Ký sự Pháp đình

Cái giá của lòng tham

.

Mờ mắt trước đồng tiền, bị cáo bất chấp quy định của pháp luật, lãng quên hai con thơ đang thiếu thốn tình cảm để lừa đảo và chiếm đoạt tiền của người khác. Cái giá của lòng tham là những ngày tháng lao tù và bản án lương tâm của một người mẹ…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ít ai ngờ người phụ nữ với dáng vóc thấp bé, gương mặt hiền hậu, xinh xắn đứng cúi đầu trước vành móng ngựa lại có thể dùng lời nói mật ngọt để lừa đảo hàng chục người rồi chiếm đoạt tiền tỷ để tiêu xài…

Bị cáo tên H.T.T.N (ngụ quận Cẩm Lệ) năm nay tròn 30 tuổi, bị TAND thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 23-1. Cáo trạng thể hiện, chỉ trong vòng một năm, N. đã lừa 56 người, chiếm đoạt gần 1,1 tỷ đồng. Đến dự tòa, nhiều bị hại vẫn thì thầm nói với nhau: “Trời ơi, nhìn gương mặt xinh xắn như rứa, có ai ngờ đâu lại nhẫn tâm lừa người, hại mình”. Nhiều người trong số họ chưa từng gặp bị cáo. Cầu nối khiến họ điêu đứng vì N. là ông N.M (67 tuổi, quê Quảng Nam), người có mối quan hệ tình cảm với bị cáo.

Trong quá trình quen biết, N. nhỏ to, mật ngọt với ông M. là có mối quan hệ quen biết với lãnh đạo một công ty lớn, có thể xin việc làm tại nhiều vị trí khác nhau. N. thủ thỉ, nhờ ông M. giới thiệu những người có nhu cầu. N. đưa ra mức chi phí xin vào làm công nhân là 5 triệu đồng; bảo trì điện, lái xe là 10 triệu đồng; văn phòng là 20 triệu đồng. Đồng thời, hứa hẹn sẽ trích lại khoản tiền môi giới tùy theo số tiền đã nhận từ người nhờ.

Tin tưởng N., ông M. nhiệt tình tìm “khách”. Trong khoảng thời gian từ tháng 7-2015 đến tháng 7-2016, qua sự giới thiệu của ông M., N. nhận tiền và 53 hồ sơ xin việc, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng. Để tránh bị phát hiện, N. dùng các số điện thoại khác nhau gọi cho những người xin việc xưng là người của công ty và nói hồ sơ của họ đã được duyệt, hẹn ngày đi làm. Chờ đợi lâu mà vẫn chưa được đi làm, các bị hại liên tục hối thúc. Lúc này, N. làm con dấu và quyết định tuyển dụng giả để đưa cho những người xin việc; đồng thời, hỗ trợ chờ việc làm cho mỗi trường hợp từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng. Không những vậy, N. còn rao tin là có chung cư của người thân cần bán gấp và chiếm đoạt của 3 người khác 73 triệu đồng.

Hội đồng xét xử hỏi: “Bị cáo có tuổi đời còn trẻ nhưng lại dùng thủ đoạn gian dối lừa người khác để rồi phải ra đứng trước tòa. Bị cáo suy nghĩ gì về việc làm của mình?”. N. bối rối vò nát vạt áo, hồi lâu mới ngập ngừng nói: “Cha của bị cáo bị ung thư, hai con thơ còn nhỏ (một 9 tuổi, một 5 tuổi - PV), chồng lại đang chấp hành án phạt tù nên hoàn cảnh gia đình của bị cáo rất ngặt nghèo. Bị cáo túng quẫn quá mới làm liều…”.

Nghe những lời này, hội đồng xét xử nghiêm giọng: “Bị cáo nói hoàn cảnh của mình khó khăn thì trước tiên bị cáo phải cố gắng đi làm, nỗ lực vượt qua đói nghèo chứ. Đằng này, bị cáo lại không có nghề nghiệp gì cả. Bị cáo đừng đổ lỗi cho cái khổ. Rất nhiều người có gia cảnh khốn cùng hơn bị cáo nhưng họ vẫn miệt mài vươn lên bằng chính sức lao động của mình…”. N. cúi đầu, im bặt.

Lời nói sau cùng, N. rấm rức khóc, tha thiết xin tòa xem xét cho bị cáo cơ hội sớm trở về nhà để chăm lo cho hai con thơ và cha già đang bệnh nặng. “Giờ mà bị cáo đi tù thì hai đứa con của bị cáo không biết sẽ ra sao”, N. nghẹn ngào.

Nơi hàng ghế dự khán, tiếng ai đó lao xao: “Biết trước như thế này thì hồi đó đừng phạm tội, chừ hối hận thì cũng đâu có cứu vãn được”. Một bị hại khác xót xa: “Nhà tui cũng khổ đâu kém, phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để đưa tiền cho cô với hy vọng có việc làm sẽ bớt khổ. Cô nỡ lòng nào đẩy nhà tui vào ngõ cụt như ri. Cô nghĩ cho gia đình mình, ai nghĩ cho gia đình tui?”.

Tòa tuyên N. 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gương mặt N. tái xám, giàn giụa nước mắt. Chỉ vì mờ mắt trước cám dỗ đồng tiền, N. đã đánh rơi tuổi thanh xuân đang độ rực rỡ nơi chốn lao tù và tước đoạt luôn tình thương của người mẹ dành cho hai đứa con thơ vốn đã thiếu vắng sự quan tâm của cha. Cái giá phải trả cho lòng tham là quá đắt!

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.
.