Ký sự Pháp đình

Những người trẻ lạc lối

.

Từ quê ra phố, hai người trẻ mang theo khát vọng đổi đời, thoát khỏi cái nghèo đeo bám. Nhưng sự lạc lối của tuổi trẻ đã khiến tương lai của họ phải dừng chân ở chốn lao tù…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1.

Một ngày giữa tháng 7-2017, hàng trăm người dân có mặt tại trụ sở UBND phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) để tham dự phiên tòa lưu động xét xử hai bị cáo N.N.H (SN 1993) và L.V.K (SN 1992, cùng ngụ Quảng Nam) về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Ngồi lẩn trong đám đông, một người phụ nữ gầy gò thỉnh thoảng nấc nghẹn khi nghe lời khai của các bị cáo. Bà là mẹ của bị cáo K.

Sụt sùi, bà kể, nhà của bà và nhà của H. cách nhau không xa nên hai đứa trẻ cùng làm bạn, lớn lên bên nhau, gắn bó như anh em ruột thịt. Bà cũng xem H. như là con ruột của mình nên gọi H. là “con”, xưng là “mẹ”. Cả hai gia đình đều khó khăn, người lớn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để nuôi bầy trẻ thơ nheo nhóc. Ngoài thời gian làm đồng, chồng bà tranh thủ đi phụ thợ hồ, chắt chiu từng đồng để cải thiện cuộc sống gia đình. Trong khi đó, cha của H. để vườn tược lại cho vợ, ra Đà Nẵng chạy xe ôm.

Cũng chính cuộc sống nhọc nhằn ấy, H. và K. đều sớm lở dở chuyện học hành. Đỡ đần gánh mưu sinh giúp cha mẹ, hai người trẻ rủ nhau đi làm thuê, làm mướn dù vẫn đang độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ba năm trước, với mong muốn thoát khỏi cái nghèo chật vật đeo bám dai dẳng, K. và H. xin phép cha mẹ ra Đà Nẵng kiếm việc làm.

Được nhận vào làm tại một quán nhậu, cả hai chắt chiu từng đồng lương gửi về phụ giúp gia đình. Thương con, cha mẹ của hai người trẻ từ chối, động viên các con dành dụm tiền làm vốn cho tương lai. Lòng hiếu thảo và sự chịu thương, chịu khó của hai đứa trẻ khiến những mái đầu bạc ở quê nhà yên tâm phần nào. Họ cũng gửi gắm bao ước vọng về một tương lai tươi sáng nơi con thơ.

Thế nhưng, vui mừng chưa bao lâu thì bà lo lắng khi nghe tin con trai nghỉ làm. Tuy nhiên, mỗi lần K. về nhà, bà lại thấy con trai sắm sửa nhiều áo quần, dùng điện thoại xịn, sắm xe đắt giá, tiền cất đầy ví… Ngạc nhiên, bà hỏi thì K. phân bua đó là do làm ăn khấm khá. Tin tưởng con trai, bà ôm con mừng chảy nước mắt. Nào ngờ, hạnh phúc chẳng tày gang, quãng thời gian sau, bà hay tin con trai và H. bị bắt. “Hôm ấy là một ngày rất dài. Mẹ của cháu H. cũng không tin vào điều ấy, chạy sang nhà tôi hỏi chuyện rồi ngồi khóc. Chúng tôi chỉ biết ôm nhau nức nở trước hiên nhà…”, mẹ của K. nghẹn ngào.

2.

Hôm tòa xử, hai thanh niên với gương mặt non trẻ đứng cúi gằm sau vành móng ngựa. Họ lí nhí cho biết, trong khoảng thời gian làm việc tại quán nhậu, cả hai tình cờ quen biết với một người đàn ông mua bán ma túy. “Từ quê ra phố, cả hai bị cáo đều không hiểu biết nhiều, được người ta mời thì tò mò sử dụng ma túy thử rồi nghiện từ lúc nào không hay. Cũng từ đó, các bị cáo trở thành “chân rết” với nhiệm vụ giao hàng để có tiền tiếp tục sử dụng ma túy…”, bị cáo khai nhận.

Nghiện càng lúc càng nặng, thù lao cho công việc giao “cái chết trắng” không đủ để cả hai thỏa mãn thú vui. Do đó, tháng 12-2015, cả hai bàn tính tách ra làm riêng. Họ liên kết mua hàng của một người tên T. (chưa rõ lai lịch), mỗi lần giao dịch từ 20 đến 300 viên với giá 230.000 đồng/ viên. Sau đó, họ lần tìm đến các quán bar, vũ trường để tìm con nghiện và bán lại giá 300.000 đồng/viên.

Để tránh bị nghi ngờ, cả hai đóng vai là sinh viên, thuê phòng trọ tại phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ). Dãy trọ gồm 20 phòng nhưng duy nhất phòng của hai bị cáo được trang bị điều hòa. Cả hai lấp liếm sự xài sang của mình bằng cách tung tin mình là con nhà giàu nên được cha mẹ “đầu tư”. Hằng ngày, H. và K. ăn mặc khá thư sinh, xách cặp ra khỏi phòng nhằm “đóng vai” đi học. Nhã nhặn với mọi người, không tụ tập tại phòng trọ, họ diễn tròn vai con nhà giàu, ngoan hiền trong mắt những người sinh sống nơi đây. Thế nhưng, cho dù giỏi che đậy cỡ nào thì cả hai cũng không thể trốn khỏi sự tinh mắt của lực lượng chức năng. Sáng 30-5-2016, sau khi đặt mua 400 viên ma túy, cả hai giấu tại hộp bóng đèn treo trên tường của phòng trọ để bán lại cho các con nghiện. Trưa cùng ngày, công an ập vào bắt giữ cả hai cùng số tang vật trên.

Trong quá trình mua bán, H. và K. có thỏa thuận phải ghi rõ ràng ngày, giờ, số lượng bán… vào một quyển sổ. H. khai: “Là bạn thân, điều hai bị cáo sợ nhất là vì tiền bạc mà mất lòng nhau. Do đó, viết nhật ký mua bán vào sổ để có thể đối chiếu lại với nhau…”. Từ quyển sổ này, hành vi phạm tội của các bị cáo được chứng minh rõ ràng. Theo đó, từ ngày 17-12-2015 đến 29-5-2016, hai bị cáo đã 26 lần mua ma túy với tổng số tiền 900 triệu đồng cho 3.835 viên ma túy tổng hợp. Số tiền cả hai thu lại là hơn 1 tỷ đồng.

Nước mắt lưng tròng, H. nghẹn ngào: “Từ quê ra thành phố, cuộc sống có quá nhiều đổi khác. Hai bị cáo thấy cách ăn chơi, chi tiêu hào phóng của người thành phố thì rất thích nên tập tành học theo. Lâu dần thì quen với nếp sống này. Để có tiền tiêu xài, hai bị cáo đã sa ngã rồi lạc lối lúc nào không hay…”. Tiếp lời, K. rưng rưng: “Bây giờ, các bị cáo đều đã nhận ra lỗi lầm của mình. Đánh đổi tương lai, tuổi trẻ bằng những đồng tiền bất chính là điều không nên làm. Bị cáo hối hận lắm. Mong Hội đồng xét xử cho hai bị cáo một cơ hội để sớm có thể sửa sai…”.

Trả giá cho sự lạc lối của tuổi trẻ, H. phải lãnh mức án 11 năm tù, K. lãnh 10 năm tù.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.