.
Ý Kiến

Khổ với “Trung tâm gia sư”

Trưa. Mới đi làm về tranh thủ chợp mắt để chiều đi làm tiếp. Chợt… reng, reng… Cực chẳng đã, ngồi dậy cầm máy. Đầu dây bên kia cất lên một giọng chớt chớt nghe chói tai, Alô! Tôi ở trung tâm gia sư S.P trên đường Trần Cao Vân. Nhà mình có cần gia sư không?


 Bực mình nhưng phải lịch sự trả lời vì đằng nào người gọi bên kia đã xưng là ở trung tâm gia sư, mà gia sư có nghĩa, ít ra cũng là người đi dạy, là thầy, cô. Thưa cô nhà tôi không cần gia sư ạ! Trả lời xong yên tâm là không bị quấy rầy nữa, nhưng mới chợp mắt được ít phút lại… reng... reng… Và đầu dây bên kia cũng lặp lại câu hỏi y như trước, nhưng lần này là giọng nói khác. Và tự xưng là trung tâm gia sư T.S.


Những tháng qua, tôi và gia đình thường xuyên bị “khủng bố” vì mấy cái trung tâm gia sư. Họ gọi bất cứ giờ nào: Trưa, tối, nửa đêm… Nhiều lúc buộc phải trả lời gắt gỏng, nhưng họ vẫn “kiên trì bám trụ”, cứ khoảng vài tiếng họ lại “quậy” một lần. Không biết làm sao họ có số điện thoại cá nhân. Hỏi ra mới biết, những trung tâm này cử người đến các trường tiểu học trong thành phố và tiếp cận hồ sơ học sinh các lớp để ghi lại số điện thoại của cha, mẹ học sinh.


Cứ nghĩ chỉ mỗi mình bị tra tấn vì các trung tâm gia sư qua điện thoại. Không ngờ, trao đổi với những người cùng cơ quan, họ cũng cho biết y như vậy. Nghĩa là những ai có con trong độ tuổi học phổ thông đều bị các trung tâm này quấy rầy.


Thiết nghĩ, những Trung tâm gia sư có “cần người để dạy” thì cũng tế nhị một chút. Gọi một lần người ta từ chối rồi thôi, đừng gọi lần thứ hai, thứ ba… Và nếu gọi cũng lựa giờ hợp lý. Chứ ai lại…
Mong báo nói giúp tiếng để những “Trung tâm gia sư” đừng quấy rầy thêm nữa.


Trần Quang

;
.
.
.
.
.