.
Ký sự Pháp đình

Sân tòa vang tiếng trẻ thơ

.

Chốn pháp đình vốn không phải là nơi dành cho trẻ thơ, nhưng thi thoảng vẫn vang lên tiếng non nớt gọi cha, đòi mẹ…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Người bà bế đứa cháu trên tay, đứng nép nơi cửa sổ để cháu có thể thấy cha. “Ba kìa bà”, cậu bé cất tiếng gọi mừng rỡ. Hơn 7 tháng rồi em chưa được gặp cha…

Hội đồng xét xử bắt đầu làm việc, thảng hoặc lại vang lên tiếng trẻ con bi bô, ngọng nghịu: “Bà ơi, sao con không được vào trong nhìn ba?”; “Bà ơi, có phải ba đang làm việc nên con không vào trong được phải không?”; “Bà ơi, con đứng ngoài này đợi ba, lát bữa bà nói ba về nhà với con luôn nhé bà”… Cậu bé không ngừng ngóng ba với nỗi sốt ruột cồn cào ấy là con của bị cáo N.L.X (SN 1984, ngụ quận Sơn Trà).

Trước đây, X. là nhân viên bất động sản của Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - miền Trung, bị công ty cho thôi việc trước thời hạn. Trong thời gian làm việc tại đây, X. đã tự ý ký nhiều hợp đồng để bán 6 lô đất và 1 chung cư của công ty mà không được sự đồng ý của Tổng giám đốc. Số tiền bán được, X. bỏ túi riêng, tiêu xài cá nhân.

Khi X. đứng sau vành móng ngựa khai nhận các thủ đoạn gian dối, lừa đảo thì con của X. nhìn cha, hồn nhiên khoe: “Ba rất giỏi, ba đang làm việc…”. Trong tâm tưởng của đứa trẻ gần 4 tuổi, người cha thân yêu đang đi làm xa để mua thật nhiều quà cho mình. Thế nên, khi nghe bạn bè ở trường mẫu giáo nói ba đi tù, cậu tủi thân đánh bạn, khóc mấy ngày liền, bỏ cả cơm.

Giờ nghị án, thấy cha bị còng tay, cậu bé mếu máo lay tay bà: “Bà ơi, bà nói mấy chú đừng còng tay ba con”. Rồi, dường như không thể đợi ba “xong việc” được nữa, cậu vội vàng tuột khỏi tay bà nội, chạy ào đến bên cha vui mừng: “Cho con ôm ba cái…”. Sà vào lòng cha, cậu hôn vội hôn để khắp mặt cha cho thỏa nỗi nhớ mong.

Không thấy cha ôm mình, cậu thắc mắc: “Sao ba không ôm con? Bộ ba hết thương con rồi hả?”. X. lướt vội ánh nhìn xuống chiếc còng. Không chỉ trói chặt đôi tay, chiếc còng còn trói chặt niềm thương của một người cha. X. bất lực, tu tu khóc như một đứa trẻ. Như sực nhớ, cậu bé ôm chầm lấy cha thút thít: “Ba ơi, sao ba bị trói tay?”, “Ba ơi, ba nói họ đừng trói tay ba để ba bồng con được không ba?”… Mỗi câu nói ngây thơ của con trẻ là một vết cắt đau đớn trong tim người lớn!

2. Ngày cha bị bắt, cậu bé vừa chập chững biết đi, em gái cậu cũng lọt lòng mẹ ngay hôm ấy. Hôm tòa xử, cô bé mới 7 tháng tuổi, vô tư rúc vào lòng mẹ đòi sữa. Lần đầu tiên thấy mặt con nhưng X. chỉ có thể dõi mắt nhìn con với những nỗi khát khao…

TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm tuyên phạt X. 7 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. X. được dẫn giải ra xe về trại giam, ngoái đầu nhìn các con với ánh mắt ân hận khôn cùng, mấp máy môi: “Ba xin lỗi…”. Xe chở phạm nhân chạy khuất, cậu bé rấm rức đòi cha, không chịu rời sân tòa. Dỗ dành con mãi không được, người mẹ ôm mặt nức nở.

7 năm ấy, thêm bao nhiêu lần nữa mẹ và vợ của X. phải bật khóc trước những câu hỏi về cha của các con X.? 7 năm ấy, con của X. có đánh bạn trong tức tưởi để bảo vệ hình ảnh cha mình thêm lần nào? 7 năm ấy, các con X. sẽ lớn lên như thế nào khi thiếu vắng sự yêu thương của cha? Và hơn hết, lúc sự thật không còn có thể che giấu, những đứa trẻ sẽ đối mặt với nỗi đau ra sao?

3. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Những người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được tòa án triệu tập để xét hỏi”. Nhưng có không ít gương mặt non nớt vẫn được người thân đưa đến chốn pháp đình, nơi vốn dĩ không dành cho trẻ em. Có đứa trẻ còn đỏ hỏn, được mẹ bế bồng đến tòa để cha biết con thơ mới chào đời. Có đứa trẻ thấy đám đông, khóc ngằn ngặt, đánh rơi cơ hội để người cha - bị kết án tử hình về tội “giết người”, “cướp tài sản” - được nhìn con lần cuối. Có đứa trẻ cứ vươn mãi cánh tay đòi mẹ nhưng không được thỏa lòng mong ước. Có đứa trẻ ôm em vào lòng dỗ dành mà nước mắt không ngừng tuôn trào…

Chưa đủ tuổi vào phòng xử án, sân tòa trở thành địa chỉ quen thuộc của hầu hết những đứa trẻ từng đến tòa trong lúc chờ đợi người thân. Nơi sân tòa ấy, có đứa trẻ ngơ ngác nhưng cũng có những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư chơi đùa. Những đứa trẻ lớn hơn một chút, nhận thức được sự việc, hoặc khóc tức tưởi, hoặc co mình lại trong sự mặc cảm. Nhưng cho dù trải qua quãng thời gian ngắn ngủi nơi sân tòa với cung bậc cảm xúc khác nhau, đứa trẻ nào cũng ấp ủ nỗi khát khao ngày cha (mẹ) trở về.
Phiên tòa vãn, nắng còn hắt thêm bao nhiêu cái bóng trẻ thơ cô độc nấn ná nơi sân tòa?!

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.