.

Làng gốm Bàu Trúc

.

1. Bên cạnh làng dệt thổ cẩm Chakleng, Bàu Trúc (tên tiếng Chăm là Hamu Crauk) là làng nghề nổi tiếng nhất vùng Chăm và là niềm tự hào của cộng đồng này. Đây là làng gốm được xem là một trong vài làng ít ỏi có lối chế tác gốm cổ nhất Đông Nam Á còn được bảo lưu.

Ở đây, gốm được chế tác theo một lối rất đặc trưng. Đặc trưng từ thao tác tạo dáng gốm đến cách nung, từ nguyên liệu cho đến lối tạo hoa văn... Tất cả đều rất nguyên bản. Và chính cái nguyên bản gần như là “cổ lỗ sĩ” ấy đã thu hút đặc biệt khách thập phương đến với gốm Chăm Bàu Trúc.

Lấy nước bằng “lu” gốm. 
Lấy nước bằng “lu” gốm. 

2.  Nguyên liệu chính của gốm Chăm là đất sét. Đất sau khi đập nát vụn và rây nhuyễn sẽ được ngâm nước trong hố đất qua đêm, rồi mang trộn với cát mịn. Tỉ lệ là 1 đất sét/ 1 cát hoặc 1 đất sét/ 2 cát, tùy sản phẩm có kích thước lớn hay nhỏ. Lớn thì cát sẽ ít hơn. Hỗn hợp này tiếp đó được nhồi thật nhuyễn bằng chân, sau đó bằng tay.

Bộ dụng cụ làm gốm Chăm rất đơn giản. Kiểu chế tác gốm này không dùng bàn xoay mà dùng bàn kê. Bàn kê có thể là bất cứ thứ gì: một cái bàn, một khúc gỗ, hoặc một cái lu. Đất sét được nhồi thành hình quả bí đặt lên bàn kê; người làm gốm vừa đi giật lùi xoay tròn quanh bàn kê, vừa dùng tay tạo hình cho khối đất sét, nặn thành dáng gốm cơ bản. Sau đó dùng từng lọn đất sét khác ráp nối với dáng gốm ban đầu làm cho thân gốm cao dần lên, tạo kiểu gốm có kích cỡ lớn. Công đoạn này gọi là nống vai và thân. Tiếp theo là bẻ miệng gốm, người ta dùng vải cuộn xếp lại 2-3 lớp để thấm nước chà láng thân gốm, tạo hình miệng gốm. Để làm láng bên ngoài thân gốm, người ta dùng vòng quơ bằng nhánh cây nhỏ uốn hình vòng cung, đường kính chừng một gang tay. Riêng làm láng bên trong, người ta dùng vòng cạo bằng thanh tre mỏng, cũng uốn vòng cung. Công đoạn gạt hết đất sét và tạo hình đáy sản phẩm được gọi là nống đáy. Đây là công đoạn cuối trước khi bước vào trang trí gốm.

Hoa văn gốm Chăm rất đơn giản, nên công cụ dùng cho công đoạn này cũng đơn giản. Với vài cây que nhỏ hay răng lược, vỏ sò, vân vân, người thợ có thể tạo được vài hoa văn hình sóng lượn, hình con thoi… Sản phẩm gốm sẽ được phơi khô trong nhà khoảng 3 - 4 ngày, sau đó mang phơi nắng chuẩn bị nung. Điểm đặc biệt của gốm Chăm là có thể nung ở bất cứ đâu, miễn có khoảng đất trống, ngoài trời. Tùy lượng gốm “ra lò”, mỗi nhà có thể tự nung riêng, hoặc tập hợp lại nung chung.

Nguyên liệu nung gốm là củi, phân trâu bò khô, rơm rạ… Nhiều sản phẩm với kích cỡ khác nhau có thể nung cùng một lúc khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ. Sau đó người ta dùng cây sào móc sản phẩm ra, dùng màu thực vật chiết ra từ da cây săng, trái thị để tạo màu lốm đốm cho gốm ngay khi gốm còn nóng. Do nung ngoài trời với nhiều nguyên liệu khác nhau, “có gì nung nấy”, nên lửa táp không đều, sản phẩm gốm Chăm mang rõ dấu ấn của thủ công.

3. Trước kia gốm Chăm làm ra chỉ để dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Kiểu dáng cũng rất đơn giản. Có thể chia gốm Chăm làm ba nhóm: Nhóm để nấu gồm nồi nấu cơm, nấu canh, lò, ấm... Nhóm để dùng thời gian ngắn như bát, đĩa... Nhóm để đựng gồm thạp gạo, lu đựng nước... Từ hai thập niên qua, gốm Chăm đã đi xa hơn hàng rao cộng đồng, nhờ bà con Chăm đã biết chế tác nhiều mẫu mã khác nhau. Công dụng chính của loại gốm mới này là trang trí. Như làm bình cắm hoa, giá đèn... Gốm Chăm còn đi vào nghệ thuật đương đại. Họa sĩ Đàng Năng Thọ, đứa con Bàu Trúc, đã sáng tạo nhiều bức tượng giá trị từ gốm quê hương.

Làng gốm Chăm Bàu Trúc nằm cạnh quốc lộ cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10 cây số về hướng Nam. Mươi năm qua khi Nhà nước đầu tư xây dựng thành làng nghề, bà con ăn nên làm ra, gốm Chăm đã có nhiều cải tiến quan trọng về mẫu mã và chất lượng. Cải tiến hiện đại nhưng vẫn đầy bản sắc. Bên cạnh chế tác nhiều chủng loại mới phục vụ thị trường, bà con Chăm làng Bàu Trúc vẫn sản xuất đều đặn các sản phẩm cổ, vừa để dùng vừa phục vụ cộng đồng vừa làm cho đơn đặt hàng của các bảo tàng lẫn nhà nghiên cứu.

Hôm nay Làng gốm Bàu Trúc đã trở thành một điểm du lịch thu hút đông đảo du khách thập phương. Đến với Bàu Trúc là đến với một phần văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm, đồng thời trở lại nguồn cội xa xưa của nhân loại.

 INRASARA

 

;
.
.
.
.
.