.
Ký sự Pháp đình

Nước mắt con, nước mắt cha

.

Mỗi đứa trẻ đều cần một điểm tựa vững chãi là tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia của mẹ, cha. Thế nên, khi điểm tựa gia đình chênh vênh, con trẻ không biết bám víu vào đâu sẽ dễ trôi dần vào cơn lốc cuộc đời.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sáng hôm ấy, có 4 bị cáo ngồi co ro nơi hàng ghế sau vành móng ngựa nhưng tôi đặc biệt chú ý đến nữ bị cáo trẻ tuổi nhất - N.T.N (ngụ quận Sơn Trà). Cô gái 17 tuổi cố tỏ ra bình tĩnh trong lúc chờ vụ án của mình được đưa ra xét xử nhưng vẫn không thể che giấu nỗi bất an, bối rối trên gương mặt. Chủ tọa vừa gọi tên, N. run bắn người, không kìm nén được mà bật khóc. Phía sau những lời kể nghẹn ngào của N. là cả niềm khát khao được quan tâm và sẻ chia…

Cô đơn giữa mái ấm gia đình

Mẹ của N. là công nhân thủy sản, ba là thợ mộc, tất tả mưu sinh từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về nhà. Quãng thời gian cuối ngày, họ cũng không dành thời gian chuyện trò, tâm sự với con. Hai chị em N. cứ thế lủi thủi lớn lên cùng nhau. Không có cha mẹ bên cạnh đốc thúc, N. nghiện game rồi kiên quyết rời ghế nhà trường khi đang học lớp 9.

Thấy con bỏ học, cha mẹ N. khuyên răn không được đành mặc kệ.
Trong một lần họp mặt các game thủ, cả nhóm chung nhau trả tiền nhậu vẫn không đủ nên bảo N. đem cầm sợi dây chuyền vàng. Lời hứa “góp tiền trả lại sau” bay mất theo những người bạn mới gặp lần đầu. Sợ mẹ la, N. không dám về nhà mà ở nhờ tại tiệm Internet của một người bạn. Khi người bạn này không cho ở nhờ nữa, N. nhập nhóm với các đối tượng bỏ nhà đi bụi. Để có tiền chuộc lại sợi dây chuyền và trả tiền thuê nhà nghỉ, N. đã cùng các đối tượng này thực hiện các phi vụ lừa đảo.

Lợi dụng mối quan hệ bạn bè, N. rủ chị Đ.T.T.T (SN 1990) đi hát karaoke. Sau đó, N. giả vờ mượn điện thoại Iphone 5 của chị T. để gọi điện rồi đánh bài chuồn. Với thủ đoạn tương tự, nhóm của N. đã lừa lấy Iphone 4 của chị T.T.V (SN 1989, trước đây làm việc tại một nhà hàng với N.). Tổng trị giá tài sản cả nhóm chiếm đoạt là 12,5 triệu đồng.

Thời điểm phạm tội, N. mới 16 tuổi 20 ngày. Vị chủ tọa ôn tồn: “Bị cáo bỏ đi 10 ngày, cha mẹ bị cáo có nói gì không?”. N. thút thít: “Mẹ bị cáo đi làm cả ngày. Ba bị cáo cũng đi làm cả ngày…”. Vị chủ tọa lại hỏi: “Cha mẹ bị cáo có đi làm chăng nữa thì thấy con không về nhà phải lo lắng chứ. Rồi cha mẹ bị cáo có đi tìm bị cáo không?”. N. lắc đầu.

Vị thẩm phán thắc mắc: “Lỡ làm mất sợi dây chuyền thì lẽ ra bị cáo nên về nói với cha mẹ, sao lại đi lừa người khác?”. Nức nở hồi lâu, N. nói: “Lúc trước, chị của bị cáo từng đem chiếc nhẫn vàng đi cầm. Mẹ đánh chị dữ lắm rồi đuổi đi. Bị cáo sợ mẹ đánh nên không dám về nhà…”. “Vậy còn ba bị cáo?”. “Dạ, ba bị cáo hiền”. “Ba hiền răng không về nói với ba”. N. rưng rức: “Ba khi mô cũng im im, không nói chi hết…”.

Điểm tựa chênh vênh

Nơi hàng ghế dự khán, nghe những lời tâm sự của con, lâu lâu người cha lại buông tiếng thở dài não nề. Tòa hỏi ông: “Sao con bỏ nhà đi mà ông không đi tìm?”. Cha bị cáo luống cuống: “Con đi làm bình thường rồi bữa đó đột ngột không về nhà, điện thoại cũng tắt luôn. Mấy ngày sau, con mới gọi điện nói ở nhà bạn. Con đi đâu biết mô mà tìm…”. Nghe ông nói, vị chủ tọa bức xúc: “Con đi đâu, làm gì, ông có quản lý không? Không đi tìm, rứa khi con điện thoại về có hỏi con đang ở đâu, với ai, để ba đến đón về không…”. Ông bối rối lắc đầu.

Vị chủ tọa hỏi tiếp: “Rứa bây chừ đứa lớn đang ở đâu?”. Ông buồn rầu: “Nó giận chuyện gia đình nên bỏ vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc, ở với bạn mô đó không rõ. Tui cũng không biết nó ở đâu. Điện thoại thì nó khóa máy, tui cũng không biết số luôn…”. Thở dài, chủ tọa nói: “Đứa lớn bỏ đi, đứa nhỏ giờ đứng trước vành móng ngựa. Ông có thấy trách nhiệm của vợ chồng ông trong việc giáo dục con cái không?”. Ông cúi đầu lặng im, đôi bàn tay gân guốc, mốc meo siết chặt vào nhau.

Vị kiểm sát viên lên tiếng: “Là người làm cha, làm mẹ, ông có biết con ông đang thiếu gì không? Con ông đang thiếu thốn tình cảm. Vật chất ông lo cho con đầy đủ nhưng lại thiếu sự quan tâm, sẻ chia với con. Không phải cứ lo quần là, áo lụa, xe cộ… cho con là đủ”. Ông bật khóc, nước mắt rơi xuống, lăn dài trên gương mặt rám nắng, khắc khổ. Sau vành móng ngựa, N. len lén quay xuống nhìn cha rồi tức tưởi. Cha con cùng khóc nhưng với những nỗi ân hận muộn màng khác nhau.

Cách ngăn giữa cha và con không chỉ là khoảng trống lạnh lẽo nơi phòng xử án mà còn là khoảng trống chơi vơi của sự thấu hiểu, sẻ chia và yêu thương đúng cách. Hy vọng những giọt nước mắt rơi nơi pháp đình sẽ khiến khoảng cách giữa bị cáo và cha mẹ gần hơn, bớt chông chênh. Hy vọng N. sẽ có một điểm tựa vững chãi để vượt qua những tháng ngày nông nổi và làm lại cuộc đời.

Hội đồng xét xử (HĐXX) xét thấy bị cáo là người nhỏ tuổi nhất trong vụ án, mức án 12 tháng tù mà cấp sơ thẩm tuyên phạt chưa tương xứng với mức án của các bị cáo khác... nên xem xét giảm một phần mức án cho bị cáo. Từ đó, HĐXX tuyên giảm còn 6 tháng tù đối với N.

TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.