.
TRUYỆN NGẮN

Người thầy

.

Toán lính lệ phủ Điện Bàn phối hợp với đơn vị lính phòng thành tỉnh Quảng Nam túc trực tại cánh đồng nằm giữa hai con sông Giáp Ba và Vĩnh Điện, từ sáng tới giờ đã bắt đầu thấy mỏi mệt. Kẻ đứng người ngồi, nhưng những ngọn giáo dài có tua đỏ vẫn chỉ thẳng lên trời như nhắc nhở với cấp trên, rằng người giữ món binh khí kia vẫn đang làm phận sự. Viên Niết ty coi việc hình án có vẻ nôn nóng, chống dù đi đi lại lại thị sát toán lính canh.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG


Tin mã trạm hỏa tốc đêm qua về tỉnh, thông báo chậm nhất là giờ Ngọ, toán ngựa trạm đặc phái từ Huế vào, sẽ về đến địa điểm hình pháp. Giữa đám ruộng còn trơ gốc rạ, cây sào dài nằm vô tình bên cái hố nhỏ có đóng sẵn hai cọc tre già để chờ ép níu lại khi cây sào được dựng lên. Tấm cót tre cao ba thước, rộng tám tấc dựng đứng, quay mặt ra đường cái quan, mặt cót quét vôi trắng nổi bật lên hàng đại tự màu đen: Ngụy Hiệu phục pháp xứ.

Nắng tháng tám nám trái bưởi. Đã qua giờ Mùi, bắt đầu vào giờ Thân mà đoàn mã trạm đặc biệt vẫn chưa nghe thấy tăm dạng. Tiếng mõ báo tin có “thượng mã phi đệ” dọc theo trạm lộ vẫn không nghe nổi lên. Thị trấn Vĩnh Điện bồn chồn trong ánh nắng xế vàng vọt…

Bỗng… có tiếng lục lạc reo liên hồi ngoài Giáp Năm. Cả đám đông nhất loạt đứng phắt dậy. Từ sau lùm tre, ngang cây cốc già lâu năm, xuất hiện một ngựa trạm đang phi nước đại, mang lá cờ, không… đúng hơn là một dải lụa to tướng viết hàng chữ: Hiệu, đại phiến loạn đã bị bắt hành hình.

Đám đông bắt đầu nhốn nháo. Toán lính lệ chỉnh lại hàng ngũ bao quanh thửa ruộng, nơi có đóng hai cọc tre và cây sào dài nằm vô tri giác trên lớp rạ còn thơm mùi gặt mới. Dân chúng có lệnh không được lại gần, chỉ đứng bên kia quan lộ, xôn xao trong cái im lặng nén lòng và cái trật tự bắt buộc. Người ta bắt đầu nghe thấy có nhiều người kéo vạt áo dài chặm vào đôi mắt đỏ hoe. Có tiếng hỉ mũi kéo dài vì nén cơn xúc động quá lâu.
Tiếng lục lạc rõ dần, kéo theo hai, ba, năm rồi… bảy tám ngựa trạm hối hả phi nước đại trong đám bụi mù. Viên suất đội lính phòng thành cầm cây trường thương nạt nộ cấp dưới, tiếng thét lạnh lùng như thể để tâng công với cấp trên.

Trong đám dân đi xem, người phụ nữ níu bả vai người đàn ông đứng cạnh, giọng chùng xuống:

- Ta về thôi, đi anh!

Người đàn ông, giọng rất khẽ, chỉ đủ cho người đàn bà nghe: Lạ, cất công từ sáng tời giờ chỉ để chứng kiến cái giây phút bi tráng chúng treo đầu ông Hường lên, lại hối về.

Người phụ nữ sửa nón, che hai dòng nước mắt không cầm lại được: Em là đàn bà, mềm lòng yếu vía, không chịu nổi cảnh thương tâm mà ngang trái ấy đâu. Ta về thôi!!!

Cùng với đoàn ngựa trạm đặc biệt mang thủ cấp Hường Hiệu từ bãi chém An Hòa - Huế vào Quảng Nam để thị chúng, khẩn lệnh triều đình Đồng Khánh tróc nã thầy cử Hà Lộc về tội “dạy học trò làm giặc” cũng đồng thời được tống đạt về tỉnh đường La Qua.

Bảnh mắt ngày 16 tháng 8, thầy cử Lê Tấn Toán làng Hà Lộc nhận trát, khăn áo chỉnh tề theo toán lính tỉnh, chững chạc sải bước mà lòng ngổn ngang. Dạy chữ nghĩa thánh hiền là trách vụ của thầy, còn “làm giặc” là hành vi tự nhiệm của trò. Đến như cha mẹ sinh con há dễ sinh lòng. Mà nói cho rốt lý, thời thế này đã biết ai là trung với nước, ai là kẻ manh tâm theo giặc.

- Thầy suy nghĩ chi lung rứa, nhờ thầy bước nhanh lên giùm con với. Viên thập trưởng thấy thầy cử hơi chậm bước, mở giọng thúc giục.

- Ta đang nghĩ phải chọn món nào trong “tam ban triều điển”. Phải chăng đây là ân huệ của triều đình dành cho người có danh giáo? Mà ta có tội gì hử? Ôi, loạn danh giáo, xáo lộn cả chính tà. Kẻ theo giặc làm án người chống giặc. Trời cao, đất rộng!

Những bước chân trĩu nặng tâm tư, đắng lòng bậc sư nho. Học tràng Hà Lộc mười mấy năm nay đào tạo ra bao nhiêu học sanh, khóa sanh, tú tài, cử nhơn trong sáu tỉnh của xứ đông Đàng Trong. Chánh giáo, phong hóa một vùng đất từ Hải Vân đến Đại Lãnh được duy trì tốt đẹp nhờ vào đâu nếu không phải hàng môn đệ, lớp nho sĩ xuất thân từ Học tràng Hà Lộc. Và thầy cử Lê đương nhiên là bậc sư nho khả kính của lò học ấy. Trong đám môn sinh của thầy cử Hà Lộc, một người đã đạt tới đại khoa là Tiến sĩ Ất bảng Nguyễn Duy Hiệu (*). Có thể nói đó là đệ tử ruột của thầy cử Hà Lộc. Con người chí hướng có nhiều điểm giống người thầy cách chi ạ. Đỗ Tiến sĩ Ất bảng mà vẫn ở nhà dạy học, không chịu ra làm quan. Cho đến lúc quan Tổng đốc Quảng Nam hai lần đề bạt lên triều đình Huế, và vua Tự Đức hạ sắc dụ thăng bổ Phụ đạo giảng tập giảng sách cho hoàng tử con nuôi thứ ba của nhà vua, sau đăng quang là Kiến Phúc hoàng đế, Nguyễn Duy Hiệu mới nhận lời.

Miền cát biển khô cằn ấy mọc lên một học tràng tiếng tăm trong sáu tỉnh đông Đàng Trong là một chuyện lạ. Cũng cái xứ cỏ cháy khô cằn “không khoai lang mang lấy nợ” ấy lại nảy ra một ông Phó bảng làm phụ đạo dạy vua trong cung nội hoàng triều, lại là một chuyện lạ khác.

- Thầy làm ơn bước mau giùm con. Viên thập trưởng lại hối thúc.

Tuần phủ Châu đập bàn lớn tiếng:

- Thầy bây giờ là kẻ tội nhân của triều đình. Thầy không được nói lý. Mâm cơm ân huệ của Hoàng triều và Bảo hộ Pháp đấy. Mời thầy dùng đi.

Sắc mặt thầy cử Lê đang tái xanh bỗng đỏ phừng lên:

- Dù chi đi nữa, triều đình cũng đã khép án tôi “dạy học trò làm giặc”, ông Tuần hãy để cho tôi nói trước khi thọ hình. Mà… thưa với quan Tuần, nếu tôi không lầm thì... mấy tháng trước đây, quan Tuần cũng từng là Tham tri Bộ Công theo quan tướng Tôn Thất Thuyết phò đức Hàm Nghi ra tới Cam Lộ - Quảng Trị. Tôi không hiểu cái danh giáo, danh phận, danh tiết nào khiến bỗng chốc ông Tuần lại quay đầu về thú lũ quỷ trắng, ôm chân ông vua bù nhìn Đồng Khánh để kiếm cái chức tuần phủ tại đất Quảng Nam này? Trong vòng trời đất thiên lý và nhân luân này, lẽ nào cho phép kẻ theo giặc làm tội án người chống giặc? Ôi, loạn danh giáo, danh vị, loạn chính tà. Ôi, trời cao! Lợi lộc và quyền lực đã làm mờ mắt, đen lòng kẻ theo đòi chữ nghĩa thánh hiền. Tôi tin chắc lịch sử sẽ không buông tha cho cái tên tuổi của ông Tuần đó. Còn việc cho rằng tôi làm quân sư cho Nguyễn Duy Hiệu, ông ấy là một Phó bảng của triều đình có lý tưởng cao cả hẳn hoi, chẳng phải hạng vô học mà trở nên vô hạnh, gian ác và tham lam; tuổi tác ông ấy vả lại đã vào tuần bất hoặc, không phải trẻ người non dạ gì để phải nhờ người khác làm quân sư.

- Ông nói ai vô học, vô hạnh, gian ác, tham lam? Tuần phủ Châu lại đập bàn, quát.

- Là… là tôi nói ông Nguyễn đó. Ông ấy tuy là môn đệ của tôi, nhưng hiện là một vị Phó bảng của triều đình, vì sự tồn vong của xứ sở và quốc thể chính thống Hàm Nghi mà cương cường chống Pháp và tay sai. Ông Nguyễn hành động đúng cương vị một sĩ phu Văn thân trong thời loạn nên tôi giúp ông một tay, chứ chẳng phải quân sư quân siếc chi cả.

Tuần phủ Châu xô ghế đứng dậy:

- Quân bay! Đưa cử Lê qua Ty Niết thi hành án “tam ban” không được chậm trễ! Cái tin thầy cử Lê tự độc bằng chén mật ong pha trộn huyết công, như luồng gió mạnh, từ tỉnh đường La Qua bay nhanh khắp các tổng xã thuộc phủ Điện Bàn. Dân gian nhốn nháo, nhìn nhau bằng đôi mắt mà không dám hở môi.

Trưởng tràng Hà Lộc là Học Tuyên tập họp đồng môn được mười người, ra chợ Vĩnh Điện mua nguyên một cây lụa bạch đem vào Ty Niết phong kín thi thể thầy cử Lê. Các thầy nho sĩ cũng đồng thời tạo ngay hai cái đòn tre già, róc mắt trơn tru.


Lúc mặt trời khuất sau phía tây thành tỉnh, đám môn đồ đứng vây quanh thi thể thầy cử Lê đã được quấn chặt nguyên cả cây lụa trắng, họ đồng loạt trút tất cả khăn nhiễu đang đội trên đầu xuống, buột vào hai đòn tre già làm thành chiếc võng; mười nho sĩ sụp lạy khiêng bậc sư nho đặt lên võng tết bằng khăn nhiễu đội đầu, nâng lên vai tiến ra cổng phía đông thành tỉnh, trong ánh đuốc chập chờn buổi hoàng hôn.

Đoàn rước tang lặng lẽ đi qua những cánh đồng Viêm Minh, Quảng Lăng, Hà Quảng rồi vào địa phận làng Hà Lộc, quê hương của vị sư nho.

Nhiều chú chó chạy theo sủa râng trời, phá tan cái không khí bi tráng mà trầm thống của một thời ly loạn…

24-1-2012

NGUYỄN SINH DUY

(*) Dưới triều Nguyễn, kết quả thi Hội được niêm yết thành hai bảng: Bảng Giáp ghi danh những người đỗ Tiến sĩ, bảng Ất ghi danh những người kém hơn lấy đỗ Phó bảng. Vì thế, Phó bảng còn được gọi là
Ất Tiến sĩ. (ĐNCT)

;
.
.
.
.
.