.

Chữa bệnh qua... mạng xã hội

.

Khi con ho hen, cảm sốt…, thay vì đưa đi bác sĩ, nhiều ông bố, bà mẹ vào mạng xã hội hỏi cách chữa trị. Bệnh hết thì mừng nhưng đôi khi dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc; thậm chí có trường hợp bác sĩ trả con về vì không thể cứu chữa được nữa.

Thay vì vào mạng xã hội hỏi, phụ huynh nên đưa con đến gặp trực tiếp bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời.
Thay vì vào mạng xã hội hỏi, phụ huynh nên đưa con đến gặp trực tiếp bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời.

Đau gì cũng hỏi

Tại một trang mạng xã hội khá nổi tiếng ở Đà Nẵng, một thành viên có địa chỉ Facebook Huỳnh Ngọc Trâm rối rít hỏi: “Cách nào hạ sốt, giảm ho cho bé nhanh vậy các mẹ? Em da tiếp da mà bé quấy, không chịu nằm, chỉ đòi bồng đi”. Sau lời chia sẻ này là hàng loạt cách chỉ vẽ của những mẹ sữa khác. Người thì khuyên nên kiên trì cho con bú sữa mẹ, người thì bày cách thoa dầu dưới lòng bàn chân rồi mang tất cho trẻ. Thậm chí, có người còn chỉ cách chà chanh lên người trẻ sẽ hạ sốt rất nhanh.

Vài ngày sau, bà mẹ trẻ Ngọc Trâm vui mừng thông báo rằng, con chị đã khỏe mạnh hoàn toàn mà không dùng thuốc, bởi chị đã kiên trì cho con bú sữa mẹ, thoa dầu dưới lòng bàn chân rồi mang tất cho bé, cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát.

Không riêng những trường hợp con đau ốm, nhiều chị em gặp những vấn đề rắc rối khi mang thai cũng không ngần ngại vào mạng hỏi. Chị Phan Thị Thu Thảo (28 tuổi, quận Hải Châu) đi siêu âm thai được bác sĩ chẩn đoán thiếu nước ối. Thay vì nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ, chị Thảo lại đi hỏi những bạn bè, đồng nghiệp trên Facebook bởi chị cho rằng “kinh nghiệm dân gian đôi khi hiệu quả hơn y học”.

Đừng biến con thành “chuột bạch”!

Không phải ai cũng may mắn và tỉnh táo trước những chia sẻ của mạng xã hội Facebook hay “bác sĩ Google”, bởi từng có nhiều trường hợp hết bệnh đâu không thấy, chỉ thêm rước họa vào thân.

Chị T.T.N (30 tuổi, quận Sơn Trà) từng đau lòng chia sẻ câu chuyện của mình trên trang cá nhân. Theo đó, nghe theo lời của các bà mẹ khác, chị N. liên tục cho đứa con trai 2 tuổi của mình ăn cháo trắng thêm muối để trị tiêu chảy. Đến khi tình hình của con không thuyên giảm, chị N. mới vội vàng đưa con vào bệnh viện.

Chị N. rụng rời tay chân khi bác sĩ thông báo cháu bé không thể qua khỏi bởi việc cho bé ăn cháo trắng muối quá nhiều đã làm hỏng hệ tiêu hóa, chức năng thận của bé. Qua câu chuyện của mình, chị N. mong rằng, các bà mẹ trẻ đừng quá tin tưởng những gì được viết trên mạng Internet, áp dụng cho con để rồi bỏ qua những “cơ hội vàng” giúp con khỏi bệnh.

Đến bây giờ, gia đình chị P.T (35 tuổi, quận Liên Chiểu) vẫn nhớ như in khoảng thời gian đáng sợ khi giành giật sự sống cho đứa con trai 5 tuổi bị sốt xuất huyết vào năm ngoái.

Thấy con sốt li bì, tay chân lạnh, uống thuốc hạ sốt vẫn không bớt, nghĩ con bị trúng gió nên chị T. cạo gió và cho con uống thuốc hạ sốt theo lời hướng dẫn của các thành viên trên Facebook. Mãi đến ngày thứ 5, khi bệnh không thuyên giảm, chị mới đưa con đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Do ủ bệnh quá lâu nên từ sốt xuất huyết, bệnh bị biến chứng nặng nề dẫn đến tràn dịch màng phổi, máu đọng trong thận. “Hồi đó, nhìn con phải thở bằng máy, toàn thân phù nề, sống - chết mong manh, tôi ân hận tột độ. Trong trường hợp ốm đau, đừng tin tưởng vào bất cứ ai, bất cứ lời khuyên bảo nào, ngoại trừ bác sĩ”, chị Thủy chia sẻ.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.