.
Phương hay Thuốc quý

Nói thêm về Lá đắng

.

Mấy ngày cuối tuần đầu năm 2017 này, tôi liên tục nhận tin nhắn tỏ ý hoang mang của nhiều bạn đọc, trong đó có cả các bác sĩ y học cổ truyền, sau khi đọc một số thông tin trên các báo mạng như “Cây mật gấu bị thổi phồng công dụng gây hiểm họa chết người”, “Sùng bái mù quáng cây mật gấu, nhiều người phải trả giá đắt: Trụy mạch, tai biến, tàn phế suốt đời...”…

Lá đắng - Vernonia amygdalina.  Ảnh: P.C.T
Lá đắng - Vernonia amygdalina. Ảnh: P.C.T

Các bài viết trên đã nêu quan điểm rằng “cây mật gấu là sản phẩm của phường kinh doanh dược liệu phi nhân tính và những trang mạng được điều hành bởi những kẻ không biết gì về kiến thức y học lại nhẫn tâm. Họ thổi phồng tác dụng của cây mật gấu, phịa đặt đủ điều để chơi trò bán buôn.

Bằng chứng là những điều họ nói về cây mật gấu, chẳng có tài liệu y học nào đề cập. Nhân chứng mơ hồ, nói không có sách - mách chẳng có chứng”.

Đồng thời, phê phán “Một số lương y đăng đàn trả lời cây mật gấu mà không qua thực tế lâm sàng, chỉ dựa trên tài liệu của nước ngoài. Trả lời về tính dược của một cây thuốc mà không có trải nghiệm thực tế gì, chỉ dựa vào tài liệu của nước ngoài (chắc gì công bố của nước ngoài đã chính xác?), các vị trên nào biết mình đã tiếp tay cho phường ác nhân khi tung hô thái quá để biến người bệnh vừa là con mồi vừa là vật thí nghiệm của chúng”…

Với tư cách một thầy thuốc y học cổ truyền, tôi xin nhắc lại một quan điểm có tính nguyên tắc là mọi hoạt động khám chữa bệnh cần có sự giám sát của thầy thuốc cũng như tuân thủ ý kiến tư vấn của các nhà chuyên môn, không nên tự ý chữa bệnh dù là bằng cây nhà lá vườn theo “phong trào” hay “tin đồn” thường rộ lên đây đó.

Để làm sáng tỏ việc này, tôi xin liệt kê một số bài viết trong nước (theo thứ tự thời điểm đăng bài) đã giới thiệu hay trả lời về cây Lá đắng mà dân gian vẫn gọi nhầm là cây Mật gấu hay Kim thất tai như sau:

1. Cây lá đắng chữa tiểu đường của Phan Công Tuấn, trang 40, tạp chí Cây Thuốc quý, cơ quan ngôn luận của Hội Dược liệu Việt Nam,  số 221+222, tháng 3-2013.

2. Lá đắng giải rượu của Phan Công Tuấn, báo Đà Nẵng cuối tuần, ngày  1-3-2013(http://www.baodanang.vn/channel/5433/201303/phuong-hay-thuoc-quy-la-dang-giai-ruou-2223926/).

3. Xôn xao “thần dược” mới của Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, báo Sức khỏe & Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, ngày 15-5-2015 (http://suckhoedoisong.vn/xon-xao-than-duoc-moi-n96523.html).

4. Cây Lá đắng, trả lời bạn đọc của TSKH. Trần Công Khánh, trên Tạp chí Thuốc & Sức khỏe, cơ quan ngôn luận của Hội dược học Việt Nam, trang 17, số 535 (ngày 1-11-2015) và trang 16, số 552 (ngày 15-7-2016).

5. Cây Lá đắng của TS. Võ Văn Chi (tác giả Từ điển cây thuốc Việt Nam), trang 9, tạp chí Cây Thuốc quý, số 268, tháng 2-2016.

6. Hỏi đáp về tác dụng của cây mật gấu, DS. Lê Kim Phụng (nguyên giảng viên Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh) trả lời lên mục tư vấn sức khỏe, báo Tuổi trẻ ngày 3-5-2016 (http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160503/hoi-dap-ve-tac-dung-cua-cay-mat-gau/1094383.html).

7. Tác dụng của cây Lá đắng (lá Mật gấu), của bác sĩ Trần Văn Năm (nguyên Phó viện trưởng, Viện Y Dược học Dân tộc TP. Hồ Chí Minh), đăng ngày 14-9-2016 trên website: http://vienydhdt.gov.vn/truyen-thong-giao-duc-suc-khoe/tac-dung-cua-cay-la-dang-la-mat-gau.html.

Nhìn chung, các bài viết đều thống nhất nhận định Lá đắng (dân gian  gọi Mật gấu, Kim thất tai), tiếng Anh gọi là Bitter Leaf, Vernonia Tree, tên khoa học là  Vernonia amygdalina  (đồng danh: Gymnanthemum amygdalinum), thuộc họ Cúc - Asteraceae,  là cây thuốc mới du nhập vào nước ta trong khoảng mươi năm trở lại đây.

TS. Võ Văn Chi đã tổng kết cho biết nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh nhiều hoạt tính sinh học của cây này như kháng khuẩn, kháng nấm, kháng ký sinh trùng, diệt sán và côn trùng, kháng sốt rét, kháng ung thư và tác dụng gây độc tế bào, chống gây đột biến, chống thụ tinh, chống đông máu và huyết khối, giảm đau và hạ sốt, chống viêm, chống oxy hóa, bảo vệ gan, trị đái tháo đường, v.v…

Đặc biệt loài cây này có ít hoặc không có chất độc hại. Người ta khuyến khích sử dụng cây này với lợi ích sức khỏe một cách an toàn.

Từ đầu năm 2014, tôi về công tác tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, cùng các đồng nghiệp đề xuất và thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp thành phố. Trong đề tài điều tra cây thuốc thành phố Đà Nẵng, chúng tôi (phối hợp với Viện Dược liệu) đã thu mẫu và chính thức đưa cây Lá đắng vào danh lục cây thuốc. Trong đề tài điều trị nghiện ma túy, chúng tôi đã đề xuất bài thuốc hỗ trợ cai nghiện gồm 18 vị thuốc nam trong đó có 15g Lá đắng. 

Kết quả nghiên cứu thử độc tính cấp và bán trường diễn đều cho thấy bài thuốc không độc, an toàn cho động vật thí nghiệm.

Ngoài 2 đề tài nói trên, chúng tôi đã gợi ý và cung cấp nguyên liệu cho một học viên cao học nghiên cứu đánh giá thành phần, công dụng chống oxy hóa và hạ đường huyết của Lá đắng (đề tài luận án Thạc sĩ) tại Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.

Với một vài dẫn chứng trên đây, thiết tưởng cũng có thể ít nhiều giải tỏa được sự hoang mang của bạn đọc về vấn đề sử dụng cây Lá đắng.

Nhớ lại cách đây 10 năm, khi một số báo chí đưa tin ăn bưởi gây ung thư, tôi cũng đã lên tiếng trên một diễn đàn báo chí rằng: Trong xã hội bùng nổ thông tin ngày nay, để trụ vững trong một thế giới đa cực, luôn đầy rẫy những thông tin đa chiều, chúng ta không chỉ cần nương tựa vào sự thẩm định kỹ lưỡng của các nhà chuyên môn, mà còn cần tự tin vững vàng nơi lương tri bản thân mình.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.