.

Đến năm 2020, 80% tỉnh, thành phố có phòng khám gia đình

Ngày 15-7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020, với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, mô hình bác sĩ gia đình là hệ thống y tế cơ sở gần dân nhất, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh. Tại Việt Nam, từ năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp 1 Y học gia đình. Hoạt động bác sĩ gia đình bước đầu được tổ chức tại một số thành phố nhưng còn nhỏ, lẻ, chưa đầy đủ nguyên lý của Y học gia đình. Tính đến tháng 6-2016, đã có 336 phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với chỉ tiêu đề ra ban đầu là 80 phòng khám. Trong đó có 234 phòng khám bác sĩ gia đình công lập gắn với cơ sở khám, chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%), đã thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế do các cơ sở này được tham gia cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo đánh giá, mô hình bệnh tật ở Việt Nam là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng ở mức khá cao. Nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh, dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng hết sức cần thiết, nên sự đòi hỏi nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách. Đây là những lý do để ngành Y tế triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020, bảo đảm đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.

PHAN CHUNG
 

;
.
.
.
.
.