.

Gian nan cai nghiện tại gia đình, cộng đồng

.

Bài 1: Địa phương kêu khó, trạm y tế đau đầu

Sau một năm triển khai, số người tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng ở Đà Nẵng rất khiêm tốn. Tính đến tháng 9 vừa qua, các địa phương đã lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng 106 người, chiếm phần nhỏ trong tổng số 940 người đang tham gia cai nghiện bằng nhiều hình thức khác nhau trên địa bàn thành phố.

Bị ảo giác sau khi sử dụng ma túy, L.P.K.L (SN 1966, ngụ quận Thanh Khê) đã dùng dao chặt cá chém hàng xóm bị thương.
Bị ảo giác sau khi sử dụng ma túy, L.P.K.L (SN 1966, ngụ quận Thanh Khê) đã dùng dao chặt cá chém hàng xóm bị thương.

Ít trường hợp tự nguyện

Ông Võ Công Hùng, cán bộ phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội phường Nam Dương cho biết: “Việc vận động người dân rất khó khăn, chưa ai chủ động liên hệ với phường để khai báo tình trạng nghiện và đăng ký tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Do đó, tổ công tác cai nghiện phường phải bám sát hồ sơ quản lý người sử dụng ma túy, thường xuyên đến nhà họ để tuyên truyền, vận động”.

Từ đầu năm đến nay, tổ công tác cai nghiện phường Nam Dương phối hợp với Công an phường lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng 7 trường hợp. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ còn 1 trường hợp đang tham gia hình thức cai nghiện này.

“Có 5 trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Còn 1 trường hợp đang cai nghiện thì có tình trạng tái sử dụng nên chúng tôi đã lập hồ sơ đưa vào Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06”, ông Hùng cho hay.

Chia sẻ về công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng trong thời gian qua, ông Hùng lo lắng: “Hiện nay, trên địa bàn phường, số lao động, học sinh, sinh viên và một số thành phần không rõ lai lịch thuê nhà nghỉ, nhà trọ, cư trú làm ăn và học tập với số lượng tương đối lớn.

Vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ tình hình sử dụng ma túy cũng như ngăn chặn việc tái sử dụng của các trường hợp tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là rất khó”.

Trong khi đó, phường Thanh Bình (quận Hải Châu) hiện có 1 trường hợp gia đình tự nguyện đưa con em đến phường nhờ hỗ trợ cai nghiện. Trường hợp này được xem là hiếm hoi.

Anh Võ Như Chương, cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội phường Thanh Bình cho biết: “Nguyên tắc để cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là gia đình người nghiện có trách nhiệm phối hợp với phường giám sát, quản lý người nghiện.

Vì vậy, khi gia đình tự nguyện động viên con em tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, chúng tôi rất vui mừng. Đây cũng là trường hợp cai nghiện có hiệu quả tốt hơn các trường hợp khác”.

Từ đầu năm đến nay, 10 trường hợp đã được tổ công tác cai nghiện phường Thanh Bình phối hợp với Công an phường lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Hiện tại, còn 3 người đang tham gia, 5 người được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và 2 trường hợp đang cai nghiện thì có tình trạng tái sử dụng nên được đưa vào Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06.

Theo anh Chương, khó khăn lớn nhất trong quá trình tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là việc tiếp cận người nghiện. “Tâm lý mặc cảm, tự ti nên người nghiện không thích tiếp xúc. Tìm đến nhà nhiều lần chưa chắc đã gặp họ nên chúng tôi thường chủ động gặp gỡ khi đối tượng tham gia test hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Lần gặp ban đầu rất quan trọng, là cơ sở để xây dựng niềm tin, nắm bắt tâm sinh lý đối tượng, nên chúng tôi luôn cố gắng tạo ấn tượng tốt nhất. Điều này đòi hỏi người làm công tác này phải vô cùng kiên nhẫn, chịu khó, mềm mỏng”, anh Chương tâm sự.

Tuy nhiên, điều làm anh Chương “đau đầu” nhất là thái độ của gia đình và địa phương nơi người nghiện cư trú. “Nhiều gia đình lo làm ăn, không quan tâm đến người thân đang nghiện. Một số khác sợ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh nên từ chối cho con em tham gia các hoạt động tại cộng đồng.

Thậm chí, nhiều người nghiện bị chính người thân xa lánh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và quyết tâm cai nghiện của họ, cũng như khiến việc phối hợp của chúng tôi với gia đình rơi vào bế tắc, khó khăn.

Bên cạnh đó, không chỉ người nghiện và gia đình mang mặc cảm, tự ti, xấu hổ mà số ít tổ dân phố nơi người nghiện cư trú cũng bày tỏ thái độ không thích vì sợ bị ảnh hưởng thi đua”, anh Chương nói.

Còn nhiều trở ngại

Một trong số những trở ngại khi tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là điều kiện vật chất và con người tại các trung tâm y tế.

Chẳng hạn, Bệnh viện quận Hải Châu bắt đầu tham gia cắt cơn, giải độc cho người nghiện tại gia đình, cộng đồng từ năm 2014, đến nay đã có 17 trường hợp được đưa vào đây. Tuy nhiên, nghịch lý là khi được đưa đến bệnh viện thì người nghiện… chưa lên cơn nên đơn vị chưa thực hiện cắt cơn cho trường hợp nào.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện quận Hải Châu thở dài: “Lẽ ra người nghiện lên cơn thì chúng tôi mới nhận vào đây cắt cơn, nhưng gia đình và địa phương năn nỉ quá nên phải nhận theo dõi khoảng 2-3 ngày rồi… cho về”.

Dù chưa cắt cơn cho trường hợp nào nhưng y, bác sĩ và bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện cũng phải nhiều phen… thót tim vì bạn bè của người nghiện.

Một bác sĩ ở đây cho biết, bạn bè của người nghiện đi thăm bạn hầu hết đều xăm mình, mặt bặm trợn, hút thuốc liên tục. Thậm chí, có người còn mang theo cả hung khí. Khi bị bảo vệ nhắc nhở, có người còn gây sự với bảo vệ, tỏ thái độ không hợp tác.

Theo ông Võ Công Hùng, cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội phường Nam Dương, việc đưa đối tượng đi cắt cơn, giải độc tại trung tâm y tế các quận, huyện còn nhiều khó khăn, do hầu hết đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp, không có hội chứng cai, không lên cơn vật vã… nên đối tượng không phối hợp với chính quyền địa phương đến trung tâm y tế để cắt cơn, giải độc.

“Có trường hợp đã đến trung tâm y tế, nhưng khi bạn bè đến thăm, không được phép ra ngoài đã quậy phá, gây ảnh hưởng đến bệnh nhân khác đang điều trị”, ông Hùng thổ lộ. Một thực tế nữa là công tác quản lý, theo dõi người nghiện ma túy cắt cơn, giải độc tại Trung tâm Y tế quận còn lỏng lẻo nên khả năng thẩm lậu ma túy rất cao.

Nếu không đưa vào theo dõi cắt cơn tại trung tâm y tế địa phương, người nghiện có thể đến điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện này đã hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy cho khoảng 200 lượt bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Lâm Tứ Trung, hiện nay, khoa Pháp y - Nghiện thuộc bệnh viện, chỉ có 40 giường dành cho cả bệnh nhân nghiện rượu lẫn bệnh nhân nghiện ma túy và duy nhất một phòng cách ly cắt cơn có sức chứa tối đa 3 người.

Bác sĩ Trung lo lắng: “Nếu trong cùng thời gian, số người đăng ký cắt cơn nhiều hơn 3 thì bệnh viện không thể đáp ứng. Do đó, việc điều trị cai nghiện ma túy cũng gặp khó khăn khi cơ sở vật chất không đủ sức chứa, không có phòng hoạt động hỗ trợ (phòng tập thể lực, phòng vật lý trị liệu, phòng dạy nghề, phòng sinh hoạt, giải trí...)”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ -  TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.