.

Thời của chuyên nghiệp hóa

.

Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế ngày càng phát triển, một trong những nguyên tắc của quảng cáo là sử dụng ít không gian, thời gian nhưng mang lại thông điệp quảng cáo hiệu quả nhất. Xây dựng thành phố sự kiện, du lịch, Đà Nẵng sẽ làm gì để tạo nên xu thế đó?

Người trong cuộc bối rối

Tổ chức sự kiện hoành tráng cũng là cách DN tự quảng cáo về tiềm năng, thế mạnh của mình.
Tổ chức sự kiện hoành tráng cũng là cách DN tự quảng cáo về tiềm năng, thế mạnh của mình.

Vài năm trở lại đây, thị trường Đà Nẵng xuất hiện hàng trăm công ty hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông. Nghe qua có vẻ như thị trường quảng cáo tại đây đang thực sự sôi động. Nhưng theo ông Võ Đình Tịnh, Giám đốc Trung tâm Quản lý Quảng cáo thành phố, chỉ có khoảng 30-40 trong số đó thường xuyên đến liên hệ xin cấp phép quảng cáo cho các hoạt động kinh tế, văn hóa-xã hội.
Cũng theo ông Tịnh, thị trường quảng cáo ở Đà Nẵng gần như mang tính trung gian qua nhiều đầu mối nên lợi nhuận thu được thường không cao. Thị phần quảng cáo chủ yếu rơi vào ngành hàng công nghiệp nhẹ. Chưa đa dạng ngành nghề, các doanh nghiệp (DN) hiện vẫn ưa chuộng hình thức treo băng-rôn, phướn nên quy mô quảng cáo còn nhỏ lẻ, chưa thật sự chuyên nghiệp.

Thực tế hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý về mặt đăng nội dung quảng cáo. Trong khi đó Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch lại là cơ quan đầu mối xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo. Điều đó tạo ra sự không đồng bộ trong việc thực hiện chính sách quản lý Nhà nước với hoạt động này. Đó là chưa kể sự chung tay của các đơn vị khác khi gặp các vấn đề liên quan. Ví dụ, tại Đà Nẵng, đối với các biển quảng cáo, pa-nô treo trên các tòa nhà cao tầng, các khu đất trống, Trung tâm Quản lý Quảng cáo Đà Nẵng là đơn vị tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép, sau đó giao cho Sở Xây dựng thẩm định, kiểm tra độ an toàn. Nếu bảo đảm những tiêu chí trên, trung tâm mới tiến hành cấp phép. Tương tự với các sản phẩm quảng cáo liên quan đến ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành y tế thì sẽ giao cho Sở Nông nghiệp, Sở Y tế xem xét. Điều này vô hình trung làm kéo dài thời gian chờ đợi của DN.

Bà Nguyễn Lê Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nghệ thuật Việt (VietArt), Giám đốc VietArt OOH tại Đà Nẵng trăn trở, trong vấn đề cấp phép quảng cáo, thời gian cấp phép 1 tuần là quá dài. Trường hợp quảng cáo có yếu tố tiếng Anh, thời gian còn kéo dài hơn do phải hiệu chỉnh nội dung cho phù hợp, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến lợi ích của DN. Vì thế, công ty đề xuất nên hình thành “Tổ một cửa” trong công tác cấp phép xây dựng bảng quảng cáo và cấp phép quảng cáo, nhằm rút ngắn thời gian cho DN.

Cũng vấn đề này, ông Kha Kim Hùng, Ủy viên BCH Hiệp hội quảng cáo Đà Nẵng chia sẻ, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này mong muốn có Luật quảng cáo rõ ràng, không quá chi tiết và cũng không quá chung chung nhưng phải cụ thể để DN không phải lo lắng khi thực hiện.  

Chuyên nghiệp hóa, cần gì?

Điểm yếu của các công ty quảng cáo tại Đà Nẵng hiện nay là thiếu những người làm quảng cáo chuyên nghiệp và thiếu hệ thống quản lý chuẩn mực. Để tồn tại, một số công ty đã liên kết và hợp tác với các tập đoàn quảng cáo lớn để học hỏi, từng bước xây dựng hệ thống quản lý và áp dụng các phương pháp quản lý, các quy trình làm quảng cáo chuyên nghiệp.

Một trong những công ty làm tốt công tác này là VietArt. Thành lập năm 2007, VietArt từng bước nắm vững thị trường Đà Nẵng khi thu hút được nhiều hợp đồng quảng cáo béo bở của các tập đoàn kinh tế lớn như Cienco 5, HDBank, Vietcombank, MBBank, Honda Vietnam, Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam... Thiết kế, tổ chức các sự kiện tiêu biểu như lễ khởi công xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng; lễ khánh thành cầu Thuận Phước; lễ khởi công cầu Rồng; lễ khởi công Khu đô thị Hòa Quý; truyền thông, vận động tài trợ cho Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng từ năm 2008 – 2012…

Để làm được điều này, theo lý giải của Giám đốc Lê Tấn Trung Ba, VietArt đã liên kết cùng Công ty cổ phần ScarletKite, một công ty tư vấn chiến lược và truyền thông để phát triển các dịch vụ và hoạt động truyền thông chuyên nghiệp. VietArt cùng ScarletKite đã liên kết để hình thành liên doanh Công ty Cổ phần SKVietArt. Với sự hình thành SKVietArt, VietArt OOH, giúp VietArt trở thành một tổ hợp truyền thông hoàn chỉnh để cung cấp các dịch vụ truyền thông chuyên nghiệp. Cùng với sự hỗ trợ và nền tảng hoạt động của ScarletKite, các hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo của VietArt đã vượt ra khỏi phạm vi Đà Nẵng, có mặt ở một số thị trường khác.

Muốn chuyên nghiệp hóa, theo bà Nguyễn Hiền, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ-Mỹ thuật Gia Hưng, ngoài thủ tục cấp phép cần rút ngắn, DN hoạt động trong lĩnh vực này cần phải cạnh tranh về giá cả, an toàn lao động khi thi công, bảo đảm kỹ thuật, chất lượng, bảo hành trong suốt quá trình diễn ra sự kiện và tính toán yếu tố rủi ro trong quá trình thực hiện các biển, hiệu quảng cáo để đôi bên cùng có lợi. Ngoài ra, quảng cáo cũng cần loại trừ những yếu tố như nói sai sự thật, phản giá trị văn hóa truyền thống, không hợp thuần phong mỹ tục, vi phạm hợp đồng quảng cáo…
Ngày 7-10-2011, UBND thành phố Đà Nẵng đã đồng ý để VietArt xây dựng đề án chiến lược truyền thông cho Đà Nẵng thời gian tới. Hy vọng, với sự liên kết này, Đà Nẵng sớm tìm ra được hướng đi chuyên nghiệp cho hoạt động quảng cáo, trước nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng ngày một tăng.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.