.

Rong ruổi chân nghèo

.

Sau mỗi vụ nông nhàn, nhiều người phụ nữ rời miền quê lam lũ lên thành phố buôn bán, kiếm thêm thu nhập. Mỗi người là một câu chuyện, một mảnh đời được lồng ghép vào nhau để tạo thành hai chữ số phận.

Những cuộc đời lam lũ

Mỗi tấm vé bán ra, họ lời được 500 đồng.

Như thành thói quen, chuyện đi-về giữa Đà Nẵng và Quảng Ngãi của chị Trần Thị Hồng (xã Ba Động, huyện Ba Tơ) trở thành chuyện cơm bữa. Ở tuổi 42, nhưng tóc chị đã sớm ngã bạc bởi cuộc sống lam lũ. Sinh ra ở một xã miền núi nghèo, cách thành phố Quảng Ngãi 60 cây số về hướng Tây Nam, chị Hồng sớm có tuổi thơ cơ cực. Nghỉ học khi lên 11 tuổi, chị bước vào đời bằng nghề giúp việc cho người quen của gia đình tại Đà Nẵng. 17 tuổi chị về quê lấy chồng rồi sinh con, mơ về một cuộc sống bình dị và hạnh phúc. Nhưng rồi chồng phát bệnh suy tim, không thể làm những công việc nặng nhọc, gánh nặng gia đình đè nặng lên vai chị. Hơn 10 năm qua, chị thay chồng nuôi 4 đứa con ăn học, làm tất cả công việc của một người đàn ông trong gia đình. Cũng từng ấy năm, chị quay lại Đà Nẵng làm đủ thứ việc, từ phụ hồ cho các công trình xây dựng đến bán ve chai, và cuối cùng chị chuyển hẳn sang công việc bán vé số.

Không ai nghĩ người phụ nữ này đã từng là công nhân tại các công trình xây dựng. Chị tâm sự: “Làm công nhân ở các công trình, họ trả công khá cao nhưng việc này nặng nhọc lại không ổn định. Hết công trình ở phố lại phải lên núi làm đường. Phận đàn bà nên chị chuyển qua buôn bán ve chai, nghề này không cần vốn nhưng mỗi ki-lô-gam giấy chỉ lời được 500 đến 1.000 đồng nên rất khó sống. Có lẽ bán vé số là ổn định hơn cả. Mình chỉ phải đi nhiều, ít lo lắng hơn”.

Phải chăng, cũng vì cách nghĩ đơn giản “đi nhiều, ít lo lắng” nên nhiều phụ nữ rời quê lên thành phố thường chọn bán vé số là một nghề để kiếm sống. Chưa kể cứ khoảng 10 ngày, nửa tháng, chị Hồng lại tất tả đón xe về quê thăm chồng con và chăm mấy sào ruộng, rồi lại lỉnh kỉnh mang ra phố vài lon gạo, mấy củ khoai...

Chị Nguyễn Thị Liên, một người quen của chị Hồng cũng làm nghề bán vé số dạo nói như chia sẻ khi gặp bạn: “Chồng chị vừa gọi điện ra nói con gái đang ốm nặng. Có lẽ trưa nay chị phải về gấp. Em cầm xấp vé này trả lại đại lý giúp chị nghe”, vừa nói chị Liên vừa đưa tay quẹt mồ hôi đang chảy dài trên chiếc cổ đen sạm vì nắng. Chị Hồng lấy ra gần 100.000 đồng đưa cho chị Liên mượn. Hai người phụ nữ nhìn nhau với ánh mắt ẩn chứa sự cảm thông cho cuộc sống cơ hàn.

Rong ruổi qua khắp phố phường, mỗi ngày những người phụ nữ này đi bộ hàng chục cây số. Hầu hết các khu vực trên thành phố đều có những nhóm người đi bán vé số. Sự phân chia địa bàn này không rõ ràng nhưng vì cùng cánh phụ nữ với nhau, lại chung cảnh ngộ nên không ai chen chân với ai. Thỉnh thoảng trên đường đi bán, gặp nhau, các chị lại tụm lại nghỉ ngơi dưới một gốc cây nào đó, tâm sự những chuyện vui buồn trên con đường mưu sinh.

Nỗi niềm ở trọ

Chị Huyền, một người bán vé số ở trọ trên đường Trần Phú cho biết, nếu muốn gặp những người bán vé số trọ ở đây, chúng tôi chỉ nên đến sau 9 giờ tối. 9 giờ 30 tối, chúng tôi đến thì chỉ gặp được chị Tâm, quê ở Núi Thành, Quảng Nam. Chị xin phép ngồi dưới nền nhà duỗi chân cho đỡ mỏi. Chị bảo, nghề này nó hành cái chân mình tơi tả, tối nào cũng phải xoa bóp một lát mới ngủ được. Đã gần 10 giờ nhưng chị vẫn chưa ăn cơm vì “chị chờ mọi người đi bán về hết rồi ăn một lượt cho vui. Hơn nữa thức ăn không nhiều, ăn trước khó dành phần cho người sau”.

T.V.Hà (21 tuổi) nghe giới thiệu chúng tôi là nhà báo, cậu cười lớn: “Em không có sức khỏe nên phải đi bán vé số, chứ bạn em lên núi làm công nhân thủy điện A.Vương, sông Tranh hết, lương tháng vài triệu. Còn bán vé thì mỗi ngày chỉ kiếm được vài ba chục ngàn, lại còn phải phụ giúp gia đình nên chi tiêu cực lắm”. Trong câu chuyện bỗ bả của những người dân quê, thỉnh thoảng Hà lại pha chuyện tiếu: “Sáng sáng vào bán ở mấy chỗ người ta hay ăn sáng, nhìn tô bún bốc khói nghi ngút mà thèm chảy nước miếng”. Nói xong cậu lại cười giòn tan.

Chị Tâm bảo, xóm trọ nhờ có thằng Hà nói chuyện tiếu mà các chị cảm thấy đỡ cô đơn, đỡ nhớ nhà. Ăn tối xong, thấy chị Tâm sắp xếp lại túi đồ, Hà nhanh miệng: “Mai chị lại về à?”. Chị Tâm gật đầu: “Ngày kia nhà có giỗ, chị về thu xếp, tranh thủ đi nhổ cỏ lúa luôn. Đi bán thế này chứ việc đồng áng, ruộng vườn không bỏ được, nếu không cuối mùa không có gạo mà ăn”. Hà gãi đầu: “Chị về đem ra ít gạo nghe, gần hết rồi. Nói giúp má em gửi ra ít đậu phụng để rang ăn dần”. Nói đoạn, Hà móc túi lấy ra khoảng gần 200.000 đồng gửi chị Hà đem về cho má. Chúng tôi im lặng lắng nghe câu chuyện giữa hai chị em, để hiểu nhiều hơn về cuộc sống của họ.

Tại một số dãy nhà trọ khác trên đường Trần Cao Vân, Nguyễn Công Trứ..., giá thuê mỗi ngày là 5.000 đồng với người lớn, 3.000 đồng với trẻ em. Mỗi nhà trọ như vậy có gần 20 người buôn bán đa nghề từ vé số, ve chai, đánh giày đến bán hàng rong. Ăn trễ, đau nhức tay chân, sống chen chúc trong căn phòng chật hẹp đã là chuyện thường ở đây. Đó là chưa kể đến việc bị cướp vé số, những nguy hiểm luôn rình rập với những người đàn bà lầm lũi đi bán trong đêm. Nhưng dường như đối với họ, chỉ cần có một chỗ ngã lưng sau một ngày dài rong ruổi trong cảnh xa chồng, nhớ con là đủ, với ước mơ kiếm đủ tiền gửi về quê trang trải cuộc sống…

HUỲNH LÊ

 

 

;
.
.
.
.
.