Pháp luật & Công dân

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6-2018

.

Quy chế xét thăng hạng giảng viên đại học công lập

Từ 1-6-2018, Thông tư 12/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, công tác xét thăng hạng được chuẩn bị như sau:

Cơ quan, đơn vị được phân công xây dựng kế hoạch và ra quyết định thành lập Hội đồng xét thăng hạng CDNN giảng viên hạng II; trình Bộ Nội vụ ra quyết định đối với giảng viên hạng I; Hội đồng xét thăng hạng thông báo nội dung xét thăng hạng CDNN viên chức; Tổ thư ký tổng hợp danh sách ứng viên dự xét thăng hạng CDNN; trình Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng quyết định danh sách ứng viên tham dự; Trước ngày tổ chức xét thăng hạng ít nhất 1 ngày, Tổ thư ký phải hoàn thành các công tác chuẩn bị cho kỳ xét thăng hạng, chuẩn bị các mẫu biểu liên quan đến tổ chức xét thăng hạng.

Công khai danh sách người có chứng chỉ hành nghề dược

Theo quy định tại Thông tư 07/2018/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ 1-6-2018, các cơ sở kinh doanh dược phải thông báo đến Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương danh sách người có Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề tại cơ sở.

Thời hạn thông báo là 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động hoặc từ ngày có sự thay đổi về người được cấp Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề. Thông tư có một số điểm mới cần lưu ý, đó là thay đổi quy định về điều kiện của người được cấp thẻ “Người giới thiệu thuốc”.

Cụ thể, người giới thiệu thuốc phải đáp ứng các yêu cầu: Có trình độ cao đẳng chuyên ngành y, dược trở lên; (theo quy định hiện hành chỉ cần trình độ trung cấp trở lên), được cơ sở kinh doanh dược tuyển dụng và huấn luyện, đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến hoạt động giới thiệu thuốc và văn bản quy phạm pháp luật về dược.

Hướng dẫn làm hồ sơ công nhận nghề truyền thống

Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ 1-6-2018 quy định một số nội dung, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề. Theo đó, hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống bao gồm các giấy tờ sau:

Bản tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của nghề truyền thống; Bản sao giấy chứng nhận, huy chương đã đạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao được cấp tỉnh, thành phố trở lên trao tặng (nếu có); Đối với những tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hóa dân tộc của nghề truyền thống; Bản sao giấy công nhận Nghệ nhân nghề truyền thống của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

Theo quy định, UBND cấp huyện lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống theo tiêu chí và trình UBND cấp tỉnh xét công nhận. Trong vòng 30 ngày làm việc, UBND cấp tỉnh, thành phố  thành lập Hội đồng xét duyệt, chọn những đối tượng đủ tiêu chuẩn và ra quyết định và cấp bằng công nhận nghề truyền thống.

Thêm tiền thưởng cho Thẩm phán và Thư ký Tòa án

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư 01/2018/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao quy định công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân, có hiệu lực từ 8-6-2018. Theo đó, bổ sung một khoản tiền thưởng là tiền khung dành cho những cá nhân, tập thể làm việc trong ngành Tòa án, cụ thể:

Mức tiền thưởng không quá 0,2 lần mức lương cơ sở đối với 1 khung bằng khen, giấy chứng nhận dành cho các giải thưởng cá nhân; Riêng với các giải thưởng tập thể thì mức tiền khung không quá 0,15 lần mức lương cơ sở. Ngoài ra, các mức tiền thưởng và chế độ ưu đãi khác sẽ được tính theo quy định tại các điều từ 68 đến điều 75 của Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017. Thông tư 01/2018/TT-TANDTC thay thế Thông tư 04/2016/TT-TANDTC ngày 16-9-2016.

Diệu Minh tổng hợp

;
.
.
.
.
.
.