.

Thương nhớ cà-phê

Uống cà-phê từ lâu không còn đơn thuần là một sở thích mà đã trở thành nhu cầu giao tiếp, một nét văn hóa trong đời sống hiện đại. Người ta đến quán cà-phê không hẳn để uống một ly cà-phê, mà là vì nhiều mục đích: chia sẻ tâm tình, bàn chuyện làm ăn, xả xì-trét, giết thời gian...

Nhiều bạn trẻ thích tụ tập nơi góc quán vui nhộn, không gian với lối trang trí hiện đại như Wonder, New Life, Apple, Sao MTV... Dân văn phòng thì chọn những quán cà-phê wifi như Paloma, Heaven, Sen.. để tranh thủ lướt web và làm việc trên laptop. Đó là đối tượng không bị gò bó ở nơi làm việc nên thích kiểu “vừa làm vừa chơi”. Giới trung niên thì thích hợp với những quán lịch sự, có nhạc nhẹ. Lý tưởng nhất là khung cảnh nửa sân vườn nửa trong nhà như Bạch Dương, Trúc Lâm Viên, Nguyệt Khuê Viên, Phố Xưa, Vietnamese Home, vì khung cảnh ở đây tạo cảm giác ấm cúng và thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên.

Nếu như những năm trước cà-phê chủ yếu là nơi lui tới của giới mày râu thì giờ đây nó ngày càng trở nên hấp dẫn với các bà, các cô. Tôi có một chị bạn rất mê nhiếp ảnh. Trong túi xách của chị lúc nào cũng kè kè chiếc Canon và một đống thẻ nhớ. Chừng đó đã là một thế giới đầy ắp để chị có thể ngồi cả buổi sáng ở một góc nhỏ của quán Tigon. Quán cà-phê là nơi để niềm đam mê của chị thêm phần thăng hoa. Những lúc ấy trông chị thật "nghệ sĩ".

Ngồi cà-phê cóc cũng có cái thú riêng. Sáng sáng dạo qua vài đường phố chính của Đà Nẵng đã thấy nhiều cà-phê cóc đông nghẹt, hầu hết là nam thanh niên. Họ không kén chỗ ngồi, cũng chẳng cần phải có bạn tâm giao, tri kỷ. Miễn sao có một ly cà-phê uống cho đỡ ghiền, thêm tờ báo mới điểm qua tình hình thế giới sốt dẻo nhất 24 giờ qua, và ung dung ngồi ngắm kẻ qua người lại trên phố. Chừng đó là quá đủ để khởi động cho một ngày mới.

Có nhiều quán cà-phê bày biện thêm bàn cờ tướng. Chỗ này mấy cậu thanh niên, chỗ kia những người cao tuổi. Khách gọi một ly cà-phê và có thể ngồi bên bàn cờ cả buổi.

Sang trọng, lịch sự nhất và cũng tốn tiền nhất là những quán cà-phê chơi nhạc sống vào buổi tối như Katynat, Piagio... Có quán mời ca sĩ đến hát, có quán chỉ chơi nhạc không lời. Đã đến những nơi này thì người ta ít nói chuyện được, chủ yếu để thưởng thức nhạc. Cao hứng thì đề nghị ban nhạc chơi theo yêu cầu. Dưới ánh đèn mờ huyền ảo, được thả mình trong tiếng đàn violin réo rắt mới cảm nhận được sự nhẹ nhõm sau một ngày bận rộn.

Không biết từ bao giờ ở Đà Nẵng đã xuất hiện những phố cà-phê. Nằm ở trung tâm thành phố nhưng những con phố này không bị lây cái náo nhiệt, ồn ào. Vì lẽ đó mà những quán như Davie, Vườn Hồng, 3G ở đường Ba Đình được khách ghé nhiều lần. Theo đà đô thị hóa, ở những khu vực mới phát triển của thành phố Đà Nẵng cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều quán cà-phê. Lợi thế của những quán này là không gian rộng như quán Nguyệt Trúc trên đường Lý Văn Tố, quán Nhà sàn Việt trên đường Phạm Văn Đồng; quán Brown Bean trên đường Hồ Xuân Hương...

Đà Nẵng nhiều quán cà-phê rộng rãi là thế, vậy mà vào những ngày cuối tuần khó mà tìm được một chỗ ngồi ưng ý vì quán nào cũng đông nghẹt khách.

Có người gần như chỉ kết một đến hai quán cà-phê. Có thể vì thói quen, vì tiện đường. Ngược lại, có người lại thích thay đổi địa điểm để có cảm giác khám phá. Nhưng có lẽ xu hướng chung vẫn là chọn cho mình vài quán “ruột”. Có người uống cà-phê bằng vị giác và tỏ ra rất sành trong việc nhận biết vị ngon của từng giọt cà- phê. Có người uống cà-phê bằng cảm giác. Cảm giác được lặng yên. Được nói, cười, chia sẻ. Có nhiều người không bao giờ uống được cà-phê nhưng tuần nào cũng thương nhớ.... cà-phê.

Như Ngọc

;
.
.
.
.
.