.
Trồng cây chưa phù hợp hạ tầng kỹ thuật:

Đầu chưa xuôi, đuôi khó lọt

.

Sau nhiều năm trồng và thử nghiệm những loài cây phù hợp với từng vùng tiểu khí hậu, Công ty Công viên-Cây xanh (CVCX) đã phân loại được từng nhóm cây, chọn được loại cây phù hợp với từng vùng tiểu khí hậu, với cơ sở hạ tầng của từng khu vực, tôn thêm mỹ quan đường phố.

Ngầm hóa lưới điện là một giải pháp giúp cây xanh đường phố tăng trưởng tốt, mỹ quan đường phố cũng đẹp hơn.
Ngầm hóa lưới điện là một giải pháp giúp cây xanh đường phố tăng trưởng tốt, mỹ quan đường phố cũng đẹp hơn.

Ở khu vực ven biển thì cây phải có hệ rễ khỏe, tán thưa, lá không lớn, thân cành chắc, có thể phát triển trên nền đất cát chua, nghèo dưỡng chất và trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như gió bão, nước mặn, nắng nóng… các nhóm cây thích hợp như muồng tím, dừa, dương liễu, tràm hoa đỏ, bàng biển, phong ba, xoan… Ở khu vực như trung tâm đô thị, nơi tập trung dân cư đông đúc thì phải chọn loài cây phù hợp với cơ sở hạ tầng sẵn có và phù hợp với từng khu vực. Chẳng hạn, ở đường có lưới điện thấp, hệ thống cống chằng chịt nên chọn loại cây trung mộc; đường có hệ thống điện ngầm nên chọn loài địa thụ; cây trồng trước trường học nên chọn loài phượng vỹ, ở gần bệnh viện, chợ búa nên chọn loài có tác dụng khử trùng như cây long não và các loài cây như sao đen, muồng kim phượng, sò đo cam, muồng hoàng yến, osaka đỏ, sấu, bằng lăng. Ở khu vực trung du, đồi núi, nên chọn loài cây bản địa đã từng sinh trưởng tự nhiên như sao đen, dầu rái, giáng hương, mù u, muồng đen.

Ông Nguyễn Hữu Kim, Phó Giám đốc Công ty CVCX, phụ trách mảng cây xanh vỉa hè và cây xanh đường phố cho biết, để chọn được loại cây phù hợp với từng vùng tiểu khí hậu, công ty đã căn cứ một phần vào bản đồ thổ nhưỡng, dựa vào đặc điểm sinh lý, sinh thái của cây trồng như cây sinh trưởng và thích nghi được với điều kiện khí hậu tự nhiên của một thành phố biển như ít mưa, có thể phát triển trên nền đất cát, chua, nghèo dưỡng chất. Ngoài ra, cây không có bộ rễ ăn ngang, trồi lên làm hư hỏng mặt đường; thân nhánh cây không dòn dễ gãy đổ, có khả năng chống chọi tốt với gió bão; cây tăng trưởng không quá nhanh cũng không quá chậm; hoa, lá, trái, mùi, nhựa không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại, dị ứng với con người, không hấp dẫn ruồi nhặng… Trong tổng số gần 59.000 cây đã được trồng trên các tuyến đường, thì chiếm nhiều nhất vẫn là lim xẹt, sao đen, xà cừ, bàng, muồng tím, sấu… cho thấy những loài cây này sau nhiều năm đã thích nghi được với khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng của Đà Nẵng. Ông Nguyễn Hữu Kim cũng cho rằng, đến nay chức năng cây xanh cho bóng mát đã thu hẹp dần và hướng đến chức năng cảnh quan, tức cây phải cho lá, hoa, trái đẹp, tôn thêm mỹ quan đường phố.

Trồng cây xanh là hạng mục cuối cùng của tất cả những công trình xây dựng trên đường phố khi hệ thống điện, mương thoát nước, vỉa hè đã hoàn tất. Công ty CVCX đã có những “tiêu chuẩn” bố trí cây xanh trên đường phố như trục đường dây trên vỉa hè phải lùi vào 1,5m so với hàng cây, để khi cây lớn lên, đường dây điện không chạy luồn vào các tán cây, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây; các đường dây và đường ống ngầm bố trí vào phía trong của vìa hè; mương thoát nước chạy dọc chiều rộng vỉa hè để không ảnh hưởng đến hệ rễ của cây…

Thế nhưng trên thực tế, hệ thống đường dây điện trên những tuyến đường cũ và cả tuyến đường mới đều ít theo quy chuẩn, khiến hàng cây xanh khi lớn lên bị ảnh hưởng hệ thống dây điện, và ngành điện lực do an toàn của ngành mình đã “cưa phăng” ngọn cây, những hàng cây này đành “chấp nhận” không thể vươn cao, mà xòe tán, không có ngọn, gây không ít phản cảm trên đường phố.

Và những “vướng mắc” về hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng trên đường phố có vẻ là bài toán chưa có lời giải khi các ban ngành chủ quản, ban quản lý các dự án (nơi thực hiện hạ tầng xây dựng đường phố, các khu dân cư) ít quan tâm đến chức năng của cây xanh trong hạng mục cuối cùng.

Đến nay, nhiều khu dân cư thuộc quận Ngũ Hành Sơn đã trồng cây nhưng không thể bàn giao cho Công ty CVCX quản lý do chọn loài cây không phù hợp với khí hậu ven biển. Chỉ có một vài dự án tham khảo ý kiến của đơn vị trồng cây khi quyết định thay thế cây trồng trên tuyến đường. Đó là khu vực khu dân cư số 3 Nguyễn Tri Phương được dự định trồng sao đen nhưng cây có thể bị vướng dây điện trên không, nên được đổi qua loài lim xẹt; và tuyến đường phía đông cầu Thuận Phước ban đầu được chọn loài sò đo cam và phượng tím, nhưng qua tham khảo ý kiến từ công ty đã được thay bằng osaka đỏ…

Đại diện Công ty CVCX cho biết, công ty chỉ là đơn vị sự nghiệp, không phải cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng, cũng không phải là đơn vị điều hành dự án, không được tham khảo ý kiến nên không thể “thương lượng” để có được loài cây phù hợp.

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.