.

Gỡ khó bảo hiểm y tế sinh viên

.

Không được chọn nơi khám, chữa bệnh ban đầu, chất lượng khám, chữa bệnh chưa cao… là những nguyên nhân khiến một số sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trong khi đây là chủ trương lớn, có ý nghĩa nhân văn và trở thành hình thức bảo hiểm bắt buộc đối với toàn dân, trong đó có học sinh, sinh viên.

Khám sức khỏe cho sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).
Khám sức khỏe cho sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Gỡ khó cho công tác BHYT sinh viên là mục đích chính của hội nghị “Phối hợp tuyên truyền và triển khai BHYT sinh viên năm 2016” do Đại học Đà Nẵng phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố tổ chức ngày 28-9.

Thủ tục rườm rà

Theo TS. Nguyễn Thị Hoàng Anh, Phó phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), hiện nay, BHYT là bắt buộc, tuy nhiên vẫn còn một số học sinh-sinh viên (HS-SV) chưa tích cực tham gia. “Một số SV không được chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu nên các em chưa muốn tham gia. Ngoài ra, công văn thông báo của Bảo hiểm xã hội chưa được cán bộ hướng dẫn rõ ràng, nên việc lập danh sách SV tham gia phải thay đổi nhiều lần. Đây là sự bất cập, bởi số lượng SV của trường đông (hơn 6.000) nên việc lập danh sách rất khó khăn”, cô Anh nói. “Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội thành phố cần nhanh chóng xử lý những sai sót về ngày, tháng, năm sinh, họ và chữ lót, để SV khỏi phải đi lại nhiều lần”, cô Anh chia sẻ thêm.

Cô Nguyễn Thị Nhàn, Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý SV, Trường Đại học Kỹ thuật Y - dược Đà Nẵng cho rằng, những SV thuộc hộ nghèo và cận nghèo rất khó khăn trong việc làm giấy tờ do phải chờ đợi các thủ tục từ địa phương. Ngoài ra, biểu mẫu thực hiện đăng ký danh sách mua, chỉnh sửa, sai sót thông tin SV tham gia BHYT thiếu thống nhất.

Theo ông Trần Văn Phi, cán bộ phụ trách y tế Trường Đại học Kinh tế  (Đại học Đà Nẵng), nhiều SV phản ánh ở một số nơi, việc khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT chưa bảo đảm chất lượng, khám qua loa, thái độ của bác sĩ chưa nhiệt tình nên các em ngại đi khám. Đồng thời, thời gian cấp thẻ mới thường chậm trong khi thẻ cũ đã hết hạn nên cũng là một trong những khó khăn nếu SV ốm đau vào thời điểm đó.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền

Tính đến ngày 20-9, Đại học Đà Nẵng có gần 60.000 HS-SV các hệ, trong đó có gần 45.000 em hệ chính quy. Trong số này có hơn 6.000 em thuộc các đối tượng chính sách, khó khăn được miễn, giảm học phí, phần lớn các em đến từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Cùng với các chế độ chính sách khác, BHYT trong HS-SV đã và đang trở thành một chính sách có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt đối với các SV có hoàn cảnh khó khăn không may bị ốm đau, bệnh tật và rủi ro về sức khỏe.

Theo ông Nguyễn Đăng Quốc Chấn, Trưởng khoa Y dược, Đại học Đà Nẵng, đây là chủ trương mang tính nhân văn nên cần phải phát huy và có chính sách riêng đối với các em thuộc diện khó khăn. “Theo tôi, các đơn vị nên trích một phần kinh phí để hỗ trợ hoặc cho tạm ứng đối với một số em thuộc diện nghèo. Các em là những đối tượng dễ đau ốm nhất và cần có chiếc thẻ bảo hiểm để đỡ một phần chi phí khi khám chữa bệnh”, ông Chấn nêu ý kiến.

Đồng quan điểm với ông Chấn, TS. Nguyễn Thị Hoàng Anh cũng cho biết, hiện nay, một số HS-SV có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng nông thôn vẫn chưa tham gia BHYT và cần có sự hỗ trợ. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội thành phố cần phối hợp chặt chẽ với trường trong công tác tuyên truyền, vận động thu nộp và phát hành thẻ BHYT để hạn chế tối đa sai sót.

Đại học Đà Nẵng là một trong những đơn vị có tỷ lệ SV (tại các trường thành viên) tham gia BHYT tương đối cao. Năm học 2015-2016 đạt tỷ lệ 98,72%, tăng 0,7% so với năm học trước và cao hơn nhiều so với mức bình quân trong các trường đại học, cao đẳng trên cả nước (trung bình cả nước là 84%).

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.