Ký sự Pháp đình

Khi phạm tội có nghĩ đến người thân?

.

Đó là điều đau đáu mà Hội đồng xét xử TAND thành phố liên tục hỏi bị cáo L.Đ.T.T (SN 1994, ngụ quận Ngũ Hành Sơn) trong phiên xử sơ thẩm ngày 27-9.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chỉ vì chuyện cỏn con, bị cáo lại thích “chứng tỏ” bản lĩnh để rồi phải đối diện với vành móng ngựa sau cơn “yêng hùng” bất chợt.

Theo cáo trạng, chuyện bắt đầu vào tối 2-10-2016, khi T. đang đi trên đường tại khu vực phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) thì bị 4 thanh niên (không rõ lai lịch) đi 2 xe máy đuổi theo đòi đánh. Bỏ chạy về được đến nhà, T. ấm ức, tức tối nên điện thoại cho bạn, nhờ bạn mang theo mã tấu để đi tìm đánh 4 thanh niên kia.  

Khoảng 22 giờ cùng ngày, T. thấy anh P.C.A.Đ (SN 1989, ngụ quận Liên Chiểu) đang ngồi nhậu ở một con hẻm trên đường Bùi Tá Hán thì bảo bạn chạy xe vào xem thử. Bạn của T. đứng phía ngoài đợi, còn T. đến chỗ bàn nhậu hỏi: “Có thấy 4 thanh niên đi xe vô đây không?”. Khó chịu với cách hỏi của T., anh Đ. trả lời “Ai biết mi”. Chuyện nhỏ hóa to, đôi bên lời qua tiếng lại. Bực tức, T. lấy ghế nhựa ở bàn nhậu đánh anh Đ. nhưng không trúng. Chưa nguôi cơn giận, T. đi đến chỗ người bạn,  mở cốp xe lấy mã tấu chém một nhát trúng đầu anh Đ. khiến nạn nhân mang thương tích 30%.

“Chuyện chẳng có chi mà răng cũng chém người cho được rứa không biết? Người ta có gây thù chuốc oán gì với mình đâu?” - phòng xử lao xao tiếng bàn tán khi bản cáo trạng vừa được công bố xong khiến bị cáo sượng sùng, cúi gằm mặt xuống đất.

Mở đầu phần xét hỏi, hội đồng xét xử hỏi nguyên cớ bị cáo chém bị hại, T. lí nhí: “Bị cáo tưởng anh Đ. với bạn ảnh là hai trong số bốn thanh niên đã rượt đuổi bị cáo…”. Tiếng trả lời rụt rè, đứt quãng, nhỏ dần. “Tại bị cáo tức giận những người đã đuổi đánh bị cáo. Bị cáo giận quá nên không làm chủ được hành vi của mình. Bị cáo lúc đó nóng nảy quá”, T. bối rối bấu chặt những ngón tay đang run rẩy vào vành móng ngựa.

Tòa tiếp tục hỏi: “Bị cáo đã về đến nhà bình an, lành lặn rồi, chuyện gì cũng có thể bỏ qua được. Đằng này, bị cáo lại ưa “chứng tỏ” bản lĩnh để rồi vô cớ gây sự, chém bị thương người vô tội. Năm 2016, bị cáo từng bị Công an phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn xử phạt hành chính về hành vi đánh nhau rồi, tại sao bị cáo lại không rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân để tiết chế cảm xúc của mình? Bị cáo nghĩ như thế nào về hành vi phạm tội của mình?”. Suy nghĩ hồi lâu, bị cáo khẽ gật đầu: “Tất cả là lỗi của bị cáo. Bị cáo ân hận lắm”.

“Bị cáo được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng, có trình độ học vấn 12/12; vậy khi phạm tội, bị cáo có nghĩ đến nỗi vất vả và sự kỳ vọng mà cha mẹ dành cho mình không? Ông bà của bị cáo là những người có công với đất nước, được tặng thưởng huân chương; vậy bị cáo có nghĩ đến nỗi buồn, đau đớn của ông bà khi biết tin cháu mình có hành vi sai trái không? Con của bị cáo chưa tròn hai tuổi, bị cáo có nghĩ cho con thơ khi thiếu vắng tình thương, sự giáo dục của cha không? Bị cáo đã bao giờ nghĩ đến người thân của mình chưa?”, tòa chất vấn. Đôi mắt hoe đỏ, bị cáo líu ríu lời xin lỗi muộn màng.

Vì nhiều nguyên do, bất cứ ai trong chúng ta đều có lúc nảy sinh cơn giận. Tiếc rằng, nhiều người đã không thể kìm nén hoặc xử lý cơn giận một cách bình tĩnh và thỏa đáng. Có những cơn giận bốc cháy ngùn ngụt, đưa cuộc đời nhiều người rẽ lối vào cửa tù, như bị cáo T. Hành xử của T. khiến tôi nhớ đến những dòng chữ của Les Carter: “Chúng ta thường không làm chủ bản thân, cứ để nóng giận kéo đi vì những chuyện rất nhỏ”. Và T., chỉ vì lý do tưởng chừng như không đâu vào đâu, vì “giận mất khôn” mà đánh mất 8 năm tuổi trẻ sau song sắt nhà giam.

Giá mà T. kìm được lửa giận thì đã không khiến người vô tội bị tổn thương. Không những tự khép lại tương lai của bản thân, T. còn tước đi tuổi thơ đủ đầy tình thương của con trẻ. Cái giá phải trả cho cơn giận là quá đắt…

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.