.
Ký sự Pháp đình

Nước mắt muộn màng

.

Người thanh niên ra tòa, khóc nấc khi gửi lời xin lỗi đến người mẹ đã khổ cực nuôi dưỡng mình khôn lớn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng giọt nước mắt hối lỗi muộn màng không thể đem bị cáo trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ.

Bị cáo tên N.N.H (SN 1987, ngụ huyện Hòa Vang), là đứa con duy nhất trong gia đình. Qua lời khai đứt quãng, nghẹn ngào của H., không rõ vì sao quãng đời tuổi thơ của bị cáo không có bóng dáng người cha, chỉ có hình ảnh người mẹ tảo tần mưu sinh nuôi con lớn khôn. Với mẹ bị cáo, người phụ nữ thương binh giàu nghị lực, con trai là điểm tựa, là niềm vui sống duy nhất. Vậy mà, điểm tựa ấy lại sớm sụp đổ theo những bước chân nặng nhọc tiến đến sau vành móng ngựa của H. Nước mắt người mẹ không ngừng lăn dài theo mỗi lời cáo trạng…

Chiếm đoạt 2,6 tỷ đồng

Theo đó, trong khoảng thời gian từ năm 2010-2013, bằng nhiều thủ đoạn gian dối, H. đã lừa đảo 8 cá nhân, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2011, H. tự xưng là Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đang kinh doanh gỗ để kiếm thêm thu nhập nhằm tạo lòng tin với ông M.V.T (SN 1958, ngụ tỉnh Gia Lai). Từ đó, H. mượn ông T. 440 triệu đồng để làm thủ tục hải quan rồi chiếm đoạt, tiêu xài cá nhân. Ngoài ra, H. còn lừa lấy của ông T. 3 sản phẩm gỗ có giá trị 117 triệu đồng.

Tương tự, khoảng cuối năm 2012, đầu năm 2013, ông L.V.Đ (SN 1955, quê Bắc Ninh) vào Đà Nẵng tìm mối mua gỗ để sản xuất hàng mộc. Nhận thấy ông Đ. ít am hiểu về việc mua bán, H. giới thiệu mình là Phó Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng, hiện có một lượng gỗ trắc cần bán với giá rẻ. H. làm giả bản hợp đồng mua bán gỗ trắc có giá trị 42 tỷ đồng giữa Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng do H. làm đại diện với một đối tác nước ngoài và đưa cho ông Đ. xem. Tin tưởng, ông Đ. đã giao cho H. 800 triệu đồng tiền cọc.

Bằng thủ đoạn kinh doanh gỗ, H. còn chiếm đoạt của chị L.T.N (SN 1981, ngụ tỉnh Hà Tĩnh) hơn 414 triệu đồng, chiếm đoạt của chị N.T.L (SN 1980, ngụ tỉnh Gia Lai) 80 triệu đồng, chiếm đoạt của anh N.H.L (SN 1980, ngụ quận Sơn Trà, Đà Nẵng) 290 triệu đồng.

Ngoài thủ đoạn gian dối trên, H. còn mạo danh cán bộ Công an thành phố Đà Nẵng, có quan hệ với nhiều sếp lớn, có thể xin việc trong ngành công an và ngành giáo dục để lừa của chị L.T.B.T (SN 1992, ngụ tỉnh Gia Lai) 200 triệu đồng, lừa chị P.T.H (SN 1986, quê Thanh Hóa) 45 triệu đồng. Bên cạnh đó, H. nói dối có ô-tô đã qua sử dụng cần bán với giá rẻ để chiếm đoạt của ông T.L (SN 1965, ngụ quận Thanh Khê) 220 triệu đồng.

Ngoài ra, cuối năm 2011, H. lừa bán gỗ ảo cho ông D.V.C (ngụ tỉnh Bắc Ninh), chiếm đoạt 500 triệu đồng nhưng vụ việc này được tách ra, xử lý riêng. Đồng thời, khoản tiền 3 tỷ đồng H. vay mượn của 4 người khác cũng không được đề cập vì là tranh chấp dân sự.

Trượt dài trong lỗi lầm

Tòa hỏi: “Tại sao bị cáo là thanh niên, có sức khỏe lại không lao động chân chính mà đi lừa đảo?”. H. lí nhí biện hộ: “Trước đây, bị cáo công tác tại Công an tỉnh Quảng Nam, nhưng vi phạm kỷ luật nên bị đuổi khỏi ngành vào năm 2008. Rồi bị cáo tập tành kinh doanh, từ cà-phê đến điện thoại, laptop, gỗ… nhưng đụng đâu là thua đó. Nợ nần nhiều quá, chủ nợ kéo đến nhà quậy phá nên bị cáo sợ, bỏ trốn. Để có tiền trả nợ, bị cáo mới đi lừa, lấy tiền người này trả cho người kia. Ban đầu, bị cáo cũng không muốn phạm pháp, bị cáo thậm chí đã lấy hết tiền mừng đám cưới để đổ vào kinh doanh với hy vọng lấy lại số tiền đã mất nhưng càng làm càng lỗ. Bị cáo bí quá nên mới…”.

Hội đồng xét xử (HĐXX) nghiêm khắc: “Tại sao kinh doanh lần đầu thua lỗ, bị cáo không dừng lại để tìm hướng khắc phục? Lần đầu thua lỗ không dừng lại thì lần thứ hai thua lỗ phải dừng lại, kéo dài làm gì rồi nợ nần, đi lừa đảo?”. Im lặng hồi lâu, H. rưng rưng: “Bị cáo biết việc làm của mình là sai trái. Chỉ vì suy nghĩ nông cạn, không can đảm dừng lại, bị cáo đã sai lại càng sai, biến cái sai nhỏ thành cái sai lớn. Bị cáo chân thành gửi lời xin lỗi đến những người đã bị bị cáo lừa gạt. Bị cáo cũng xin lỗi mẹ, mong mẹ tha lỗi cho đứa con bất hiếu…”.

Thở dài, HĐXX hỏi: “Vậy số tiền bị cáo lừa được, đã trả nợ cho những ai?”. “Bị cáo lấy đầu này đắp đầu kia nên cuối cùng không trả được cho ai. Có tiền là bị cáo lại rút ra tiêu xài. Bình quân mỗi ngày, bị cáo rút 5-10 triệu đồng…”, lời khai của H. càng lúc càng nhỏ dần.

TAND thành phố Đà Nẵng tuyên phạt H. 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. H. day dứt ngoái nhìn về phía mẹ, người phụ nữ đang quỵ ngã nơi hàng ghế dự khán vẫn không ngừng nức nở, rồi thất thểu theo chân các cán bộ hỗ trợ tư pháp trở về trại tạm giam.

H. đã phải trả giá cho lỗi lầm của mình bằng những năm tháng tù đằng đẵng. Nhưng không dừng lại ở đó, hành vi phạm tội của H. còn khiến người thân lao đao theo. Cám cảnh người chồng nợ nần chồng chất, ngày càng trượt dài trong lỗi lầm, vợ bị cáo kiên quyết ly hôn vào năm 2013. Hai đứa con thơ (sinh năm 2011 và 2013) của bị cáo bỗng dưng chông chênh giữa cuộc đời. Còn mẹ bị cáo đã già yếu, nay lại phải khóc con, lặn lội lên thăm nuôi con trong quãng ngày cuối đời…

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.