.
Ký sự Pháp đình

Nước mắt người già

.

Ở tuổi xế chiều, lẽ ra, người già được nhàn nhã quây quần bên cháu con. Vậy mà, chỉ vì đặt niềm tin nhầm chỗ, những ngày tháng cuối đời, người già lại lui tới chốn pháp đình với bao nhọc nhằn, vất vả. Nước mắt người già cứ thế chảy tràn trong uất ức, lo lắng, muộn phiền…

Biến cố cuối đời

Đây là lần thứ tư tôi gặp người già, buồn thay, vẫn là ở phòng xử án của TAND quận Thanh Khê. Như bao lần trước, người già với ánh mắt u buồn đến tòa trong bộ quần áo bà ba nhuốm màu xưa cũ, chân mang đôi dép mòn vẹt theo tháng năm.

Người già trút nỗi lòng bằng cái giọng khàn khàn hụt hơi vốn dĩ. Ngày còn trẻ, làm mười, tiêu một, người già tích cóp, dè xẻn hết mức có thể, dành tiền mua một căn nhà nho nhỏ trên đường Lê Duẩn. Theo thời gian, tuổi xế chiều vội tới, con cháu dần lớn khôn. Nhiều người khuyên người già bán căn nhà để có tiền chia cho con cháu làm ăn. Người già thấy cũng đúng, nhưng lại đắn đo.

Cuối cùng, vì tương lai con cháu, nên người già quyết định bán nhà và chia tiền cho cháu con, chỉ giữ lại một phần tiền ít ỏi để an dưỡng tuổi già và mua căn nhà nhỏ ở phường An Khê, quận Thanh Khê. Chỉ một khoảng thời gian ngắn, người già quen dần với nếp sống mới, bắt đầu gặp gỡ, chuyện trò cùng hàng xóm, trong đó có người trẻ, thuê trọ gần đó.

Người già thường hay cô đơn và thích nói chuyện, người trẻ biết vậy nên thường hay ghé sang tâm sự. Người trẻ quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, cuộc sống gia đình khó khăn nên ra Đà Nẵng xin việc làm, đỡ đần gánh cơm áo cho cha mẹ. Người trẻ lại khoe, nhờ lanh lợi, hoạt bát, người trẻ được một công ty bán sữa ngoại nhận vào làm nhân viên kinh doanh. Danh sách những nhân viên có doanh số cao nhất công ty chưa bao giờ vắng tên người trẻ.

Trong những lần tỉ tê, người trẻ không quên nhấn mạnh, lợi nhuận mà người trẻ đạt được rất cao. Khi tình bà cháu đậm sâu, câu chuyện dẫn lối đến việc “liên kết làm ăn”. Người trẻ thủ thỉ, bản thân muốn làm giàu nhưng không có tiền, người già có tiền nhưng cất mãi cũng rớt giá. Thôi thì, người già góp của, người trẻ góp công. Trước những lời lẽ đường mật, người già quyết định đưa hết số tiền dưỡng già cho người trẻ. Chẳng những vậy, đôi lúc người trẻ nói cần thêm vốn, người già lại vay mượn nhiều nơi để đưa cho “đối tác”. Người già luôn tin rằng, sau lần làm ăn này, mình sẽ có tiền hoàn trả số nợ đã mượn, kiếm thêm chút tiền giúp con, giúp cháu. Nào ngờ, người già bị lừa, phải rơi vào cảnh đáo tụng đình ở tuổi xế chiều…

Người già là cụ T., năm nay 76 tuổi, ngụ quận Thanh Khê. Người trẻ là T.T.P.Th., 30 tuổi, quê Quảng Nam.

“Chẳng biết phải sống ở đâu nữa…”

Chuông reo báo hiệu phiên tòa sơ thẩm bắt đầu, cụ T. níu vội ống quần, run run bước từng bước chậm về phía hàng ghế dành cho người bị hại. Sau vành móng ngựa, Th. khai nhận, bản thân vốn là nhân viên hỗ trợ bán hàng cho một hãng sữa nhưng làm thâm hụt tiền nên phải nghỉ việc. Mất khả năng bồi thường cho công ty, Th. nảy sinh ý định lừa đảo cụ T.

Ngày 24-10-2013, cả hai lập hợp đồng thỏa thuận kinh doanh hợp tác sữa, lợi nhuận không chia mà dùng để đầu tư vào các lô hàng tiếp theo. Để tạo lòng tin và chiếm đoạt tiền của cụ T., Th. lập giả đơn đặt hàng ghi số lượng sữa, đơn giá và yêu cầu cụ T. đưa tiền thanh toán cho nhà phân phối. Đồng thời, Th. còn mua phiếu thu in sẵn, làm giả con dấu mã số thuế, con dấu đã thu tiền, hóa đơn thu tiền, chữ ký thủ quỹ và thủ kho… Cứ thế, nhiều lô hàng giả được lập, số tiền lô hàng sau lại cao hơn lô hàng trước. Tiền “bay” đi mỗi lúc mỗi nhiều mà không thấy Th. đả động gì về tiền lời, cụ T. bắt đầu nghi ngờ, xác minh và làm đơn tố cáo.

Cùng lúc này, Th. bị tai nạn giao thông. Hôm tòa xử, sức khỏe của Th. vẫn chưa phục hồi, nửa thân còn bị liệt nên được Hội đồng xét xử đặc cách cho Th. ngồi để trả lời thẩm vấn. Riêng thanh quản của Th. bị ảnh hưởng nặng, giọng nói trở nên khò khè, tiếng được, tiếng mất. Th. thừa nhận hành vi lừa đảo nhưng cho rằng số tiền chiếm đoạt chỉ gần 450 triệu đồng. Trong khi đó, cụ T. một mực khẳng định mình bị lừa hơn 1 tỷ đồng. Lời khai giữa bị cáo và bị hại vẫn không thống nhất, một lần nữa, cấp sơ thẩm quyết định hoãn phiên tòa để làm rõ thời gian phát hiện bị lừa, số tiền chiếm đoạt...

Cụ T. lê từng bước nặng nề rời phòng xử, vừa đi vừa lấy gấu áo lau vội dòng nước mắt ướt nhòe vết chân chim. Trưa đứng nắng, cụ thẫn thờ nơi sân tòa, giọng nhàu nhĩ: “Cả đời tôi phải lăn lộn để kiếm sống. Đến lúc cuối đời, phải đành đoạn bán đi căn nhà gắn bó bao nhiêu tình cảm, kỷ niệm. Tiền dưỡng già, tôi cũng không dám ăn. Tôi thương nó như con, nỡ lòng nào nó lừa người già như tôi…”.

Nước mắt người già không ghìm được, cứ chảy tràn theo nỗi đau đáu: “Người ta đòi tiền nên tôi phải cầm cố căn nhà đang ở để trả nợ. Nếu thời gian tới, tôi vẫn không nhận lại được số tiền bị mất thì chắc phải bán nhà. Chẳng biết phải sống ở đâu nữa…”.

NAM BÌNH – DUY AN

;
.
.
.
.
.