Ký sự Pháp đình

Yêng hùng "lửa rơm"

.

Thích “chứng tỏ” bản lĩnh, không ít thanh niên đã sử dụng vũ lực chỉ vì những nguyên cớ vụn vặt. Ở độ tuổi mười tám, họ lại hoang phí cuộc đời nơi nhà tù sau những cơn “yêng hùng” bất chợt…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Khi vị kiểm sát viên kết thúc phần công bố cáo trạng, nhiều người dự khán ngơ ngác nhìn nhau bởi không thể hiểu được nguyên cớ của thảm cảnh người chết, kẻ vào tù trong vụ án “Giết người” vừa được TAND thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 24-1.

Chuyện xảy ra vào tối 5-4-2017, T.T.A (SN 2001) chở N.T.T đến vòng xuyến ở khu vực Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang ngồi chơi cùng một số người bạn. Lúc này, thấy một thanh niên rồ ga nổ máy lớn tiếng đi ngang qua, A. rủ T: “Chạy theo coi thử là ai”. Khi đuổi theo kịp xe của người nọ, A. hỏi: “Mi làm chi mà nẹt pô ghê rứa”. N.V.H (SN 1998) kéo khẩu trang xuống đáp lời: “Tao thích thì tao nẹt”. Nhận ra người quen, A. bỏ đi nhưng vẫn không quên buông một câu dằn mặt: “Giết mi chừ Lít (tức H.) nghe”.

Những lời nói qua đáp lại tưởng chừng như vô thưởng vô phạt lại là mồi lửa nhen lên lòng tự ái, giận hờn. Bực tức, H. quay xe lại đi tìm A. để gây sự đánh nhau. Lúc này, anh ruột của H. là N.V.Th (SN 1996) đang chở N.P.T.G (SN 1997) lưu thông gần đó và nhìn thấy em trai nên chạy theo. Vừa đến vòng xuyến, trong cơn lửa giận ngùn ngụt, H. liền lao đến chỗ A. ngồi, đè đầu A. xuống và dùng mũ bảo hiểm đánh.

Thấy bạn bị đánh, T. lấy con dao bấm dạng gấp thủ sẵn trong người ra đâm một nhát vào người H. để giải vây cho A. Ngay lúc này, G. chạy đến định đánh T. nhưng T. quay lại, tránh được. Tuy nhiên, G. vẫn tiếp tục đè T. xuống đánh.

Bị đau, T. dùng dao đâm nhiều nhát để G. phải lùi ra. Sau đó, T. bỏ chạy và được A. chở khỏi hiện trường, đến một quán cà-phê. Tại đây, T. gọi điện cho T.T.M đến để nhờ chút việc. Khi M. đến nơi, T. kể lại sự việc trên và nhờ M. đến vòng xuyến lấy giúp đôi dép cùng vỏ bọc dao đánh rơi tại hiện trường lúc gây án.

Biết T. có hành vi giết người nhưng M. không khai báo với cơ quan chức năng mà vẫn nhận lời giúp đỡ. Ngoài ra, M. còn chở T. đi tìm nhà nghỉ để trốn, mang hung khí gây án của T. về nhà cất giấu. Việc làm của M. đã gây khó khăn cho việc điều tra, truy bắt T.

Hậu quả, G. tử vong, H. thương tích 23%. Tại thời điểm phạm tội, T. chỉ mới 17 tuổi 3 tháng 20 ngày, còn M. 16 tuổi 6 tháng 4 ngày.

2. Đứng ở bục khai báo, gương mặt T. tái xám, lí nhí biện minh về hành động sai trái của mình: “Lúc đó, nhìn thấy bạn bị đánh, bị cáo sốt ruột quá, không nghĩ được điều gì khác hơn nên hành động nông nổi. Còn bị cáo đâm anh G. là vì bị cáo bị đánh đau quá, muốn thoát khỏi vòng vây nên mới…”. M. cũng bối rối giãi bày: “Bị cáo chỉ nghĩ là bạn bè nhờ vả mà không giúp đỡ thì kỳ quá. Bị cáo không ngờ lại ra cớ sự này…”.

Hội đồng xét xử phân tích với T: “Bị cáo thấy bạn mình bị đánh lẽ ra phải can ngăn để xoa dịu tình hình; đằng này, bị cáo lại làm tình hình thêm nghiêm trọng hơn. Bị cáo xót bạn của bị cáo, anh G. cũng xót bạn của anh G. rồi cả hai cùng sử dụng vũ lực. Có rất nhiều cách để giải vây cho bạn mình trong ôn hòa, sao bị cáo lại không dùng để rồi phải đánh đổi tuổi trẻ của mình. Bị cáo có nuối tiếc không?”.

Quay qua M., hội đồng xét xử nói: “Bạn bè giúp đỡ nhau là chuyện đương nhiên nhưng không phải bạn nhờ gì cũng làm, có những khi mình phải biết cách từ chối. Bị cáo thương bạn thì nên khuyên bạn ra đầu thú mới đúng, bị cáo hiểu chưa?”.

Nghe hội đồng xét xử phân giãi thiệt hơn, cả hai đều cúi gằm mặt. Những đôi bàn tay bối rối khi thì siết chặt vào nhau, khi lại lúng túng vò nát vạt áo. Nói lời sau cùng, cả hai rưng rức xin lỗi, bày tỏ nỗi ăn năn muộn màng và mong muốn nhận mức án nhẹ để có thể sớm làm lại cuộc đời.

Chỉ vì không làm chủ được lửa giận, T. đã phải đánh đổi tuổi trẻ của mình bằng 16 năm tù về tội “Giết người”. Còn M. đã nhận được bài học lớn với mức án 9 tháng 16 ngày tù về tội “Che giấu tội phạm”. Án tuyên, đôi mắt các bị cáo hoe đỏ, lầm lũi ra xe về trại tạm giam. Với chạy theo phía sau, cha mẹ các bị

cáo giàn giụa nước mắt, không ngừng tự trách bản thân khi không thể quán xuyến, quan tâm con cái nhiều hơn.

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.
.