Ký sự Pháp đình

Vết xe đổ

.

Chỉ vì chuyện cỏn con, bị cáo thêm lần nữa đi vào vết xe đổ. Không chỉ gửi một thời tuổi trẻ trong chốn lao tù, bị cáo còn tước đoạt của con thơ sự yêu thương và chăm sóc của người cha...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Năm 17 tuổi, N.T.T (SN 1991, ngụ quận Liên Chiểu) ra tòa về hành vi “Trộm cắp tài sản”. Rời cánh cửa nhà giam, T. không hối cải để làm lại cuộc đời mà liên tục phạm các tội “Trộm cắp tài sản”, “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “Gây rối trật tự nơi công cộng”.

Sau nhiều lần vào tù ra tội, T. thức tỉnh, quyết tâm quay về nẻo thiện. Người thân mừng tủi thấy T. chí thú làm ăn, lập gia thất và đón chào đứa con đầu lòng. Cứ ngỡ, tổ ấm nhỏ cùng vợ hiền, con thơ sẽ khiến T. toàn tâm thay đổi, làm lại cuộc đời. Nào ngờ, T. tiếp tục đi vào vết xe đổ.

Lần này, 26 tuổi, T. ra tòa về hành vi “Giết người”.

Sau vành móng ngựa, gương mặt non trẻ của T. không một chút rụt rè, sợ sệt. Nhìn dáng vẻ cao ráo, thư sinh trong chiếc áo sơ-mi trắng dài tay của T., chẳng ai nghĩ rằng lý lịch của bị cáo đã bị tô vẽ nhiều vết mực đen. Trái với sự bình tĩnh ở trên, phía dưới hàng ghế dự khán là người thân của bị cáo nhấp nhổm theo dõi phiên xử với sự lo lắng in hằn trên gương mặt căng thẳng và quầng mắt thâm sẫm…

Lần trở về con đường cũ này của T. khởi nguồn từ một nguyên cớ chẳng đâu vào đâu. Đêm 21-2-2016, T. và người bạn N.L.K.Hg ngồi uống bia cùng bạn bè tại quán nhậu do vợ chồng T. làm chủ. Sau chầu nhậu, Hg. có việc ra ngoài. Trên đường đi, Hg. trượt ngã trước một quán nhậu trên đường Ông Ích Khiêm. Cùng lúc, hai nhóm nhậu tại đây xảy ra cãi vã. Nghe tiếng la mắng, Hg. nghĩ những người đang ngồi nhậu nói mình nên lời qua tiếng lại với họ, trong đó có anh Đ.X.H và N.V.P. Mâu thuẫn ngày càng gay gắt, P. tát Hg. hai cái.

Tức tối, Hg. về lại quán nhậu của T. và kể cho T. nghe vụ việc. Vừa nghe xong, T. nổi máu “anh hùng rơm” nói: “Chị để đó em qua nói chuyện, em giải quyết cho”. Thấy T. hùng hổ đòi đi, Hg. lo lắng nên can ngăn nhưng bất lực. Đến nơi, T. đến bàn anh H. ngồi và hỏi: “Bôn là ai?” (tức H.). Vừa dứt lời, T. rút cây kéo cất giấu trong túi quần ra đâm anh H. một nhát khiến nạn nhân mang tỷ lệ thương tích 63%.

Hội đồng xét xử đau đáu: “Chỉ vì một chuyện cỏn con không liên quan đến mình mà bị cáo hành xử hung hăng như vậy, bị cáo có thấy lỗi của mình không? Bị cáo đã nỗ lực làm lại cuộc đời, tại sao lại không suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định làm điều gì đó. Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có nghĩ đến hậu quả do mình gây ra không, có nghĩ đến con thơ đang cần sự chăm sóc và yêu thương của người cha không?”. Nghe những lời này, T. lặng thinh, cúi đầu thật thấp, mắt hoe đỏ, đôi bàn tay bối rối bám víu vào vạt áo.

Khi được nói lời cuối cùng tại tòa, T. lí nhí: “Bị cáo thật sự ăn năn, hối hận trước những việc mình đã gây ra. Hoàn cảnh gia đình của bị cáo rất khó khăn, bị cáo lại là lao động chính nên vợ và con của bị cáo không biết nương tựa vào ai. Bị cáo mong hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo mức án nhẹ để bị cáo được sớm trở về với gia đình và cố gắng thay đổi”.

TAND thành phố tuyên phạt T. 11 năm tù về tội “Giết người”. Thất thểu ra xe về trại giam, T. không ngừng ngoái đầu về sau tìm kiếm bóng dáng vợ con với ánh mắt chất chứa sự ân hận muộn màng. Trong 11 năm T. trả giá về hành vi bồng bột của mình, con của bị cáo sẽ đi qua tuổi thơ như thế nào khi thiếu thốn tình thương của cha và có thể phải gánh chịu cả lời đàm tiếu của dư luận? Giá mà trước khi phạm tội, bị cáo nghĩ đến phút giây này, biết đâu bị cáo đã hành xử khác đi.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.