.
Ký sự Pháp đình

Bán tương lai quá rẻ!

.

Bị cáo đứng trước vành móng ngựa trạc 28 tuổi, từ miền quê nghèo đến Đà Nẵng với ước mơ rất đẹp. Nhưng rồi, bị cáo đã bán tương lai của bản thân quá rẻ - 200.000 đồng, trong giây phút nông nổi…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cưỡng đoạt tài sản

Bị cáo tên N.H.N (SN 1987), sinh ra và lớn lên ở một thôn nghèo tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Gia đình đông con, cha mẹ của N. cả cuộc đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vẫn không thể tạo dựng cho các con cuộc sống đủ đầy. Cũng chính vì thế, sau khi tốt nghiệp THPT, việc học của N. bị gián đoạn một quãng thời gian vì gia đình không có tiền.

Nhưng chàng trai trẻ chưa bao giờ từ bỏ hành trình theo đuổi tri thức. Mang theo khao khát cháy bỏng, N. ra Đà Nẵng, không nề hà bất cứ công việc làm thêm nào. N. làm ngày, làm đêm, góp nhặt từng đồng để nuôi dưỡng tình yêu sách vở. Bền bỉ nhiều năm, cuối cùng, N. đã bước đầu chạm chân đến cánh cửa ước mơ khi trở thành sinh viên hệ tại chức của một trường đại học danh tiếng ở Đà Nẵng.

Vậy mà, giờ đây, chỗ của N. không còn là ở giảng đường đại học, đôi tay của N. đã thôi cầm bút, lời nói của N. chẳng phải để trả lời các câu hỏi từ thầy cô. Giờ đây, chỗ của N. là trước vành móng ngựa, đôi tay của N. đang bị kìm giữ trong chiếc còng lạnh giá, lời nói của N. là trả lời chất vấn của hội đồng xét xử (HĐXX).

Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 10-10-2015, N. vào trang mạng xã hội Zalo làm quen và kết bạn với chị T.T.S (SN 1988, ngụ tỉnh Thừa Thiên - Huế). Từ những tin nhắn qua lại ở thế giới ảo, cả hai hẹn gặp ở cuộc đời thật, dăm ba lần cùng nhau đi chơi.

Khoảng 20 giờ 30 ngày 15-10-2015, sau khi uống bia cùng bạn, chị S. nhắn tin nhờ N. đến đường Núi Thành chở mình về nhà. Khi đến địa điểm chị S. hẹn gặp, N. không thấy chị S., phải đợi lâu nên tức giận. Cơn lửa nóng nảy thiêu đốt khiến chàng sinh viên nảy sinh ý định sẽ tìm cách quan hệ tình dục với bị hại. N. đi mua một con dao ở tiệm tạp hóa gần đó rồi tiếp tục đợi và chở chị S. về lúc 22 giờ 30 cùng ngày.

Trên đường đi, N. rủ chị S. vào Công viên 29-3. Tại đây, N. dùng dao uy hiếp để thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của chị S. Sau đó, N. cất dao, yêu cầu chị S. đưa 200.000 đồng. Chị S. hỏi: “Anh cần tiền để làm gì?”. N. bảo: “Để đổ xăng”. Chị S. nói: “Ra chỗ đổ xăng em trả” nhưng N. không đồng ý và bảo: “Để N. tự đổ”. Lúc này, chị S. thấy tay phải của N. vẫn để trong túi quần cất dao nên hoảng sợ và lấy tiền đưa N. Lợi dụng lúc N. sơ hở, chị S. bỏ chạy ra đường kêu cứu.

Hối hận muộn màng

Trong suốt phiên xử, N. luôn cúi gầm mặt. Mặc dù HĐXX nhắc nhiều lần nhưng N. vẫn khai nhỏ xíu, lúng búng...

Giọng bị cáo run run: “Bị cáo rất hối hận về chuyện mình đã làm. Bị cáo đang đi học, mong tòa xem xét giảm nhẹ để bị cáo tiếp tục được đến trường, phụ giúp gia đình và làm lại cuộc đời…”.

HĐXX nghiêm giọng: “Chỉ vì 200.000 đồng mà bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa, bị cáo có thấy mình đã bán tương lai của bản thân quá rẻ không?”. HĐXX lại đau đáu: “Cha mẹ bị cáo khổ cực trăm bề mới có thể chăm lo cho bị cáo ăn học. Cha mẹ bị cáo đặt hết niềm tin, kỳ vọng vào bị cáo, mong muốn con cái không phải khổ cực, có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vậy mà tại sao bị cáo lại nông nổi như thế?”.

Trước những câu hỏi ấy, có lúc N. im lặng, đôi lúc lí nhí biện minh: “Bị cáo chỉ nghĩ mượn ít tiền của S. rồi trả sau. Bị cáo còn tính sẽ chở S. đi ăn, uống cà-phê rồi mới về nhưng không ngờ S. bỏ chạy…”.

Giờ nghị án, trên khuôn mặt nhợt nhạt của bị cáo, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống. Không biết bị cáo khóc vì hối hận, hay khóc vì đã tạo “vết mực đen” vào lý lịch, hay khóc vì đã tự xé nát tương lai của bản thân? Chẳng những vậy, cuộc sống khốn khó của gia đình N. nay càng thêm quẫn bách khi cha mẹ N. phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để có tiền tự nguyện bồi thường cho bị hại 50 triệu đồng.

Về hành vi hiếp dâm của N., chị S. có đơn bãi nại, xin rút yêu cầu khởi tố vụ án hiếp dâm. Vì vậy, tòa tuyên án N. 12 tháng tù giam về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Nghe tuyên, N. quỵ xuống như lá rũ, lê những bước chân nặng nề lên xe chuyên dụng. Một năm tù rồi sẽ trôi qua, nhưng sau khi rời trại giam, chẳng biết N. có còn theo đuổi việc học không? Điều này thì tôi không rõ. Nhưng có một điều tôi biết chắc, đó là N. đã học được nhiều bài học sau lần lầm lỗi này. Có điều, “học phí” quá đắt…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.