên từ xa, chợt nhớ thằng bạn từng đùa với cô bạn đồng nghiệp “nhớ em bắt mệt”. Liên hệ thực tế, tôi nhại thành “bắt ong đói bụng”. Mà cũng đói bụng thiệt, lót dạ gói mì tôm khô, chèn thêm mấy ly nước, mua gói bánh quy, chai nước suối rồi quay ngược trở lại chỗ cũ.

       Vui mừng thu nhặt “chiến lợi phẩm”.
Vui mừng thu nhặt “chiến lợi phẩm”.

Rừng trưa vắng. Tôi nghe rõ tiếng chân mình lạo xạo trên lá cây khô. Theo hướng dẫn của Lực, chụm hai bàn tay làm loa, hú một tiếng vang vọng khắp núi rừng. Mấy lần như thế, chỉ nghe giọng mình dội lại. Lại đi. Lại hú. Mãi lâu sau, có tiếng hú đáp lại từ phía xa, rồi nhiều tiếng nữa, mỗi lúc một lớn dần. Cuối cùng, Lực và Chiến hiện ra trên con đường mòn, dáng vẻ mệt mỏi nhưng giọng chắc khỏe và đầy niềm vui: Tìm thấy rồi!

Tôi cũng muốn nhảy cẩng lên và gào to “Ơ-rê-ka” như Archimède tìm ra sức đẩy của nước ngày xưa. Đã 2 giờ chiều rồi còn gì, niềm vui đến quá bất ngờ khi cứ tưởng sẽ về tay trắng.

Ngồi bệt dưới hàng cây keo tai tượng, Lực và Chiến ngấu nghiến ăn bánh, uống nước. Lực kể, hai thầy trò lên khỏi đồi Bà Nhàn thì thấy ong ăn hoa đót, bay xuống, bay lên, đoán là tổ đóng khoảng lưng chừng đồi mà tìm mãi không ra. Cũng hơn tiếng sau mới tìm thấy tổ nó đóng cách mặt đất chỉ một mét!

Đó là một ngọn đồi gần Hố Túi, đầu thôn Một, ngày trước nổi tiếng cọp và vắt. Những năm 1978-1979, tôi từng lên đây đi tăng gia sản xuất cho phong trào nông dân Khuê Trung, tối cả nhóm ngủ trên nhà sàn, chia phiên ra canh gác, có cọp về là khua thùng thiếc báo động. Chừ cọp không còn, nhưng vắt thì vô thiên lủng. Nắng nóng là vậy nhưng vắt nghe có hơi người đi qua hố là búng lên găm vào người. Lực tháo đôi xăng-đan, để lộ mấy con vắt bám kẽ ngón chân, no máu mập ú.

Xong bữa trưa qua quýt, cả hai đi tìm nhánh cây khô, quấn lá rừng tươi quanh bên ngoài, để đốt lên không ra lửa mà ra khói, gọi là “trái khói”. Xong, Chiến dẫn đầu, tôi đi giữa, cả ba bắt đầu leo con dốc cao chỉ khoảng trăm mét nhưng gần như thẳng đứng. Dưới chân đá ngổn ngang, đầy rêu ẩm, vừa thả chân xuống là vắt lóc ngóc cựa mình. Tôi mải lo vắt búng lên người nên không để ý đến lau, sậy cứa rát tay chân. Nhiều khi phải bám vào cây rừng mới có điểm tựa leo lên.

Tới nơi, lần đầu tiên tôi được mục kích một tổ ong có hình cái diều màu xám đen mắc trên cành cây, cách mặt đất chưa đầy nửa thước, to cỡ hai vòng tay người. Cả vùng cây cối che khuất mặt trời, định thần một lát mới nhận ra đàn ong đang lúc nhúc bu quanh tổ. Lực thong thả nổi lửa châm “trái khói”, huơ huơ về phía tổ ong. Khói trắng mù mịt, đứng cách một sải tay cũng không nhìn ra nhau. Bỗng dưng nghĩ dại, nhỡ bị ong đốt thì không biết chạy đi đằng nào. Nhìn quanh, rừng cây ken dày tứ phía, phía dưới là hố sâu đầy vắt.

“Say” khói, đàn ong rời tổ, bay ra dày đặc, quơ tay là có thể nắm được từng vốc. Chúng quạt cánh ro re như âm thanh cây kèn vuvuzela mùa World Cup 2010 nhưng không có vẻ gì là bị “quấy rầy” cả, chẳng buồn chích ai. Lúc này tổ ong hiện ra màu vàng rực và sực nức mùi hương quyến rũ của mật.

Lực cẩn thận dập tắt “trái khói”, lôi từ ba-lô ra cái xô nhựa và chiếc liềm. Giữa làn khói trắng, Lực cúi xuống bên tổ ong, đăm chiêu, nghiêm nghị, chú tâm như một già làng trong phút hành lễ nghiêm trang nhất.

Thoáng chốc, tôi sực nhớ đến gương mặt của một thợ đúc đồng khoảng hai mươi tuổi ở làng Phước Kiều gần mười lăm năm trước. Cũng dáng vẻ nghiêm nghị, chú tâm đó, cậu từ từ bê lên cái cơi đồng nghi ngút khói để rót vào cái khuôn đúc chiêng, ánh mắt dán chặt vào cái màu đồng nóng chảy với sự thành kính đầy tín ngưỡng. Khi tấm ảnh chụp cậu trong thời khắc đó được đăng báo để minh họa cho bài viết “Bí mật tiếng chiêng Phước Kiều” của tôi, gương mặt cậu như một người đã lên tuổi nhi bất hoặc!

Giờ cũng vậy, đứng trước thời khắc trang trọng đón nhận tinh hoa của núi rừng, chúng tôi không ai nói một lời. Lực khoan thai đưa chiếc liềm lên, kéo nhẹ một đường để cái trúc mứt rơi gọn vào chiếc xô nhựa do Chiến giữ bên dưới. Tôi, mặc cho đàn ong chấp chới quanh mình, tranh thủ bấm liền một loạt ảnh, trước khi cái “nghi lễ” nghiêm trang ấy chấm dứt...

Xong đâu đó, chúng tôi lặng lẽ thu dọn đồ lề rồi trở xuống. Đường về không dễ, nhưng đã có trong tay “chiến lợi phẩm” nên ai nấy cảm thấy đường xa hóa gần. Tôi thả người nằm dài trên cỏ, tận hưởng cơn gió chiều thoảng qua với cảm giác hoàn hồn thực sự. Thong thả đổ dòng mật vàng óng thơm nức mũi vào chai nhựa cuối cùng, Lực reo lên: Được gần bốn lít. Hên thiệt, bữa nay tiền hung hậu kiết, may mà có nhiều ong ra ăn hoa, chứ không thì đi ba, bốn ngày nữa cũng không có một giọt mật...

VĂN THÀNH LÊ


Kỳ 2: Ăn của rừng rưng rưng nước mắt.
 

;
.
.
.
.
.