.
Ký sự Pháp đình

Cái kết một chuyện tình

.

Tình yêu không hẳn lúc nào cũng tiến tới bến đỗ hôn nhân. Song, không phải ai cũng hiểu được mình cần học cách chấp nhận và buông tay...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Năm 18 tuổi, V.Đ.D.H (SN 1985, ngụ quận Thanh Khê) nghỉ học khi vừa hoàn thành chương trình phổ thông. Là con đầu trong gia đình lao động nghèo, H. không đỡ đần gánh nặng kinh tế giúp mẹ cha, bảo ban người em còn lại mà suốt ngày bù khú cùng bạn bè.

Vậy mà, giữa chừng những cuộc vui, chàng thanh niên lêu lổng bỗng giật mình nghĩ suy rồi quyết định làm lại cuộc đời. H. học lái ô-tô rồi chăm chỉ với công việc chở hàng hóa thuê. Động lực to lớn giúp H. thay đổi cách sống là sự động viên của một cô gái bằng tuổi H.

Năm 22 tuổi, H. nên nghĩa vợ chồng với người con gái ấy. Một năm sau, đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc đón chào đứa con trai đầu lòng. Những tưởng mái ấm nhỏ sẽ luôn rộn rã tiếng cười như thế. Ngờ đâu, H. bắt đầu chán cảnh “sắm vai” chồng hiền, cha tốt, quay trở lại cuộc sống rong chơi trước đây.

Nhiều lần khuyên nhủ bất thành, vợ H. chán nản, đâm đơn ly dị. Cảm thấy đời sống hôn nhân tù túng, ngột ngạt, gò bó, H. chẳng buồn níu kéo. Chưa đầy hai năm, nghĩa vợ chồng gãy gánh. Quyền nuôi dưỡng đứa con vừa tròn tuổi được giao cho người cha.

2. Nhưng H. chẳng nhiều lo nghĩ cho đứa trẻ. Gửi con cho cha mẹ chăm sóc, H. rày đây mai đó, sống với những niềm vui riêng mình. Trong một lần dự sinh nhật bạn, H. tình cờ quen một nữ sinh viên duyên dáng, kém mình 3 tuổi. Tình yêu một lần nữa chớm nở trong H.

Biết H. có tình cảm với cô gái, bạn bè trêu H. “đũa mốc mà chòi mâm son”. Bởi lẽ, cô gái không những đẹp người mà còn đẹp nết, học giỏi, hiền lành. Cũng chẳng biết vì sao H. chiếm được thiện cảm của cô gái. Sau một lần đổ vỡ, những tưởng H. sẽ rút ra bài học kinh nghiệm, trân trọng hạnh phúc đang có và quyết tâm tạo dựng cuộc sống tốt đẹp. Vậy mà, H. vẫn chứng nào tật nấy.

Cô gái sau khi tốt nghiệp, trở thành nhân viên hàng không, tiếp tục trau dồi nghiệp vụ với mong ước về một tương lai tươi sáng. Trong khi đó, H. vẫn mãi lông bông, lại hay có suy nghĩ tiêu cực, thiếu niềm tin vào người yêu, thường xuyên ghen tuông vô cớ. Cũng từ đây, những mâu thuẫn, cãi vã khiến tình cảm đôi bên dần rạn nứt. Sau 3 năm, quá mệt mỏi, cô gái quyết định chấm dứt mối tình với H.

3. Không chấp nhận chia tay, H. liên tục nhắn tin cho cô gái với những lời lẽ giang hồ, đe dọa đòi giết, đòi đốt. Hoảng sợ, cô gái suy sụp tinh thần, mất ăn, mất ngủ. Đi làm phải có cha đón đưa. Bạn bè rủ đi chơi thì từ chối, không dám ra khỏi cửa. Sau một tháng chịu đựng sự hành hạ tinh thần của H., cô gái chống cự không nổi, phải cầu cứu Công an phường. Công an nhiều lần mời H. lên làm việc, H. lẩn tránh không đến, tiếp tục gửi tin nhắn và hình ảnh đe dọa.

Không dừng lại ở đó, chiều 17-11-2014, H. tìm gặp cô gái, tưới xăng từ trên đầu bạn gái cũ xuống rồi cầm bật lửa dọa đốt, giết. May mắn, mọi người có mặt gần đó kịp thời ngăn cản nên hậu quả đáng tiếc không xảy ra. H. chạy thoát, bỏ trốn và bị bắt vào ngày 2-5-2015.

Tại phiên sơ thẩm do TAND quận Thanh Khê xét xử mới đây, H. dùng nhiều lý do để biện hộ cho hành vi sai trái của mình. Nào là “bị cáo chán nản”, “bị cáo hoảng loạn”, nào là “không làm chủ được bản thân”, “vì quá yêu thương cô ấy”… Hội đồng xét xử (HĐXX) đặt các câu hỏi: “Bị cáo nói mình hoảng loạn, tại sao lại có thể tỉnh táo mang theo xăng, dao tìm bị hại rồi thực hiện một loạt hành vi sau đó?”, “Bị cáo nói yêu người ta, nếu yêu làm sao có thể khiến người mình yêu tổn thương, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng được”… H. không trả lời được, chỉ cúi đầu thinh lặng.

Cô gái không đến dự phiên tòa nhưng làm đơn xin bãi nại cho H. Đại diện hợp pháp cho người bị hại, cha của cô gái, cũng tha thiết mong HĐXX xem xét cho H. hưởng án treo để có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, về nuôi dạy con thơ. Dẫu vậy, H. vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi “Đe dọa giết người” của mình với mức án 6 tháng tù giam.

4. Chuyện tình nào kết thúc vốn cũng mang nhiều tổn thương và nỗi đau. Vậy mà, không ít người còn cố gắng tạo thêm vết cứa sâu hoắm không thể cứu vãn. Có vết cứa để lại tổn hại nhỏ như vụ án nói trên. Nhưng cũng có nhiều vết cứa để lại hậu quả khôn lường với những cái chết thương tâm trong các vụ án khác.

Cho dù xuất phát từ nỗi đau nhưng không một ai được quyền nhân danh tình yêu để bao biện, thực hiện hành vi sai trái...

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.