.
GIỚI THIỆU SÁCH

Bút ký Đà Nẵng 1997-2010

.
Là tên gọi tựa sách do Hội Nhà văn Đà Nẵng phối hợp cùng Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa ấn hành. Sách dày 320 trang, bao gồm trên 40 bài bút ký chọn lọc viết về thành phố Đà Nẵng. Trong đó,  nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng trong các kỳ thi ký văn học từ 1997 đến nay.

Mô tả ảnh.
Bút ký Đà Nẵng 1997 - 2010, một tập sách dành cho những ai nặng tình cùng Đà Nẵng.
Có lẽ nhiều năm nay, lần đầu tiên mới có một tuyển tập bút ký về thành phố Đà Nẵng với nhiều chủ đề phong phú như tập sách này. Ngay trong bài viết đầu tiên, qua những câu chuyện xúc động của chị Lý - “người con gái Việt Nam” trong thơ Tố Hữu, chuyện cô y tá Mùi ở Bình Dương, tác giả Nguyễn Đình An đã nhấn mạnh: “Tôi không đòi hỏi và cũng không mong muốn các bạn trẻ hôm nay có trải nghiệm như tôi, nhưng tôi có quyền yêu cầu các bạn có lẽ sống, có lý tưởng cao đẹp, có tình yêu, và trách nhiệm như chị Lý, chị Trâm, chị Mùi, như vô số bà mẹ Việt Nam chúng ta đã gặp trên mọi nẻo đường đất nước (Nghĩ về người anh hùng và cuộc sống hôm nay).

Cũng với đề tài về truyền thống, tình đất tình người, chúng ta còn gặp nhiều cách thể hiện khác nhau như: Hơn cả nguồn nước (Hồ Duy Lệ), Đồng vọng Túy Loan (Trần Phú Yên), Dọc miền Tây Bắc Hòa Vang (Lưu Anh Rô), Linh hồn bán đảo (Trần Ngọc Tuấn)... Đáng chú ý, qua các bút ký Mười chín tuổi ở Hoàng Sa... (Đặng Ngọc Khoa), Nghìn năm vàng dấu cát (Văn Thành Lê), với nhiều chi tiết bất ngờ dẫn chứng trong bài viết khiến người đọc càng cảm thấy có trách nhiệm hơn với Hoàng Sa - mảnh đất nằm giữa bốn bể trùng khơi đã được ông cha ta viết bằng máu và nước mắt.

Tập sách cũng nhấn mạnh về sự phát triển của thành phố, vị thế thuận lợi là đầu mối giao thông lớn nhất của khu vực miền Trung về đường sắt, đường bộ, đường hàng không quốc tế... Cụ thể, qua bút ký Thành phố của tôi, tác giả Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong đã có những cảm nhận: “Đó là một thành phố của những cây cầu. Năm cây cầu nối hai bờ sông từng một thời diệu vợi xa cách. Một cây cầu khác đang được thi công, trong đợi chờ và háo hức của bao người. Tôi đi hằng ngày trên cầu Nguyễn Văn Trỗi. Bốn mùa trên cây cầu thay đổi như những khung hình thoắt ẩn thoắt hiện trong kính vạn hoa. Những ngày mùa đông, nước đục ngầu, bèo trôi đầy mặt sông. Những buổi sáng xuân, từng đoàn xe ngược xuôi, chở những cành xanh đằng sau, chở phong vị tết về nhà. Những trưa mùa hè, nắng chói chang như lấy từ đâu đó trong ảnh cụ Võ An Ninh. Mùa thu, cây cầu lặng lờ như một chiếc lá rụng về đất, đẹp như một bài thơ tình Xuân Quỳnh...”.

Thật thú vị, cùng gặp gỡ với ý tưởng trên, một tác giả khác cũng có đoạn: “Cuối cùng rồi tôi cũng dừng lại bởi một cây cầu. Không phải cây cầu gãy trong hoài niệm mà là chiếc cầu hiện đại. Cầu quay trên sông Hàn. Phố hai bên bờ đẹp như mơ nhưng làm sông chật lại. Không còn đàn chim về chờ nắng. Ánh cao áp thủy ngân bắt đầu bắt đầu tím dần trên vai cầu. Tôi yêu những vai cầu thương nhớ...” (Tìm xưa duyên hải, Vũ Duy).

Ở những trang viết  khác, là sự phác họa hướng đến một không gian rộng lớn với nhiều khát vọng như: Từ Đà Nẵng đến tam giác vàng (Trương Điện Thắng), phản ánh tiềm năng, vị thế của Đà Nẵng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây; về  sự đổi thay hấp dẫn nhanh chóng của khu du lịch Bà Nà như các bài: Ghi trên đường cáp treo dài nhất thế giới (Trần Tuấn), Tiềm năng không gian (Bùi Công Minh), Một lần lên Bà Nà (Chế Diêm Trâm)... Hoặc những câu chuyện bình thường, đơn giản về một con người, một khu phố, một dòng sông... mà vẫn nói lên được những biến đổi diệu kỳ của thành phố như: Người đàn bà buôn gánh (Nguyễn Ngọc Hạnh), Linh hồn đá (Nguyễn Nhã Tiên), Một thoáng phù hoa (Trần Trung Sáng), Bên dòng sông Cu Đê (Nghi Thảo), Về trong nỗi nhớ (Đinh Thị Như Thủy)...

Nhìn chung, bằng cách chuyển tải nhẹ nhàng,  hấp dẫn, tính văn học cao, với nhiều đề tài chọn lọc phong phú, Bút ký Đà Nẵng 1997-2007 là một tập sách đáng trân trọng dành cho những ai nặng tình cùng Đà Nẵng.
 
Phương Mai
;
.
.
.
.
.