.

Hút theo thói quen

.

Mặc dù đã có quy định nghiêm cấm hút thuốc lá (HTL) từ 1-1-2010 tại trường học, nhà trẻ… nhưng số sinh viên (SV) hút thuốc tại các trường CĐ, ĐH vẫn còn khá cao. Mỗi trường đều có quy định cấm nhưng biện pháp xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe.

Mô tả ảnh.
Đại diện các trường CĐ, ĐH thành viên ĐH Đà Nẵng ký cam kết nói không với thuốc lá trong lễ phát động “Xây dựng trường học không khói thuốc lá”.

Cấm nhưng vẫn hút

Dạo một vòng các quán café quanh các trường ĐH,  không khí na ná nhau. Hòa trong tiếng nhạc, tiếng nói chuyện là lãng đãng khói thuốc. Giờ tan học, các quán café cạnh Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đông kín người. Nhiều nam SV bước vào chưa kịp ngồi nóng chỗ, vừa gọi nước uống vừa “cho em mấy điếu thuốc”. Đốm thuốc đỏ hồng. Những câu chuyện vi vu theo làn khói. Điếu này vừa dụi tắt, điếu khác lại được châm lên.

“Trước đây thỉnh thoảng em mới hút một điếu thôi nhưng thường xuyên thức đêm xem bóng đá, thấy bạn hút rồi cũng hút theo, riết thành quen, giờ muốn bỏ cũng khó”. Ngồi trong quán cóc cạnh trường, tranh thủ vài hơi thuốc, Thân Trọng Thông, SV khoa Xây dựng Trường ĐH Duy Tân bộc bạch.

Một điều rất dễ thấy tại các quán café, hầu hết quán nào cũng có bán thuốc lá. Chỉ cần có người kêu là có người mang ra vì thế khi nhu cầu luôn được đáp ứng thì việc hạn chế là một điều rất khó khăn. Chị Trần Thị Thu Hà, chủ một quán café cóc gần Trường ĐH Đông Á cho biết: “SV vào thường hay hỏi thuốc, nếu khách hỏi mà không có thì chỉ một vài lần khách đi luôn. Khó có được những mối khách quen lắm, nhiều khi vì muốn giữ khách nên phải bán”.

Bên ngoài trường thì khó quản lý, nhưng ngay bên trong khuôn viên các trường ĐH, CĐ đều có quy định cấm HTL. Một số nơi trong trường, lớp còn gắn cả biển không HTL nhưng nhiều SV theo thói quen vẫn mang thuốc đến trường và lén lút hút. Khi được hỏi về tác hại của HTL, hầu hết các bạn đều trả lời rất rành mạch, trơn tru nhưng thói quen thì vẫn không bỏ được.

Theo chân Nguyễn Hoàng Tuấn, SV năm 4, Đại học Kiến trúc về căn phòng trọ chật chội nằm trên con hẻm nhỏ của đường Hoàng Diệu, tàn thuốc vương vãi khắp nền nhà, trên bàn làm việc. Tuấn thật lòng: “Lúc đầu cũng hút cho vui nhưng rồi “nghiện” lúc nào không biết. Em ở cùng với đứa bạn cũng nghiện thuốc, nhiều đêm làm đồ án, hai đứa đốt thuốc khói bay mù mịt khắp phòng. Hôm nào không HTL thấy trong người bứt rứt, khó chịu lắm, nhiều đêm hai đứa em đốt cả hai bao”. Nói rồi Tuấn chìa hai ngón tay vàng khè ra như để minh chứng cho lời mình nói.

Cần có những biện pháp mạnh

Thầy Lê Văn Hiền, Bí thư Đoàn Trường CĐ Công nghệ Thông tin Hữu nghị Việt-Hàn cho biết, tỷ lệ HTL ở các nam SV trong trường chiếm khoảng 15-20%. Trong năm học 2010-2011, nhà trường đã có thông báo nghiêm cấm hút thuốc lá trong khu vực giảng đường, khu nội trú. SV nào vi phạm sẽ bị trừ vào điểm rèn luyện theo quy định của nhà trường. Nhưng khi SV bước chân ra khỏi cổng trường thì nhà trường không quản lý hết được.

Cũng tại trường này, Trần Thị Xuân Trang, SV năm thứ 4, và là người hoạt động công tác Đoàn khá lâu cho rằng, một nơi văn minh, nơi đào tạo con người có học thức thì khói thuốc phải hoàn toàn không xuất hiện và nhà trường nên có những biện pháp, cách xử lý nghiêm hơn để răn đe những người có thói quen xấu đó. Trang bày tỏ quan điểm: Nếu thấy các bạn SV nam HTL, em sẽ lên tiếng ngay, điều này không chỉ tốt cho các bạn ấy mà còn tốt cho chính bản thân mình. Với lại HTL không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến túi tiền của SV. Được biết nhiều bạn nghiện thuốc mỗi tháng cũng mất vài trăm ngàn, với các bạn gia đình khó khăn thì số tiền đó không hề nhỏ”.

Th.S Trần Đình Mai, Trưởng ban Công tác HS-SV ĐH Đà Nẵng cho rằng cán bộ, viên chức và SV đều nhận thức được tác hại của thuốc lá, song việc từ bỏ trong một sớm một chiều không hề dễ dàng. Có người bỏ rất nhiều lần, nhưng sau một thời gian vẫn “tái nghiện”.

Được biết, ở hầu hết các trường CĐ, ĐH đều thường xuyên tuyên truyền qua các tiết học của tuần sinh hoạt công dân SV đầu năm học và cho SV ký cam kết nói không với thuốc lá. Ngày 1-10 vừa qua, ĐH Đà Nẵng phối hợp với Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia Vinacosh, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe - Sở Y tế thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ phát động “Xây dựng trường học không khói thuốc lá” cho các trường ĐH, CĐ thành viên. Trước đó, tại Trường ĐH Ngoại ngữ, một cuộc khảo sát nhỏ với 36 cán bộ, viên chức (trong đó có 14 nữ) và 51 SV (trong đó có 47 SV nữ) về thực trạng HTL  cho thấy: Số cán bộ, viên chức hút thuốc là 8/36, chiếm 16%; SV là 0/51 người.

Th.S Trần Đình Mai cũng cho biết do không thể bỏ ngay được, nên cần quy định những điểm có thể hút thuốc được dành cho cán bộ, giảng viên trong trường để không ảnh hưởng đến người khác. Nhưng nên hạn chế và bỏ được là tốt nhất.

Một thực tế cho thấy, rất nhiều SV nam khi mới vào năm học mới, thường tập tành hút thuốc. Chính những lời khích bác của bạn bè là một trong những tác nhân không nhỏ đưa nhiều nam SV đến với thuốc lá, vì vậy ngay bản thân mỗi người cần có bản lĩnh, dám nói không với thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của mình và những người xung quanh. “HTL chẳng thể hiện bản lĩnh hay anh hùng gì cả. Có chăng đó chỉ là lý do để các bạn che đậy thói quen xấu của mình mà thôi. Với bất kỳ lý do nào, em hoàn toàn không ủng hộ việc các bạn hút thuốc” – Phạm Thị Nhàn, SV khoa Sư phạm mầm non, ĐH Sư phạm khẳng định.

Thu Hà

;
.
.
.
.
.