.

Trở lại Louvre

.

Có lẽ trường hợp của kiến trúc sư Ieoh Ming Pei rất hiếm gặp. Ở tuổi 93 vẫn còn minh mẫn, tráng kiện và yêu mến công việc. Ông đang trở về thăm Viện bảo tàng Louvre ở Paris, nơi ông có một quãng thời gian dài làm việc và đã để lại giữa không gian nghệ thuật lừng danh thế giới này một công trình bất hủ do chính ông thiết kế: Tòa nhà hình chóp, xây dựng hoàn toàn bằng kính trong suốt, tráng lệ, cao vút giữa sân Viện bảo tàng Louvre.

Tòa nhà hình chóp dưới ánh đèn.
Vào năm 1984, được ủy quyền của F. Mitterrand, Tổng thống nước Pháp, kiến trúc sư I.M. Pei chịu trách nhiệm toàn bộ việc thiết kế cũng như theo dõi thi công công trình tòa nhà hình chóp này. Có chiều cao hơn 20 mét, mặt đáy rộng 35 mét, nó mang theo 603 hình thoi và 70 hình tam giác bằng kính. Sau 5 năm, công trình hoàn tất và trở thành “điểm nhấn” tuyệt đẹp cho khuôn viên Viện bảo tàng và cũng là điểm mốc mang đầy tính nghệ thuật cho Paris.

KTS Ieoh Ming Pei.
Kiến trúc sư I.M. Pei được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh, huân chương danh dự về nghệ thuật cao nhất của nước Pháp. Cùng những công trình khác như thiết kế tòa nhà Thư viện Jonh F. Kennedy ở Boston, Mỹ; Nhà bảo tàng Nghệ thuật Phương Đông, Ngân hàng China Tower ở Hồng Kông, Viện bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo ở Doha, kiến trúc sư I.M. Pei được trao tặng nhiều giải thưởng tầm cỡ quốc tế khác, trong đó có giải thưởng cao nhất về ngành kiến trúc, giải thưởng Pritzker Prize.

Sinh ở Trung Quốc, lớn lên ở Hồng Kông, kiến trúc sư I.M. Pei tốt nghiệp cử nhân ở Trường Kiến trúc hiện đại Walter Gropius và Marcel Breuer, Hoa Kỳ. Trả lời phóng viên CNN nhân dịp trở lại thăm Viện bảo tàng Louvre lần này, I.M. Pei nhắc lại một vài kỷ niệm buồn vui khi ông là người châu Á, sống và làm việc trên “đất khách”. “…Có nhiều lúc thật chua cay như gặp một người đàn bà đã nhổ nước bọt trên đường khi đi ngang qua ông… Nhưng tất cả đã qua rồi. Dầu sao tôi cũng đang ở trên đất Pháp!”.

Và, I.M. Pei với tâm hồn và trái tim của một nghệ sĩ tên tuổi, ông bùi ngùi nói thêm. “Thật ân hận, tôi đã nỗ lực cho rất nhiều công trình lớn trên thế giới, nhưng tôi đã không làm được gì nhiều cho Trung Quốc, quê hương yêu dấu của tôi”.

HOÀNG ĐẶNG

 


 

;
.
.
.
.
.