.

Hai cô giáo trên đỉnh Pôkadong

.

... Hạnh thấy thấm thía một điều chưa bao giờ cô đã nghĩ đến, cũng chưa có nhà trường sư phạm nào dạy, đó là trước khi làm cô giáo dạy chữ, phải biết vận động dân làng. Trước khi đứng trên bục giảng, đôi chân phải biết đi bộ, phải biết trèo qua những ngọn núi, lội qua những con sông, con suối đến từng mái nhà để động viên học sinh đến lớp...

Trèo đèo, lội suối đưa chữ lên non

Học trò vùng cao. Ảnh: Hoàng Nhung

Khi bình minh vừa ló dạng, đỉnh núi Pôkadong còn đang thiêm thiếp trong tấm chăn mây mù thì cô giáo Hồ Thị Hạnh đã thức giấc. Cái rét buốt ở vùng cao Phước Thành, Phước Sơn, Quảng Nam rất khắc nghiệt, khiến cô giáo trẻ người Kinh phải rùng mình dù cô đã gắn bó với mảnh đất này gần chục năm rồi. Tiếng trống trường đột ngột gióng lên như xua tan bớt đi cái rét lạnh sương giá. Trong nếp nhà thấp lè tè của làng người Bhnong lấp lánh những ánh lửa, mùi khói, mùi tro củi, khói bụi ngai ngái. Những em bé Bhnong, Cadong co ro trong cái giá lạnh vừa đi vừa dụi mắt, i ới gọi nhau: “Tập thể dục đi”, cô giáo Hạnh gọi rồi đấy!...

Cô Hạnh kể, bữa ăn thường xuyên của các em vẫn chỉ là cơm, canh rau và muối ớt. Các em bé buổi sáng đến trường thường mang theo một nắm cơm, có em còn nhịn đói. Nhưng đối mặt đầu tiên của cô Hạnh chưa phải là dạy chữ, mà là cái lạnh, cái rét của trẻ. Nhiều em đến trường phong phanh chỉ một chiếc áo mỏng, có em còn đi chân đất. Như em Hồ Thị Như, cha mẹ bỏ nhau, Như phải ở với ông bà ngoại. Nhiều hôm em đến trường, mặt môi tím tái vì rét, cô phải lấy quần áo của con mình cho Như mặc. Những ngày đông giá, cô Hạnh đốt một đống lửa giữa lớp cho cả cô và trò có chút ấm áp để ngồi học.

Các em học sinh đều là người dân tộc Bhnong, Cadong, còn chương trình, sách giáo khoa bắt buộc phải dùng tiếng Việt. Thế là cô giáo phải dùng cả hai, ba thứ tiếng bổ sung cho nhau để trẻ có thể hiểu nghĩa. Cô và trò cứ như đánh vật với chữ và nghĩa, với những phép tính đơn giản. Trẻ em dân tộc nhút nhát, nên có nhiều em dạy mãi cũng không viết được, vì không chịu bắt chước cô giáo.

Cô Hạnh không nhớ đã bao mùa rẫy đi qua, nhưng cô nhớ rất rõ ngóc ngách các nóc nhà của người Bhnong, Cadong ở các thôn, làng ở cái xã này phải qua bao nhiêu con suối, bao nhiêu ngọn núi. Bước chân của cô quá quen với con đường mòn xuyên rừng, con đường tắt đến mỗi nóc nhà vận động các ông bố (cha), bà mâm (mẹ) để các em bé được đến lớp. Hạnh thấy thấm thía một điều chưa bao giờ cô đã nghĩ đến, cũng chưa có nhà trường sư phạm nào dạy, đó là trước khi làm cô giáo dạy chữ, phải biết vận động dân làng. Trước khi đứng trên bục giảng, đôi chân phải biết đi bộ, phải biết trèo qua những ngọn núi, lội qua những con sông, con suối. Cái danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, danh hiệu giỏi việc trường, đảm việc nhà mà cô được bình bầu thấm đẫm không biết bao mồ hôi, công sức và cả nghị lực vượt khó, tình yêu với con người, niềm yêu thương những đứa trẻ...

Về phía tây trên đỉnh Pôkadong, một cô giáo cũng đang làm những công việc thầm lặng như Hạnh, đó là cô giáo Phạm Thị Hồng Phương, can đảm bám trụ giữa nơi thâm sơn cùng cốc xã Phước Lộc. Bàn chân cô Phương thuộc lòng từng lối mòn, khe suối, mỗi nóc nhà ở những thôn, làng nghe như trong truyện cổ tích: đỉnh núi thôn Ka đủh, Lô lố, Pael… để vận động các em bé dân tộc Bhnong, Cadong đến lớp. Nhưng cô Phạm Thị Hồng Phương còn gian khổ hơn cả cô Hồ Thị Hạnh, bởi nơi đây núi rừng heo hút hơn, không điện, không đài, không quạt, không tivi. Hẳn những ngọn núi cao, những con suối sâu, những con sông dài mà Phương đã trèo, đã lội qua, chỉ có trong những trang văn, trang sách của tuổi học trò ở phổ thông. Giờ những thôn, làng, những núi cao, con sông rộng, những suối sâu ấy đã trở thành một phần máu thịt trong cuộc đời của cô rồi.

Yêu trẻ với cả tấm lòng

Cái cách cô Phương giữ học trò, “dụ” học trò đến lớp thật là đặc biệt, thật bất ngờ, nhưng cũng rất dễ thương. Dạo đó, nhiều nhà ở làng Pael bị đói. Thương trò quá, buổi sáng dạy học, buổi chiều lên nương, rẫy trồng sắn, bắp, như mọi người đàn bà Bhnong, Cadong tần tảo chịu thương, chịu khó. Thu hoạch rồi hôm nào cô cũng thức dậy sớm, nấu củ sắn mang lên lớp. Bọn trẻ lớp ghép ở bậc tiểu học miền núi đã quá quen cái hình ảnh “mẹ Phương” đem sắn luộc đến lớp. Cũng vì thế, qua bao mùa khô, mùa mưa đói kém ở cái đất bazan khát gạo, khát chữ này, lớp học của cô giáo Phương lúc nào cũng đông đủ, hiếm có ngày học sinh vắng mặt. Có lúc thấy các em nhếch nhác, bẩn thỉu, cô Phương dẫn các em ra suối tắm, vá áo, vá quần cho từng đứa.

Điều cô giáo Phương ngỡ ngàng và day dứt nhất ở các thôn, làng của người Bhnong, Cadong trên đỉnh Pôkadong này là hủ tục tảo hôn. Nhiều đứa học trò mới học hết lớp 5, 6 đã bắt vợ, bắt chồng. Ban ngày cô lên lớp dạy học, ban đêm xách đèn, đi đến từng nhà của các già làng vận động đồng bào ở đây bỏ hủ tục tảo hôn bằng tiếng Bhnong, Cadong mà cô đã học từ khi mới bước chân vào làng Peal, làng Kađủ. Đến những bản làng lọt thỏm giữa núi rừng trùng điệp, các già làng, các ông bố, bà mâm nghe cô nói mà gật đầu, ưng cái bụng. Cô Phương còn vận động các đoàn viên thanh niên ở các thôn, làng. Từ đó, nạn tảo hôn những năm gần đây đã giảm dần…

Vậy nhưng không phải lúc nào cô cũng thành công. Ngay mới đây thôi, hai học trò của cô đã phải lòng với nhau sau khi học hết lớp 7. Nghe tin, cô đến tận nhà khuyên giải, nhưng rồi lại đành chịu bó tay. Đám cưới vẫn diễn ra ngoài sự mong đợi. Cả làng Peal uống rượu thâu đêm, suốt sáng. Bà con làng khác cũng sang mừng. Có rượu, có thịt, có cồng, có chiêng, mà cô giáo Phương lại thấm đượm nỗi buồn. Nỗi buồn ấy giống như sợi tơ rừng da diết, khiến cô thấy bản thân mình cần phải gắn bó với làng bản, với đỉnh Pôkadong này hơn...

Cũng không phải chỉ có cô Hồ Thị Hạnh hay cô Hồng Phương, ở một vài huyện miền núi vùng cao của tỉnh Quảng Nam, biết bao nhiêu cô giáo đã âm thầm hy sinh bản thân mình để đem cái chữ đến với đồng bào. Để đem văn minh, văn hóa đến các thôn, làng, vì tương lai của các em thơ người dân tộc, các thầy, cô đã can đảm, tận tụy hết mình với sự nghiệp trồng người giữa miền sơn cước...

CAO ANH

 

;
.
.
.
.
.