.
Ký sự pháp đình

Cơm sôi nhỏ lửa

.

“Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”. Câu ca dao của ông cha xưa luôn là bài học quý giá về việc gìn giữ hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, không ít cặp vợ chồng không kìm nén được cơn giận, để những điều nuối tiếc xảy ra…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ghen bóng gió

Tình cờ quen biết nhau tại Đắc Lắc, đồng cảnh ngộ xa quê, anh Phan Thanh Vinh (SN 1979) và chị Đ.T.T (SN 1981) đã nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau khi ốm đau, lúc hoạn nạn. Lâu dần, tình cảm nảy sinh lúc nào không hay. Sau 5 năm quen biết, cả hai nên duyên vợ chồng.

Được bố mẹ cho một mảnh đất ở thôn Xuân Phú (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), vợ chồng anh chị cất một căn nhà nhỏ tạm bợ, chí thú làm ăn. Tình yêu cứ thế lớn dần theo năm tháng cùng tiếng cười rộn rã của hai đứa con trai.

Con nhỏ, chị không thể sẻ chia gánh nặng kinh tế cùng chồng. Công việc làm nông lại ngày càng khó khăn nên anh quyết định đi làm ăn xa. Những chuyến đi đôi khi kéo dài 3-4 tháng. Tiền kiếm được không nhiều, mùa nắng khoảng 4 triệu đồng/tháng, vừa đủ chi tiêu trong nhà. Mùa mưa thiếu trước hụt sau, vợ chồng, con cái gói ghém từng đồng qua ngày. Khó khăn không bào mòn yêu thương trong mái ấm nhỏ. Thế nhưng, chính những chuyến đi xa lại khiến người chồng sinh lòng ghen tuông.

Cơn ghen ngấm ngầm rồi bùng nổ vào tối 23-1-2014, làm tan tác mái ấm nhỏ sau 12 năm gắn bó. Sau khi đi ăn tiệc tất niên ở nhà bạn về, anh Vinh nhớ lại vào đầu giờ chiều có người gọi điện thoại hỏi vì sao quá giờ làm việc mà chị T. chưa đến. Trong khi đó, chị T. lại không có mặt ở nhà.

Anh Vinh sinh nghi, cho rằng vợ bỏ việc để hẹn hò với người đàn ông khác nên gặng hỏi, ghen tuông bóng gió. Mâu thuẫn xảy ra, cả hai vợ chồng cãi vã to tiếng. Trong lúc tức giận, chị T. có những lời lẽ xúc phạm chồng khiến anh Vinh không kìm được cơn giận, tát vợ một cái.

Chị T. vẫn tiếp tục lớn tiếng, thách thức chồng. Lúc này, anh Vinh nhìn thấy góc phòng có sẵn chai chứa khoảng 1/2 lít xăng nên lấy tạt vào người vợ rồi dùng điếu thuốc lá đang cháy châm vào. Lửa bùng lên, anh Vinh hốt hoảng cùng người nhà dập lửa và đưa vợ đi cấp cứu. Hôm sau, người chồng đến cơ quan công an đầu thú. Hậu quả, chị T. bị cháy bỏng diện tích 5%, thương tích 15%.

“Tôi có lỗi…”

Hôm tòa xử, chị dắt con đến UBND xã Hòa Sơn từ sớm. Khi ánh mắt anh chị giao nhau, cả hai đều bối rối hướng ánh nhìn về phía khác. Đứa con lớn mếu máo nhìn cha, đứa con nhỏ ngơ ngác…

Khai với tòa về nguyên nhân tạt xăng đốt vợ, bị cáo cho hay: “Tôi tức quá, không kiềm chế được bản thân”. Bị cáo cũng thừa nhận, trong quá trình sống chung, “vợ chồng có đôi khi đánh qua đánh lại, cãi qua cãi lại” và bản thân bị cáo từng 2-3 lần tát vợ.

Chủ tọa bức xúc: “Khi bị cáo đánh vợ, bị cáo nghĩ gì? Bị cáo đánh vợ để làm gì?”. Bị cáo vặn vẹo bàn tay, im lặng hồi lâu rồi nói: “Tôi biết tôi sai”. Chủ tọa hỏi: “Đến lúc này, bị cáo còn yêu thương vợ mình không?”. Không chần chừ, bị cáo đáp ngay: “Còn”, rồi lí nhí: “Tôi biết lỗi lầm của tôi. Tôi xin lỗi. Tôi mong vợ và người thân tha thứ cho tôi…”.

Tòa hỏi chị, chị nhận hết lỗi về mình. “Do tôi xúc phạm nặng nề, thách thức ảnh nhiều lần, lại làm gan, không chịu bỏ chạy lúc bị tạt xăng. Tôi đã gây ra tội lỗi cho anh. Anh ấy đang có hơi men nên mới không kiềm chế được. Lỗi là do tôi. Tôi xin tòa xử mức án nhẹ nhất để chồng tôi về phụ nuôi 2 đứa con nhỏ …”, chị vừa nói vừa sụt sùi.

Tòa nghị án, chị vén chiếc áo khoác dài tay lên, để lộ bàn tay nhăn nheo nham nhở - di chứng của lửa xăng và lửa ghen. Một nửa gương mặt chị vẫn đang sưng phồng, đỏ ửng. Tôi hỏi: “Chị có giận anh không?”. Chị lắc đầu: “Chị gây ra lỗi chứ có phải ảnh đâu mà giận”.

Rồi chị phân trần: “Vợ chồng chị sống hạnh phúc lắm. Chồng chị tính ra cũng hiền lành, chỉ lúc có hơi men ảnh mới như rứa. Ảnh đi làm về, có bao nhiêu tiền là đưa chị hết, chỉ giữ lại một ít uống cà-phê thôi. 15 triệu đồng chị đi chữa bệnh cũng là số tiền ảnh tích cóp được. Chị biết lỗi sai của chị…”.

Lao động chính không còn, gia đình hai bên cũng khó khăn nên dù vết thương chưa hoàn toàn bình phục nhưng chị vẫn gắng gượng đi giúp việc nhà để có thể chăm lo cho hai con. “Bác sĩ nói tay chị chưa thể làm việc nặng được. Nhưng anh thì như rứa, chị biết làm răng được chừ. Mỗi ngày làm từ 7 giờ đến 19 giờ, chị được trả 80.000 đồng, có tiền mà lo cho mấy đứa nhỏ…”.

Hội đồng xét xử nhận định hành vi sai trái của bị cáo xuất phát từ một phần lỗi của người bị hại, bị cáo đã cố gắng khắc phục hậu quả, ăn năn, hối lỗi… nên tuyên phạt 5 năm tù.

Chị quệt vội nước mắt, tất tả chạy theo chồng đang được dẫn ra xe để về trại giam. Đứa lớn thấy cha cũng vui mừng chạy đến nhưng bị ngăn lại, lủi thủi bật khóc. Những người dự khán không nén được tiếng thở dài, tiếc cho một mái ấm. Điều may mắn là họ vẫn còn yêu thương nhau, sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm của đối phương…

“Con nhớ cha lắm…”

Vì hai đứa trẻ con bị cáo chưa đủ tuổi, chủ tọa phiên tòa yêu cầu người thân đưa các em rời phòng xử. Con trai đầu bị cáo đứng nấn ná nhìn cha hồi lâu rồi chạy ùa ra sân, vô tư chơi đùa cùng người bạn hàng xóm. Bắt chuyện hồi lâu, tôi hỏi: “Con có thương cha không?”. Em cười bẽn lẽn, không đáp. Cậu nhóc bạn em nhanh nhảu: “Hắn thương cha hơn thương mẹ đó cô…”. Tôi nhìn em, em xấu hổ gật đầu rồi đáp: “Dạ, mẹ dẫn con lên thăm cha hoài à. Con thương mẹ, cũng thương cha nữa. Con nhớ cha lắm…”.

TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.