.
Ký sự Pháp đình

Tiếng thở dài của người cha

.

Đôi khi, người thân của bị cáo chính là những người đau khổ nhất tại phiên tòa, như người cha trong câu chuyện dưới đây. Ba lần nghẹn đắng nhìn đứa con trai đứng sau vành móng ngựa đã vắt kiệt niềm hy vọng của ông…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng đứa con mà ông hết mực yêu thương chưa một lần nhận thức được điều này. Giá mà đứa con từng một lần nghĩ đến tình yêu của cha, biết đâu cuộc đời đứa con đã rẽ theo một hướng tốt đẹp hơn!

1. Tại phòng xử án của TAND quận Thanh Khê, người đàn ông nơi hàng ghế dự khán nhắm nghiền đôi mắt, bàn tay run run bám víu vào nhau, buông tiếng thở dài trĩu nặng: “Mong toà xử bị cáo theo đúng quy định pháp luật”. Lời vừa buông, giọt nước mắt vỡ ra nơi khoé mắt đầy vết chân chim, ông thả mình xuống chiếc ghế một cách nặng nhọc. Những người dự khán không kìm được sự ngạc nhiên, ngơ ngác nhìn ông. Người đàn ông ấy là cha ruột của bị cáo T.Đ.Đ.N (SN 1992, ngụ quận Thanh Khê).

Giờ nghị án, chúng tôi tiến đến hỏi chuyện, người đàn ông dốc cả ruột gan tâm sự: “Cô biết không, khi hay tin vợ mang thai, tôi hồi hộp, lo lắng, mong đợi từng ngày để chào đón con. Tôi đi làm thuê làm mướn vất vả bao nhiêu nhưng cứ về đến nhà là phiền muộn tan hết khi nhìn thấy nụ cười của con, nhìn thấy con trưởng thành mỗi ngày...”. Ngày con chào đời, ông khóc. Lần đầu tiên con cất tiếng gọi ba, ông khóc. Buổi đầu đưa con đến trường, ông khóc. Tiếc thay, những giọt nước mắt hạnh phúc của người cha sớm đổi thay thành những giọt nước mắt bất lực khi đứa con mà ông hết mực yêu thương hết lần này đến lần khác lạc lối.

Năm 14 tuổi, N. dùng mã tấu kề cổ người đi đường để cướp tài sản và được đưa vào trường giáo dưỡng. Nước mắt người cha chảy tràn vì tự trách bản thân quá bận rộn với cơm áo gạo tiền nên không dành nhiều thời gian quan tâm, dạy dỗ con thơ. Cứ nửa tháng, ông lại đến thăm con một lần, thủ thỉ với con: “Con còn trẻ, còn cơ hội làm lại cuộc đời. Cha mẹ sẽ luôn bên con”. Nhưng lời khuyên của ông như nước đổ lá khoai, N. thay đổi tính tình, bất cần đời, bỏ mặc sự lo lắng của người thân. Chẳng bao lâu sau, N. bị bắt vì hành vi cố ý gây thương tích. Đau lòng, ông ngã bệnh.

Ông vỗ vào ngực bùm bụp: “Là do tôi, tôi thương con không đúng cách. Tôi sợ con thiếu thốn, sợ con không bằng bạn bằng bè nên đầu tắt mặt tối đi làm. Tôi cho con vật chất nhưng lại nợ con tình thương, sự dạy dỗ. Đến khi tôi nhận ra lỗi lầm của mình thì đã muộn rồi. Là lỗi của tôi!”.

2. N. ra tù khi đã ngoài 20 tuổi. Lần này, nhìn thấy dấu vết thời gian in hằn trong cơn đau của cha, N. hứa với ông sẽ đoạn tuyệt quá khứ, bắt đầu lại một cuộc đời mới. Nghe con nói, ông cười mà miệng méo xệch. Hôm con đi làm, ông đưa tay quệt vội dòng nước mắt. Ngày con gửi tháng lương đầu tiên, ông ôm mặt khóc nức nở.

Nhưng niềm hạnh phúc chẳng kéo dài, N. lần nữa vướng vòng lao lý vì hành vi cố ý gây thương tích. Chuyện là, bạn của N. là anh H.V.H có việc cần nên hỏi mượn tiền. Không đắn đo, N. mang tiền lương 3 triệu đồng vừa nhận được của tháng đó cho bạn mượn. Sau đó khá lâu, N. nhiều lần yêu cầu bạn trả tiền nhưng anh H. hết lần này đến lần khác khất nợ. Ngày 8-1-2016, N. cần tiền nên đến nhà anh H. đòi nợ. Mâu thuẫn nảy sinh, N. đòi siết chiếc tủ lạnh. Trong lúc hai bên cự cãi, N. dùng rựa chém anh H., gây thương tích 21% cho nạn nhân. Khi biết tin con trai bị bắt lần thứ ba, ông trở bệnh lại. Lần này, nước mắt lặng lẽ chảy ngược vào trong tâm can đớn đau của người cha.

3. Chân sấp chân ngửa theo con đến tòa, trại giam hết lần này đến lần khác khiến nước mắt của ông cạn dần. Lần này, ông vẫn đến dự tòa để làm điểm tựa cho con nhưng không đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho con như những lần trước. “Mọi người cứ bảo tôi đã khổ nhiều rồi, thương con đủ rồi, cứ thử buông tay con chứ đừng bảo bọc nó nữa. Tôi cũng không còn đủ sức để đặt niềm hy vọng thêm lần nào nữa”, người cha buông tiếng thở dài trĩu nặng. Đôi vai ông rũ xuống, dường như còng thêm đôi chút.

Nói vậy, nhưng khi nghe mức án 30 tháng tù Hội đồng xét xử tuyên, ông run rẩy đứng dậy, miệng lắp bắp mà không sao nói thành lời, đôi bàn chân nhướng đuổi theo con mà không thể cất bước. Khi bị dẫn giải ra xe chuyên dụng, N. bật khóc tức tưởi, quay về phía cha, hét to: “Ba ơi, con xin lỗi…”. Ông sững người trong giây lát, chừng như hết sức lực, ngã quỵ, gọi với theo bóng lưng N.: “Con ơi con…”.

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.