Đậu rồng chữa vết thương

.

Đậu rồng là cây rau quen thuộc, được trồng bò lan trên hàng rào vườn nhà của nhiều gia đình ở miền Nam. Đây không chỉ là món ăn ngon, bổ dưỡng mà còn là một vị thuốc quý nếu biết sử dụng.

Đậu rồng, còn gọi là Đậu vuông, tên khoa học là Psophocarpus tetragonolobus (L.) DC., thuộc họ Ðậu - Fabaceae, là cây thảo leo, sống nhiều năm, có nhiều củ. Lá đậu rồng có 3 lá chét hình tam giác nhọn. Chùm hoa nách lá, mang 3-6 hoa màu trắng hoặc phớt tím.

Đậu rồng - cây rau, cây thuốc. Ảnh: P.C.T
Đậu rồng - cây rau, cây thuốc. Ảnh: P.C.T

Quả Đậu rồng màu vàng lục, hình 4 cạnh, có 4 cánh, mép khía răng cưa; hạt gần hình cầu, có màu sắc thay đổi tùy theo giống trồng (vàng, trắng, nâu hoặc đen). Hầu hết các bộ phận của cây Đậu rồng đều có thể dùng được: Hạt, quả non, lá, và cả củ đậu rồng.

Trước đây, Ðậu rồng được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam; hiện nay đậu rồng được trồng nhiều hơn và ngày càng được ưa chuộng bởi nhân dân các tỉnh miền Bắc. Ðậu rồng có thể gieo quanh năm ở các tỉnh phía Nam, còn ở phía Bắc nên gieo trong tháng 6. Sản lượng hạt có thể đạt trên 1 tấn/ha.

Đậu rồng là một món ăn bổ dưỡng, hạt Ðậu rồng có hàm lượng protein rất cao và cũng chứa dầu béo tương tự dầu đậu tương. Nó chứa 32-36% protid, 13-17% lipid, 26-33% glucid, và nhiều acid amin như lysin, metionin, cystin. Củ Ðậu rồng chứa nhiều chất bột và đường, lượng protid trong củ Đậu rồng có thể chiếm tới 20% trọng lượng khô, cao hơn hẳn so với các loại củ khác như Sắn, Khoai lang, Khoai tây, Khoai sọ.

Quả non đậu rồng xào với thịt bò là món ăn khoái khẩu quen thuộc với nhiều gia đình, hoặc có thể luộc chín quả để ăn trong các bữa ăn chay. Lá non và nụ hoa cũng giàu protein và vitamin, có thể ăn sống, luộc hay nấu canh, thường dùng chung với các loại rau sống khác. Củ Ðậu rồng nấu chín có thể góp phần giải quyết tình trạng thiếu protein.

Hạt đậu rồng là thức ăn dinh dưỡng cho các cháu bé từ 5 tháng tuổi trở lên. Bột chế từ hạt đậu rồng có thể thay thế sữa, chữa suy dinh dưỡng cho trẻ em. Lưu ý thành phần lypoxygenase có trong đậu rồng là enzym tạo ra một chất gây dị ứng, cần loại bỏ bằng cách ninh, hấp hoặc sao sấy kỹ.

Ngoài việc dùng làm món ăn, Ðậu rồng còn được dùng làm thuốc chữa đau mắt, đau tai, mụn có mủ, bướu, các bệnh nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn mắt, tai, mụn nhọt, nấm, nhiễm virus như thủy đậu, HIV, nhiễm ký sinh trùng sốt rét và một số bệnh khác như khó tiêu, béo phì, đau răng.

Rễ củ đậu rồng có vị hơi chát, tác dụng lợi thủy, chỉ thống, được dùng chữa cuống họng sưng đau, miệng hôi, đau răng, viêm đau đường tiết niệu. Sắc uống ngày 9 - 15g, có thể đến 60g.

Lá tươi Đậu rồng rửa sạch, giã nát, đắp để chữa các vết loét lâu lành rất hiệu quả, ngoài ra có thể dùng để chữa mụn nhọt, đau mắt do viêm hoặc có mủ.

Bản thân người viết bài này rất ấn tượng với tác dụng chữa trị vết loét lâu lành của lá đậu rồng trên một con chó cưng của gia đình. Đó là vết thương ban đầu ở vùng bụng, sau đó nó bắt đầu phát triển, ăn sâu vào thành bụng, xuyên thủng vào ruột. Vết loét kéo dài cả tháng trời, hành hạ chú rất tội nghiệp. Trước đó tôi đã dùng một số thuốc kháng sinh thú y điều trị nhưng không đỡ, về sau theo kinh nghiệm dân gian do ba tôi truyền lại, đã dùng lá đậu rồng nhai đắp lên vết thương. Thật không ngờ, chỉ 3 ngày sau thấy vết thương đã khô lại, 7 ngày sau bắt đầu liền miệng, dần dà vết thương chỉ còn lại một vệt sẹo trắng trên bụng chú chó. Quả là thuốc nam thần hiệu!

BS. BÙI TỨ


 

;
.
.
.
.
.