.

Bí ẩn Furoshiki

.

Những chai rượu sake, hộp đựng giấy ăn, quả dưa, thậm chí cả tấm chăn bông hay thùng đựng đồ lớn… bất chợt trở nên duyên dáng như những món quà tặng xinh xắn và hấp dẫn, tất cả nhờ vào chiếc khăn furoshiki. Người Nhật đã biến những chiếc khăn vuông đơn thuần thành túi đựng hữu dụng và đã nâng lên thành nghệ thuật dùng khăn gói quà, furoshiki vì thế cũng trở nên bí ẩn cần khám phá.

Mô tả ảnh.
Một cách gói đồ bằng khăn furoshiki.

 

Họa tiết phong phú

 

Mô tả ảnh.
Bà Yoko Yamamoto giới thiệu cách dùng furoshiki gói 2 chiếc chai.

Furoshiki là loại khăn vải khổ lớn hình vuông, có đủ loại kích thước để phù hợp với các đồ vật được gói, với đủ loại hoa văn màu sắc, các họa tiết tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, thịnh vượng, mạnh mẽ, chúc phúc… Những tấm khăn vải xuất hiện từ thời kỳ Edo (1603 - 1868). Và theo bà Yoko Yamamoto, thành viên của Hiệp hội Furoshiki Nhật Bản, chúng ta được nghe đến tên furoshiki cách đây khoảng 500-600 năm, bắt nguồn từ việc tắm hơi.

 

Chiếc khăn vải này ban đầu chỉ dùng với mục đích đơn giản là đựng quần áo và vật dụng khi đến nhà tắm công cộng và dùng để lau khô người khi họ tắm xong (furo có nghĩa là đến buồng tắm và shiki là trải khăn). Sau này, khi việc sử dụng furoshiki trở nên phổ biến, người ta bắt đầu sáng tạo ra nhiều cách sử dụng. Cũng từ đó việc dùng khăn furoshiki để gói quà bắt đầu hình thành và phát triển mạnh mẽ, nâng tầm lên thành một nghệ thuật truyền thống và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, nghệ thuật gói quà độc đáo này bị mai một vào giữa thời kỳ Showa (cuối những năm 70 của thế kỷ 20), ngày nay mới phát triển trở lại, trở thành một trào lưu ở nhiều nước, bởi sự tiện lợi và đẹp mắt trong sử dụng. 

Trong buổi giới thiệu về nghệ thuật dùng khăn furoshiki trước đông đảo sinh viên và học sinh Đà Nẵng, bà Yoko Yamamoto còn giới thiệu biểu trưng của một số họa tiết trên khăn. Như những tấm khăn có họa tiết rễ cỏ, thể hiện mong muốn sống lâu và hạnh phúc mãi mãi; khăn có họa tiết tùng, trúc, cúc, mai dùng vào dịp lễ, tết; khăn có họa tiết cá chép vượt thác ghềnh, dành để chúc mừng những gia đình mới sinh bé trai, với lời chúc sau này cậu bé sẽ thành công trong sự nghiệp; khăn có họa tiết là một chiếc búa của bà mẹ dành tặng con gái chuẩn bị về nhà chồng, ước nguyện cô gái sẽ không thiếu tiền khi làm dâu…

Khoảng 10 năm gần đây, rất nhiều nhà thiết kế sáng tạo ra những hoa văn mới, đem đến sự phong phú, đa dạng cho khăn vải truyền thống của Nhật Bản.

Khoảng 100 kiểu gói khác nhau

 

Mô tả ảnh.
Tấm khăn furoshiki lớn dùng để gói đồ vật lớn hoặc có thể biến tấu thành tấm khăn choàng duyên dáng, sinh động.

Furoshiki có nhiều kích thước và được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như lụa, vải bông hoặc sợi tổng hợp, nhưng khi dùng để gói những vật nặng thì tấm vải phải làm bằng cotton, dệt theo cách đặc biệt, sao cho các sợi ngang và sợi dọc đan vào nhau chắc chắn.

 

Vốn là vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của người Nhật, nhưng khi được dùng phổ biến hơn, furoshiki có thể gói ghém đồ đạc, gói quà tặng, trang trí nhà cửa, hoặc dùng như vật tượng trưng cho hạnh phúc trong các đám cưới. Với furoshiki, chỉ cần một chút khéo léo với vài nút buộc đơn giản, ta đã có được một gói quà đẹp. Tùy thuộc vào hình dạng, kích thước món quà mà mỗi người chọn kích thước mảnh vải cũng như cách gói cho phù hợp. Khi gói quà bằng furoshiki, có trường hợp, người tặng quà tặng luôn cả khăn, hoặc người được tặng quà dùng khăn ấy gói một món quà nhỏ và trả cho người tặng. Bà Yoko Yamamoto cho biết mỗi khăn vải furoshiki có khoảng 100 kiểu gói khác nhau và con số này chưa dừng lại khi nhiều người Nhật tiếp tục phát triển và sáng tạo cách dùng khăn furoshiki.

Khi xếp lại, furoshiki rất nhỏ gọn, nhưng lúc cần vẫn có thể căng to ra để bọc những vật cồng kềnh. Ưu điểm nhất của loại vật dụng này là có thể dùng đi dùng lại nhiều lần một mảnh vải, rất thích hợp với thời đại xem trọng việc tái chế như ngày nay. Chính vì thế furoshiki còn mang thông điệp kêu gọi mọi người ý thức bảo vệ môi trường, hưởng ứng phong trào 3R (reduce, reuse and recycle – tiết kiệm, tái sử dụng và tái chế).

Thông điệp mà những thành viên của Hiệp hội Furoshiki mang đến với các bạn trẻ Việt Nam khá lớn, nhưng chỉ cần hiểu đơn giản: Với chiếc khăn Furoshiki, chúng ta sẽ tạo ra những món quà bằng cả trái tim và đầy bất ngờ dành tặng cho những người thân yêu, gia đình và bè bạn!

Hiền Lương

;
.
.
.
.
.