.

Người nhà kêu chậm trễ, bệnh viện khẳng định làm hết sức

.

ĐNĐT - Đau xót vì con qua đời sau khi đến bệnh viện cấp cứu, gia đình bệnh nhân truy vấn trách nhiệm của bác sĩ.

Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp phim chụp CT bệnh nhân Vy
Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp phim chụp CT bệnh nhân Vy

“Bác sĩ làm gì khi con tôi nguy kịch?”

Liên quan đến trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Phương Vy (28 tuổi, trú tại đường Phó Đức Chính, quận Sơn Trà) tử vong sau khi cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng, sáng 20-8, tại nhà riêng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cha của bệnh nhân đã có cuộc chia sẻ với báo chí.

Theo ông Tuấn và theo đơn trình bày của gia đình gửi đến các cơ quan chức năng, 7 giờ sáng ngày 14-8-2015, chị Phương Vy thức dậy chuẩn bị đi làm thì có cảm giác đau đầu, nôn, tay chân lạnh. Gia đình tưởng bệnh nhân trúng gió nên xoa dầu và thực hiện sơ cấp cứu tại nhà, nhưng thấy triệu chứng càng nặng như mắt lờ đờ, không nói được, có dấu hiệu hôn mê nên hàng xóm gọi xe cấp cứu.

Do trên đoạn đường nhà chị Vy có đến hai căn nhà mang địa chỉ  “số 8 Phó Đức Chính”, nên gây nhầm lẫn cho xe cấp cứu và dẫn đến chậm trễ 30 phút.

Đúng 9h04 phút, xe đưa bệnh nhân đến khu cấp cứu đa khoa, Bệnh viện Đà Nẵng. 9h57 phút, bác sĩ thông báo cho gia đình biết bệnh nhân bị xuất huyết não. Tuy nhiên, từ thời điểm đó cho đến lúc được chụp CT não phải mất 2 giờ đồng hồ vì chờ làm thủ tục gồm: về nhà lấy chứng minh nhân dân bổ sung, nộp tiền viện phí, nộp tiền chụp CT. 12h04 phút, bác sĩ thông báo tình trạng bệnh nhân không thể cứu được.

Gia đình nạn nhân đặt câu hỏi, từ 9h57 phút đến 12h04 phút, tức trong vòng 2 giờ đồng hồ, các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng làm gì trong khi bệnh nhân Vy nguy kịch? Phải chăng bệnh viện chờ người nhà nộp tiền rồi mới cứu chữa?

Cha của bệnh nhân Vy
Cha của bệnh nhân Vy

“Bác sĩ chạy đua với thời gian”

Cũng trong buổi sáng 20-8, lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng và các bác sĩ phụ trách ca cấp cứu này đã gặp gỡ và trả lời báo chí về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Phương Vy.

TS. bác sĩ Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng trình bày, theo bệnh án, bệnh nhân Nguyễn Thị Phương Vy nhập viện lúc 9h20 phút ngày 14-8. Lý do nhập viện là đột ngột hôn mê. Trong phòng cấp cứu đa khoa, bệnh nhân được khám, đo huyết áp, đặt ống thở nội khí quản (do bệnh nhân bị suy hô hấp) và chụp CT. Bác sĩ Nhân gửi cho các phóng viên xem thời gian hiển thị trên phim CT lần đầu tiên là 9h55 phút 57 giây.

Ngay khi có kết quả CT, phòng cấp cứu mời bác sĩ khoa ngoại thần kinh hội chẩn tại chỗ. 10h25 phút, bệnh nhân được chuyển sang phòng hồi sức cấp cứu, được cho thở máy và điều trị bằng thuốc phù não. Xác định đây là người bệnh trẻ tuổi, mức độ nguy kịch, bệnh nhân được chỉ định chụp CTA (dựng hình tái tạo mạch máu não). Trên phim CTA cho thấy thời gian chụp là 11h13 phút.

Thời điểm này, các bác sĩ tiếp tục hội chẩn và kết luận không phẫu thuật vì không có dị dạng mạch máu não. Bác sĩ CKII Nguyễn Ngọc Bá, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết thêm, từ phim chụp CT đầu tiên đến phim CT thứ hai cách nhau hơn 1 giờ đồng hồ đã cho thấy mức độ xuất huyết quá nhanh và quá nhiều. Hiện trên thế giới chưa có thuốc khống chế sự xuất huyết trong trường hợp này.

Bệnh viện Đà Nẵng công bố phiếu CT có đóng dấu bệnh nhân chưa đóng tiền khi chụp
Bệnh viện Đà Nẵng công bố phiếu CT có đóng dấu bệnh nhân chưa đóng tiền khi chụp

Về vấn đề thu viện phí, bác sĩ Nhân đưa ra các giấy tờ có đóng dấu người bệnh nợ tiền chụp CT và đến ngày 19-8, tức 6 ngày sau khi bệnh nhân vào viện thì người nhà mới đến làm các thủ tục thanh toán viện phí. Những khoản thu trước đó trong thời gian bệnh nhân ở bệnh viện là tiền tạm ứng.

Lãnh đạo bệnh viện khẳng định, y bác sĩ đã chạy đua với thời gian để xử lý ca bệnh này. Bệnh nhân tử vong không chỉ là nỗi đau của gia đình mà còn là nỗi xót xa của các y bác sĩ.

Điều đáng tiếc và cũng rút kinh nghiệm đối với bệnh viện đó là bộ phận hành chính, nơi yêu cầu gia đình làm các thủ tục, nên có sự linh động thời gian, không nhất thiết đòi hỏi người nhà hoàn tất các giấy tờ trong lúc đang rối bời vì lo lắng. Đồng thời, những cán bộ y tế này cũng phải giải thích rõ ràng, cụ thể để người nhà hiểu tốc độ, thời gian làm thủ tục hành chính không ảnh hưởng đến tiến độ điều trị của bác sĩ.

Thu Hoa

;
.
.
.
.
.