Ký sự Pháp đình

Chuyến tàu ảm đạm

.

 Những chuyến tàu và sân ga cuộc đời của mỗi cá nhân đều không giống nhau. Sự khác biệt xuất phát từ việc lựa chọn của mỗi người về cách thức lái chuyến tàu và quyết định dừng lại nơi đâu…

Và M.V.N (SN 1992) quyết định vận hành chuyến tàu của đời mình bằng sự lười biếng và neo cả quãng đời tươi trẻ nơi lao tù.

1. N. là con thứ hai trong một gia đình làm nông nghèo ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Học đến lớp 6 thì N. rời trường lớp, lêu lổng cùng bạn bè. Từ đó, chuyến tàu của N. rẽ dọc rẽ ngang ở những cuộc vui và tạm dừng lại ở tỉnh Long An. Thích hưởng thụ nhưng lười lao động, N. đối mặt với bản án 6 năm tù vì hành vi cướp tài sản khi mới 18 tuổi.

Năm 23 tuổi, N. rời trại giam trước thời hạn, quyết định trở về quê nhà. Sau đó, N. ra Đà Nẵng, lay lắt mưu sinh từ công việc dọn dẹp nhà cửa thuê cho một công ty dịch vụ vệ sinh công trình, nhà cửa. Cũng trong quãng thời gian này, N. nghi ngờ bản thân nhiễm HIV nên tiếp tục sa ngã vào con đường sai trái.
Khi đến các gia đình có nhu cầu dọn vệ sinh nhà mới, N. không tập trung làm việc mà thường để ý kỹ những sơ hở của chủ nhà hoặc nhòm ngó những ngôi nhà lân cận, đặc biệt là những nhà chỉ có phụ nữ và trẻ em, nhằm thực hiện ý đồ xấu. Tháng 9-2016, trong lúc dọn dẹp tại một căn nhà mới ở Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, N. phát hiện cửa chính bị hỏng khóa, không thể thay chốt được nên đột nhập, cướp 1,8 triệu đồng và cố thực hiện hành vi hiếp dâm nhưng bất thành.

Hai tháng sau, cũng trong lúc dọn dẹp nhà, N. để ý sơ hở của một quán cà- phê tại quận Cẩm Lệ. Rạng sáng 23-11, N. đột nhập vào quán cà-phê này, dùng dao đâm và cắt liên tiếp nhiều nhát vào vùng cổ của anh P.Đ.Q (SN 1991) đang ngủ trong quán. Thấy anh Q. nằm bất động, N. tưởng nạn nhân đã chết nên vào phòng chị P.T.M.L (SN 1982, chủ quán cà -phê, chị ruột của Q.), dùng dao uy hiếp nạn nhân để thực hiện hành vi giao cấu rồi cướp 5 triệu đồng. Sau đó, N. bỏ trốn vào miền Nam nhưng vẫn không thoát khỏi lưới pháp luật.

2. Đứng sau vành móng ngựa, N. cúi đầu thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Tòa hỏi: “Bị cáo còn rất trẻ, đã từng phạm tội một lần, tại sao lại không quý trọng tương lai của bản thân mà làm lại cuộc đời?”. Im lặng hồi lâu, N. lí nhí biện minh: “Trước đó, khi còn ở trong tù, bị cáo có dùng chung kim tiêm với các phạm nhân khác để xăm hình, trong đó, có nhiều người nhiễm HIV. Đến khi rời trại giam, bị cáo mới biết có thể sẽ bị lây nhiễm HIV nên rất lo lắng. Bị cáo có đi xét nghiệm nhưng sợ hãi, không dám đối mặt nên không nhận kết quả. Bị cáo cứ đinh ninh là mình nhiễm HIV. Từ đó, bị cáo cảm giác cuộc đời mình đã rơi vào ngõ cụt…”. Lời khai của N. càng lúc càng nhỏ dần rồi im bặt. N. cúi thấp đầu, gương mặt tái xám thoáng vẻ hốt hoảng, bàn tay bám chặt vào vành móng ngựa.

Tòa lại hỏi: “Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã đưa bị cáo đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy bị cáo không nhiễm HIV. Tuy nhiên, lỡ như bị cáo nhiễm HIV rồi lây cho các nạn nhân thì sao? Tại sao nghi bản thân nhiễm HIV mà bị cáo còn thực hiện hành vi này?”. Lúng túng hồi lâu, N. đáp: “Bị cáo không cố tình thực hiện hành vi hiếp dâm với các nạn nhân. Bị cáo cũng không biết vì sao mình lại làm như vậy nữa”. Lời nói sau cùng, bị cáo gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân, tha thiết mong hội đồng xét xử giảm nhẹ tội để có cơ hội trở về phụng dưỡng cha mẹ già.

Năm 24 tuổi, bị cáo lần nữa dừng chuyến tàu của mình nơi nhà tù với mức án 30 năm tù về các tội “Giết người”, “Hiếp dâm”, “Cướp tài sản”. Án tuyên, gương mặt bị cáo xanh lét, ánh mắt đỏ quạch, thẫn thờ ra xe dẫn giải về trại giam. Nắng chiều le lói những vệt ửng vàng hiu hắt khiến chuyến tàu cuối cùng của tuổi trẻ bị cáo càng thêm ảm đạm…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.